Kinh tế xã hội

Giá ngoại tệ tăng không mấy ảnh hưởng đến người dân

09:45, 05/10/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Gần một tháng nay, dư luận thị trường xao động bởi sự tăng giá đột ngột của thị trường ngoại tệ. Trên thị trường tự do, giá ngoại tệ tăng giảm thất thường, tuy nhiên xu hướng vẫn là tăng đột biến. 
 
Cho đến ngày 30-9 giá USD trên thị trường tự do bán ra đã tăng đến mức 21.280 đồng/USD, tăng thêm tới 80 đồng/USD so với ngày 20/9. Đến sáng ngày 1-10, giá USD tự do tại Hà Nội phổ biến ở mức 21.230-21.240 đồng (mua vào) và 21.250-21.260 đồng (bán ra), thấp hơn 20 đồng/USD so với 30/9. Mức giá trên vẫn nằm sâu dưới trần biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ngược với thị trường tự do, tại các ngân hàng thương mại, giá USD niêm yết được điều chỉnh tăng. Vietcombank đang báo giá USD ở mức 21.200 đồng (mua vào) và 21.250 đồng (bán ra), tăng 5 đồng so với sáng qua. Eximbank tăng giá USD thêm 10 đồng, lên mức 21.185 đồng và 21.255 đồng, tương ứng giá mua và bán.
 
Những diễn biến bất thường của giá ngoại tệ liên quan đến tin đồn NHNN sẽ tăng tỷ giá ngoại tệ, giảm giá đồng nội tệ. Lời đồn càng có vẻ có căn cứ thêm khi tại diễn đàn Quốc hội ngày 29-9, Thống đốc NHNN khẳng định:  Nếu trước đó NHNN cam kết tỷ giá trong năm nay sẽ không tăng quá 2%, nhưng với những ổn định của nền kinh tế, năm nay sẽ không dùng hết 2% và nếu có điều chỉnh sẽ chỉ khoảng từ 1-1,43%. Con số chính xác tới mức 0,01% giống như một tín hiệu cho thị trường và sự tăng giá như một hệ quả tất yếu. Từ đầu năm đến nay, mức điều chỉnh đã là 1%, tức thị trường vẫn còn khả năng điều chỉnh tiếp 0,43% .
 
Thêm nữa, sau khi NHNN “bật đèn xanh” cho tín dụng ngoại tệ, tăng trưởng cho vay bằng ngoại tệ đã liên tiếp tăng cao trong những tháng gần đây; đến cuối tháng 9-2014 đã tăng tới hơn 20% so với cuối 2013. Vay ngoại tệ luôn phải đổi diện hoặc phải dự phòng rủi ro biến động tỷ giá. Sự nhạy cảm trước thông tin cũng một phần có ở đây. Quan trọng hơn, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9  ngày 30-9, thông điệp đưa ra khá rõ ràng là Thủ tướng sẽ họp với Ngân hàng Nhà nước để xem xét điều chỉnh lãi suất VND. Lãi suất có ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ giá, nhất là trong cân đối lãi suất VND và USD ngày càng co hẹp. Theo đó, thông điệp từ Chính phủ là có sức nặng lớn nhất lúc này đối với độ nhạy của tỷ giá USD/VND.
 
Không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân
 
 Khác với những năm trước đây, khi giá ngoại tệ biến động, dư luận xã hội cực kỳ xôn xao. Những con phố mua bán ngoại tệ tại Hà Nội như Hà Trung, Trần Nhân Tông đông nghịt người với đủ nam phụ lão ấu, từ mấy anh doanh nghiệp đi ô tô bóng loáng đến các bà về hưu chuyên đếm tiền lẻ cũng lao vào mua mua bán bán, kỳ tăng giá ngoại tệ này, các con phố trên vắng ngắt. Giá tăng chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, chả ảnh hưởng gì đến người lao động. Đáng chú ý là giá hàng hóa tiêu dùng, kể cả hàng nhập khẩu cũng đang có xu hướng hạ. Mấy anh đi buôn iphone 6 còn phát khổ vì giá của thứ hàng hót này mỗi ngày giảm vài triệu, từ trên 35 triệu cách đây một tuần bây giờ còn có 25 triệu mà mời mãi không có khách mua, các siêu thị điện máy, xe máy...áp dụng đủ các hình thức khuyến mãi mà vẫn không thấy khách vào ra.
 
Về lý thuyết, tăng giá ngoại tệ sẽ làm tăng lạm phát, tăng chi phí nhập khẩu, đẩy giá hàng hóa tăng với rất nhiều hệ lụy theo kiểu domino. Nhưng bây giờ không thấy. Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2014. Theo đó, CPI tháng này tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,62% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng chung của CPI tháng 9, chủ yếu do là tháng khai trường, nhóm hàng hóa dịch vụ ngành giáo dục có chỉ số tăng tới 6,38% so với tháng trước. Còn lại, hàng ăn uống, nhóm có quyền số cao nhất cũng chỉ tăng 0,22%, bằng 1/3 mức tăng của tháng trước.
 
Trong tháng, các mặt hàng lương thực tăng 0,35%, thực phẩm tăng 0,21% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,15%. Nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tháng này tăng 0,23%. Bên cạnh đó, chỉ số giá của nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước, chất đốt và nhóm giao thông giảm, có thể coi là tác động kìm tăng CPI. So với tháng 12/2013, chỉ số CPI chỉ mới tăng 2,23%. Với những diễn biến mới nhất này có thể khẳng định chắc chắn rằng mục tiêu lạm phát của năm nay đã và sẽ đạt được, thậm chí còn thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch. Và nếu điều đó thành hiện thực, đây cũng là mức lạm phát năm thấp nhất trong vòng 11 năm trở lại đây. Ngay trong những ngày giá USD trên thị trường tăng mạnh, giá thực phẩm ngoài chợ vẫn đang nằm trong xu hướng giảm. 
 
Qua những dấu hiệu đó, chúng ta thấy, ở một phần nào đó, chúng ta đã ra khỏi tình trạng đô la hóa nền kinh tế, một mối lo lắng đến mức phải đặt ra mục tiêu giải quyết của NHNN mới cách đây có hai năm. 
 
Tuy nhiên hệ lụy vẫn còn
 
Mục tiêu của điều chỉnh tăng giá ngoại tệ, giảm giá nội tệ là làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa và từ đó cải thiện cán cân thanh toán vãng lai. Khi đồng nội tệ giảm giá sẽ kích thích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, cải thiện cán cân thương mại. Thông thường, biện pháp này được sử dụng khi cán cân thương mại nghiêng về phía nhập siêu. Trong 8 tháng đầu năm, chúng ta đã xuất siêu trên 2 tỷ USD và là lần đầu tiên trong 40 năm chúng ta có một khối lượng xuất siêu lớn như vậy. Nhờ xuất siêu, cán cân thương mại thặng dư, nên cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư; dự trữ ngoại hối tăng (hiện đạt 35 tỷ USD, tương đương với 12 tuần nhập khẩu - đạt được ranh giới an toàn tài chính theo thông lệ quốc tế).
 
Tuy nhiên cơ cấu xuất siêu rất đáng lưu ý, trong đó khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu lớn và các doanh nghiệp trong nước nhập siêu quá lớn. Xuất siêu do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (8,5 tháng xuất siêu gần 12 tỷ USD); còn khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lớn (8,5 tháng nhập siêu trên 9,9 tỷ USD). Xin lưu ý, các doanh nghiệp FDI sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp và chủ yếu là gia công, trong khi đó hàng sản xuất trong nước xuất khẩu chậm. Chính cơ cấu này đã thúc đẩy việc phải điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ. 
 
Một sự băn khoăn nữa là việc tăng trưởng tín dụng nội tệ quá thấp, trong khi đó tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng cao. Lãi suất vay ngoại tệ chỉ bằng khoảng 1/3 so với lãi suất vay tiền đồng chính là lý do hấp dẫn các DN và khiến tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao hơn hẳn tín dụng VND. Điều này dẫn tới lo ngại về tình trạng DN vay ngoại tệ bán lấy tiền đồng gửi tiết kiệm lãi suất cao. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy 8 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng đạt 4,33% so với cùng kỳ năm ngoái, khoản vay VND chỉ tăng 3,06% và các khoản vay bằng USD (dù chỉ chiếm 17% tổng dư nợ) đã tăng 10,56%, cao hơn 3 lần so với các khoản vay VND.
 
Tại NHNN Chi nhánh TP. HCM cho thấy, ước 8 tháng đầu năm nay, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố tăng 4,68% so với đầu năm. Nhưng trong đó, tín dụng ngoại tệ tăng trưởng tới 11% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ ở mức cao, nhưng ở chiều ngược lại, huy động vốn ngoại tệ của các ngân hàng chỉ mới chuyển sang trạng thái dương. Ước 8 tháng đầu năm nay, nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ chỉ tăng hơn 1% so với đầu năm. Điều chỉnh tỷ giá cũng làm công bằng hơn trong các hoạt động tín dụng, giảm tình trạng vay không đầu tư vào sản xuất, đồng tiền vốn chạy quanh, không sinh ra lợi nhuận thật sự cho nền kinh tế. 
 
Nhưng cũng cần lưu ý, trong ngắn hạn, việc tăng giá sẽ làm giảm tiền lương thực tế (trước khi mức lương tối thiểu được điều chỉnh), đồng thời giảm tài sản của người dân đang được cất giữ dưới dạng đồng tiền nội địa, tài khoản ngân hàng và trái phiếu nội địa. Giảm thu nhập thực tế sẽ hạn chế người dân tiêu dùng dẫn tới giảm mức chi tiêu của quốc gia.
 
 Việc giảm chi tiêu có thể cải thiện tài khoản vãng lai, nhưng đồng thời cũng làm giảm cầu đối với hàng hóa nội địa, từ đó gây ra sự suy giảm trong một số ngành kinh tế. Quy mô sản xuất sẽ tăng hoặc giảm phụ thuộc vào mức độ chi tiêu chính phủ và tốc độ ảnh hưởng của điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ đến việc sản xuất hàng xuất khẩu và hàng thay thế hàng nhập khẩu. Đồng thời, việc điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ là một nguyên nhân tiềm tàng của lạm phát. Mặc dù hiện nay, lạm phát đã giảm nhiều, nhưng nỗi lo về nó vẫn luôn luôn nằm trong tâm trí không chỉ của các nhà quản lý mà còn của tất cả người dân.
 
Thực tế việc điều chỉnh tỷ giá cũng có thể gây xáo trộn tâm lý nhỏ đối với thị trường tiền tệ và tài chính trong ngắn hạn, đồng thời được xem là sẽ mang đến khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu hay vay nợ nước ngoài. Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô, các nhà hoạch định chính sách cần phải có một cái nhìn dài hơi hơn, đó là ưu tiên cho xuất khẩu, bảo đảm giá trị tiền đồng  Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế để ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Ngay trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 30-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, một trong những nhiệm vụ của NHNN từ nay đến cuối năm là: “Tiếp tục giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng dự trữ ngoại hối; bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam.”  

Nguồn: Anninhthudo.vn

Các tin khác