Kinh tế xã hội

Không ngại 'làn sóng ngoại' bán lẻ

16:18, 04/10/2014 (GMT+7)
Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ sẽ tăng trưởng bình quân 19-20%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 20-21%/năm từ năm 2016 đến năm 2020.
 
Đến nay, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển, theo hướng hội nhập quốc tế và giàu tiềm năng nhờ dân số 90 triệu người cũng như cơ cấu dân số trẻ.
Tỷ trọng hàng hóa bán qua hệ thống thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích hiện chiếm 25% tổng mức bán lẻ và sẽ tiếp tục tăng.
Cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại vào năm 2020
Cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại vào năm 2020
Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, ngành này sẽ tăng trưởng bình quân 19-20%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 20-21%/năm từ năm 2016 đến năm 2020. Cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại vào năm 2020.
 
Tại Hội thảo Chính sách đầu tư và xu hướng phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức ngày 3/10, đại diện một số DN cho rằng, tuy thiếu vốn đầu tư, nhưng nhìn chung các DN nội đang tăng tốc huy động vốn để phát triển hạ tầng, cơ sở bán hàng bên cạnh sự có mặt ngày càng đông và giàu tiềm năng về vốn của các nhà đầu tư ngoại.
 
Tuy nhiên, các DN đều có chung đặc điểm là chú trọng đầu tư theo chuỗi, với một thương hiệu cố định để tận dụng thời gian quảng bá thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt, nhiều siêu thị đang hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động "Người việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và hướng tới mục tiêu đưa hàng Việt đạt tỷ lệ 80% trên các kênh phân phối vào năm 2020.
 
Các DN thuộc ngành bán lẻ mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư thông qua những quy định phù hợp; nhất là về cơ hội tiếp cận nguồn vốn và mặt bằng kinh doanh cũng như tạo lập sự minh bạch, bình đẳng về môi trường kinh doanh...
 
“Làn sóng” nhà đầu tư ngoại: Không đáng ngại
 
Trước sự lo lắng của người dân về việc nhà đầu tư ngoại sẽ chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam, đẩy các nhà đầu tư nội đến “chân tường”, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Đinh Thị Mỹ Loan khẳng định: Thông tin bán lẻ nội bị thôn tính, lép vế được nói quá nhiều trong thời gian qua, nhưng theo đánh giá của Hiệp hội bán lẻ, thì đây là thông tin chưa chính xác, nhiều DN nội vẫn vươn lên và cạnh tranh tốt.
 
Theo bà Loan, cuộc cạnh tranh giữa DN nội và DN ngoại hiện nay chủ yếu trên lĩnh vực bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, đến giờ này kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 25% thị phần.
 
Kênh bán lẻ truyền thống nhiều năm nữa vẫn tồn tại và phát triển, và DN trong nước đang đi cả 2 chân (vừa chiếm lĩnh kênh bán lẻ truyền thống vừa đầu tư vào kênh bán lẻ hiện đại).
 
Nhận định về xu hướng phát triển của kênh bán lẻ hiện đại trong thời gian tới, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết, Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi ký kết sẽ có nhiều cam kết mở hơn về thị trường, nhưng DN bán lẻ trong nước vẫn còn nhiều cơ hội.
 
Theo đề xuất của ông Đoàn, nếu DN trong nước không đủ mạnh thì có thể liên doanh liên kết với DN nước ngoài nhằm học hỏi kinh nghiệm cũng như trình độ quản lý, qua đó xây dựng được thương hiệu của mình.
 
Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Nguyên Năm chia sẻ, thời gian sắp tới sẽ có nhiều các DN nước ngoài gia nhập thị trường bán lẻ của Việt Nam, do vậy bản thân DN trong nước phải tự hoàn chỉnh chính mình.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác