Những năm gần đây, Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng lớn. Nhưng nếu chúng ta đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển công nghiệp hỗ trợ thì hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài sẽ cao hơn rất nhiều lần.
Nền tảng của sản xuất công nghiệp
Phát triển công nghiệp hỗ trợ giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa theo hướng mở rộng và chuyên sâu; góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng trong dài hạn; nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, làm tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đồng thời giúp tiếp thu chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của mỗi quốc gia, nhất là ở những quốc gia đang phát triển. ...
Theo tính toán của các chuyên gia, đối với một số ngành thì giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp rơi vào công nghiệp hỗ trợ tới 90-95% tuỳ theo tính chất kỹ thuật ngành, còn 2 giai đoạn đầu và cuối chỉ chiếm 5-10%. Để sản xuất ra một chiếc ô-tô, hãng Toyota cần có 1.600 nhà cung cấp các loại chi tiết, linh kiện, hãng Mescedes cũng có khoảng 1.400 doanh nghiệp cung cấp. Như vậy, chỉ cần vài nhà máy lắp ráp cuối cùng nhưng họ cần hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất trước đó. Một chuỗi các hoạt động của ngành công nghiệp hỗ trợ này chủ yếu lại do các doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận. Có thể nói, nền tảng của sản xuất công nghiệp chính là công nghiệp hỗ trợ.
Với vai trò lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, những năm gần đây, công nghiệp hỗ trợ luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay.
Ảnh minh họa |
PGS,TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Việt Nam chưa có nền công nghiệp hỗ trợ theo đúng nghĩa như là một hệ thống. Và ông cho rằng, đến bây giờ, không nên coi đây là công nghiệp phụ trợ mà phải gọi là công nghiệp hỗ trợ. Sở dĩ như vậy vì văn hóa công nghiệp nước ta luôn coi công nghiệp phụ trợ như là phần phụ không đáng kể. Nhưng khi nói công nghiệp hỗ trợ thì nó được hiểu là cùng đi liền với công nghiệp chính như sản xuất động cơ ô tô, bóng đèn... Theo nghĩa rộng ngành công nghiệp hỗ trợ bao gồm toàn bộ các ngành công nghiệp cung cấp đầu vào cho sản xuất công nghiệp nói chung. Theo nghĩa hẹp, công nghiệp hỗ trợ gắn với chức năng cung cấp linh kiện, phụ tùng và công cụ cho một số ngành công nghiệp nhất định. Về mặt thực tế có thể nói nước ra vẫn còn nghèo, nền công nghiệp chúng ta so với hệ thống công nghiệp thế giới vẫn còn yếu. Nếu được gắn vào chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thì ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta đôi khi chỉ được gắn ở đáy của chuỗi sản xuất. Ví dụ như chuỗi dệt may cả hệ thống công nghiệp dệt may từ lúc trồng bông, dệt vải, thuốc nhuộm, sản xuất máy khâu, thiết kế mẫu, in ấn, cắt, may, sản xuất khuy... đến khâu phân phối thì ta làm đúng cái chỗ thấp nhất là đạp máy khâu... còn các ngành sản xuất khác chúng ta chủ yếu là tạo nguyên liệu, giá trị gia tăng sẽ không cao.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp của Việt Nam hiện nay đang mang đặc trưng của công nghiệp thế hệ thứ nhất, bao gồm các sản phẩm công nghiệp sử dụng nhiều lao động và các sản phẩm “công nghiệp gia công”.
Phát triển công nghiệp “dựa vào gia công” phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, khi năng lực cạnh tranh của chúng ta trong chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp. Nó giúp chúng ta giải quyết được bài toán việc làm, thu nhập và phù hợp với trình độ công nghệ và trình độ chuyên môn của người lao động thấp. Tuy nhiên, để có một nền công nghiệp phát triển bền vững, chủ động và không bị quá phục thuộc thì đầu tư phát triển công nghiệp hỗ là một việc làm cấp bách.
Cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, để nâng cao hiệu quả tăng trưởng ngành công nghiệp - một ngành đóng vai trò chủ đạo trong chiến lược nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta, một mặt, phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu, sản phẩm hỗ trợ (các ngành thượng nguồn) phải là con đường Việt Nam cần lựa chọn. Phát triển hợp lý công nghiệp hỗ trợ, là điều kiện quan trọng để bảo đảm tính chủ động trong việc khai thác nguồn lực trong nước, giảm xuất khẩu sản phẩm thô và nhập khẩu nguyên vật liệu, nó là điều kiện để bảo đảm tính chủ động và nâng cao giá trị gia tăng của các ngành sản xuất sản phẩm của khu vực chế biến. Tuy vậy, việc phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp thượng nguồn không phải đơn giản, nó phụ thuộc rất quan trọng vào trình độ công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật, khả năng tài chính cũng như các mối quan hệ liên kết kinh tế khu vực và toàn thế giới trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, đối với Việt Nam việc định hướng phát triển công nghiệp thượng nguồn cần được xây dựng trên nguyên tắc hiệu quả và tính cạnh tranh làm thứơc đo cao nhất, tiếp theo đó là yêu cầu của việc bảo đảm an ninh nguyên liệu.
Cụ thể, cần có định hướng hợp lý cho phát triển công nghiệp phụ trợ làm cơ sở để định hướng đầu tư phát triển ngành và điều chỉnh, bổ sung các chính sách có liên quan. Định hướng này thể hiện qua những quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và quy hoạch cụ thể phát triển trong ngành công nghiệp. Điều quan trọng trong quy hoạch này là cần phân tích toàn diện các quan hệ liên ngành và đưa ra các quan điểm hợp lý trong việc xử lý các mối quan hệ đó.
Bên cạnh đó, bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ do đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ có những khó khăn và phức tạp hơn đầu tư vào khu vực hạ nguồn. Các chính sách ưu đãi đầu tư này bao gồm: ưu đãi tín dụng, ưu đãi nhập khẩu thiết bị, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó phải coi đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn đầu tư chủ yếu.
Trợ giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các ngành công nghiệp hạ nguồn. Chính sách này bao gồm: giải quyết khó khăn về mặt bằng để xây dựng nhà xưởng sản xuất, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các ngành hạ nguồn, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn người lao động, định hướng thiết lập mối quan hệ ổn định giữa doanh nghiệp công nghiệp phù trợ với các doanh nghiệp hạ nguồn nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phụ trợ phát triển theo hướng chuyên môn hoá.
Đặc biệt, theo PGS,TS. Trần Đình Thiên, nền công nghiệp hỗ trợ phải luôn là một phần trong mạng sản xuất toàn cầu. Nếu mà chỉ căn cứ vào năng lực của mình, căn cứ vào thị trường của mình để cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ không bao giờ có nền công nghiệp hỗ trợ đúng nghĩa. Phần của mình chỉ là một phần quan trọng là nó phải gắn với thị trường quốc tế, gắn với nhà đầu tư chiến lược mà kiểm soát chuỗi sản xuất. Sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ là cơ hội giúp ngành công nghiệp nước ta không bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu và khu vực trong điều kiện hội nhập mạnh mẽ. Đây cũng là một nền tảng để phát triển công nghiệp một cách vững chắc.
.