Kinh tế xã hội

Lạm dụng thực phẩm chức năng

'Tiền mất, tật mang'

07:58, 15/09/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Theo các chuyên gia y tế, thời gian gần đây, nhiều người bệnh và kể cả người khoẻ mạnh đã quá lạm dụng thực phẩm chức năng (TPCN) mà quên rằng, thực phẩm này không phải là thuốc. Một số bệnh nhân đã dùng vô tội vạ, dẫn đến gặp rủi ro nguy hiểm “tiền mất, tật mang”.
 
Trong xã hội phát triển, tỉ lệ người mắc một số bệnh như: Đái tháo đường, tim mạch, gút, đột quỵ, tai biến mạch máu não… có xu hướng tăng cao. Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân sau khi bệnh tiến triển nặng mới được phát hiện. Theo số liệu tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An (chỉ mới thống kê số liệu bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường) cho thấy: Năm 2010, tỉ lệ bệnh đái tháo đường ở Nghệ An là 5,36%, tương đương với gần 160.000 người. Nhưng điều rất nguy hiểm là hiện vẫn có khoảng gần 150.000 người đang bị bệnh đái tháo đường mà không hay biết mình bị bệnh, chiếm tỉ lệ gần 70%.
 
Nguyên nhân phần lớn là do chủ quan, phần do công việc mưu sinh, không tuân thủ nghiêm việc kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Từ đó, tỉ lệ bị bệnh tiền đái tháo đường chiếm khoảng 20% dân số trong toàn tỉnh. Dự báo, nếu không có các biện pháp phòng, chống tích cực thì đến năm 2015, Nghệ An có khoảng 200.000 người bị bệnh đái tháo đường và năm 2025 sẽ là 370.000 người mắc căn bệnh nguy hiểm này.
 
Bên cạnh đó, một số loại bệnh khác tại Nghệ An gần đây cũng gia tăng đáng kể. Do đó, đòi hỏi các bệnh nhân phải duy trì luyện tập thể dục, thể thao đều đặn và chế độ ăn kiêng đúng mức. Trong số đó, một số bệnh nhân mặc dù đang điều trị tại bệnh viện vẫn tự ý dùng các loại thực phẩm hỗ trợ, TPCN đã bị dị ứng, nguy hiểm tới tính mạng.
 
Thực phẩm chức năng đang nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng nhưng ít ai biết được tác dụng thực sự của nó đối với sức khỏe. Ảnh minh họa
Thực phẩm chức năng đang nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng nhưng ít ai biết được tác dụng thực sự của nó đối với sức khỏe. Ảnh minh họa
 
 Trước nguy cơ các loại bệnh tật đang tấn công con người với mức độ ngày càng nguy hiểm, thị trường thực phẩm ăn kiêng có nhiều cơ hội phát triển. Các nhà kinh doanh sản xuất, chế biến ngày càng nhiều thực phẩm ăn kiêng phong phú, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
 
Thực phẩm ăn kiêng cho người bệnh có nhiều dạng khác nhau, thông thường là dạng chiết xuất từ cây, củ, quả trong thiên nhiên và tổng hợp thường được gọi là TPCN. Trong những năm gần đây, các loại phẩm thực phẩm ăn kiêng được bán tràn lan tại các cửa hàng, siêu thị, trên mạng internet với chủng loại và số lượng rất đa dạng.
 
Một nhân viên của hãng TPCN Vision ở TP Vinh quảng cáo: TPCM Vision là một loại “thần dược” chữa được bách bệnh. Sử dụng một thời gian sẽ có tác dụng tuyệt vời, nào là uống vào sẽ giúp thành mạch máu bền vững, không bị xơ cứng. Có loại còn có tác dụng thải độc tố, bảo vệ tế bào, thông suốt mạch máu não, phục hồi chức năng thận… Tuy nhiên, giá cho một đợt điều trị khoảng hơn 4 triệu đồng, đợt uống lâu dài có lúc với giá từ 20 - 25 triệu đồng.
 
Hiện nay, từ thành phố lớn đến nông thôn và miền núi, đã có nhiều cửa hàng, điểm bán TPCN dành cho mọi lứa tuổi. Đáng lo ngại là rất nhiều người đã lạm dụng TPCN thay thế thuốc chữa bệnh, trong khi TPCN chỉ là sản phẩm dinh dưỡng, mang tính hỗ trợ, không thể thay thế thuốc. Nhiều loại TPCN có giá thành rất đắt nhưng hiệu quả mang lại không phải như ý muốn.
 
Gần đây, Bản tin thời sự của Đài truyền hình Việt Nam đưa tin một bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, sau khi uống TPCN bị khó thở, tim đập nhanh, huyết áp cao và phải nhập viện Bạch Mai Hà nội cấp cứu, người bệnh mới thoát chết. Hoặc chị Nguyễn Thị Hường trú tại khối 2, phường Vinh Tân, TP Vinh bị suy thận, đang được điều trị tại bệnh viện khá ổn định.
 
Khi nghe quảng cáo TPCN có thể chữa được bệnh suy thận, chị liền ngưng thuốc bác sĩ kê đơn và chuyển sang dùng TPCN. Chị sẵn sàng bỏ ra một lúc mấy chục triệu để mua TPCN chỉ vì tin lời lời quảng cáo thái quá của nhân viên bán hàng. Hậu quả là khoảng 3 tháng sau, khi chị quay lại bác sĩ kiểm tra với hy vọng khỏi bệnh nhưng không ngờ bệnh đã nặng hơn.
 
Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Nghệ An cho biết, bệnh nhân đã suy thận độ 4, phải vào cấp cứu ngay mới có thể thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Một trường hợp khác, ông Nguyên Văn Minh trú tại phường Quang Trung, TP Vinh đang điều trị bệnh cao huyết áp thì ngưng và chuyển sang dùng TPCN. Không lâu sau, huyết áp của bệnh nhân bất ngờ tăng vọt, nhiều lần phải tới bệnh viện cấp cứu nếu không hậu quả chưa biết sẽ thế nào.
 
 Bởi vậy, các chuyên gia y tế cảnh báo: Các bệnh nhân cần nghe theo lời khuyên hoặc tư vấn ý kiến của bác sĩ khám bệnh, bác sĩ dinh dưỡng để việc ăn kiêng được an toàn. Không nên nghe theo người không có kiến thức y học mà lạm dụng TPCN, tránh xảy ra nguy hiểm cho bản thân.
 

P.V

Các tin khác