Kinh tế xã hội
Giá xăng giảm người tiêu dùng vẫn bị 'móc túi'
10:46, 13/09/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Từ 18 giờ ngày 9/9/2014, các doanh nghiệp xăng dầu tiếp tục giảm giá bán xăng, dầu từ 30 đồng - 150 đồng/lít. Đây là lần thứ 5 giá xăng giảm liên tiếp trong vòng 40 ngày. Mặc dù từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu và gas liên tục giảm, nhất là trong tháng 8 và đầu tháng 9, nhưng hiện giá các loại thực phẩm, cước vận tải vẫn không điều chỉnh giảm. Và đương nhiên, chịu thiệt thòi cuối cùng vẫn là người tiêu dùng.
Giá thực phẩm và cước vận tải chưa có sự điều chỉnh
Theo thông tin từ liên Bộ Tài chính - Công thương, giá xăng sẽ giảm 30 đồng/lít từ 18 giờ ngày 9/9 từ mức 23.740 đồng/lít xuống còn 23.710 đồng/lít. Dầu diezen giảm 160 đồng/lít, xuống 21.770 đồng/lít. Giá dầu Flo giảm 100 đồng/lít. Giá dầu hoả giảm 150 đồng/lít, xuống còn 21.920 đồng/lít. Liên Bộ Tài chính - Công thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu tiếp tục giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu như hiện hành. Sau 4 lần giảm giá xăng liên tiếp với mức giảm lên đến 1.900 đồng/lít, giá xăng trở về mức tương đương hồi đầu năm nhưng giá cả hàng hóa tiêu dùng vẫn đang giữ nguyên. Thông thường, giá thực phẩm rất nhạy cảm theo giá xăng, sau khi giá xăng tăng thì ngay lập tức giá hàng hóa cũng “té nước theo mưa”. Thế nhưng, trong tháng 8 và đầu tháng 9 này, giá xăng liên tiếp giảm nhưng giá hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm và các loại đường, sữa, mỹ phẩm vẫn “đứng yên”.
Qua khảo sát tại các siêu thị, chợ trên địa bàn TP Vinh, từ sau kỳ nghỉ lễ 2/9, giá các mặt hàng gần như không giảm, một số loại hàng hóa còn tăng dù sức mua còn yếu. Tại chợ Vinh, chợ Nghi Phú, chợ Đại học Vinh… cũng chưa có tín hiệu xuống giá.
Giá xăng liên tục giảm nhưng giá cước vận tải vẫn được giữ nguyên khiến hành khách bị thiệt thòi |
Cước vận tải là một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên giá cả hàng hóa (chiếm khoảng 10 - 15% giá thành). Nhưng khi giá xăng, dầu giảm liên tiếp trong tháng qua, giá vé cho người đi và cước vận chuyển hàng hóa tàu, xe vẫn chưa được điều chỉnh giảm. Điều này phần nào khiến cho giá hàng hóa thiết yếu cũng chưa thể giảm. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thường tính toán kỹ khi điều chỉnh giá cước. Khi giá xăng dầu tăng/giảm vượt quá mức 10% thì họ mới tính đến điều chỉnh cước vận tải. Mặc dù giá xăng liên tiếp giảm 4 lần nhưng mức giảm mới chỉ khoảng 7%. Nếu doanh nghiệp vận tải vội vàng điều chỉnh giảm giá cước và giá xăng đột ngột tăng trở lại thì doanh nghiệp sẽ lỗ, do đó họ vẫn cần phải nghe ngóng thị trường. Điều này làm cho người dân bị thiệt thòi đáng kể.
Theo một số hãng xe chạy đường dài ở Bến xe Vinh: Giá cước vận chuyển vẫn áp dụng như trước đây. Nhiều hãng taxi cũng thừa nhận, muốn giảm cước phí để không thiệt thòi cho khách nhưng vì cơ chế điều hành giá xăng, dầu hiện nay khá thất thường nên dù xăng giảm giá đến 3 lần, các hãng cũng chưa nghĩ đến việc giảm giá cước cho khách hàng. Trong thực tế mấy năm gần đây, giá xăng tăng nhiều, giảm ít nên buộc họ phải tính toán hết sức thận trọng, mỗi lần điều chỉnh rất tốn kém và phức tạp do phải điều chỉnh đồng hồ tính cước.
Chịu thiệt thòi vẫn là người tiêu dùng
Một nghịch lý thường xuyên diễn ra là khi giá nhiên liệu tăng thì giá thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn… đều tăng, nhưng khi mặt hàng trên giảm giá thì giá thực phẩm không hạ nhiệt. Đây là điều bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt những người có thu nhập thấp.
Theo một số tiểu thương thì rau củ quả, thịt heo, hải sản… mua trong hoặc ngoài tỉnh vẫn giữ giá như lâu nay. Chị Hạnh, một người bán hàng rau củ quả ở chợ Vinh cho biết: “Giá xăng giảm đâu không biết nhưng một số loại rau có chiều hướng tăng do thời tiết thất thường trong nhiều ngày qua đã ảnh hưởng đến sản lượng rau sau thu hoạch của người trồng. Mặt khác, do cước vận chuyển vẫn giữ như cũ nên giá hàng hóa nhập từ tỉnh khác về cũng không giảm. Vì vậy, chúng tôi buộc phải giữ hoặc tăng giá bán thì mới kiếm được đồng lãi”.
Ông Nguyễn Văn Long ở phường Quang Trung, TP Vinh cho biết: “Mỗi đợt xăng, dầu tăng giá, người dân đều lo lắng vì các khoản chi phí sẽ theo đà tăng lên. Do nguồn thu nhập vẫn như cũ, chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng trong chi tiêu. Nhưng khi giá xăng, dầu và gas giảm mà giá các mặt hàng thiết yếu khác không chịu giảm thì người dân luôn phải chịu thiệt. Cuối cùng chỉ có dân là khổ thôi”.
Vậy, khi nào người tiêu dùng được hưởng lợi? Các cấp thẩm quyền và các nhà quản lý vĩ mô cần có ngay biện pháp điều chỉnh để thực hiện bình ổn giá, đưa nền kinh tế từng bước ổn định, thực hiện an sinh xã hội, để người tiêu dùng không phải “gồng mình” với đủ các khoản chi.
Hoa Lê