6/16 dự án đường sắt đô thị đang được triển khai tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đều chậm tiến độ từ 2- 3 năm và mức “đội vốn” cao nhất lên đến gần 200%. Biện minh cho các dự án “đội vốn”, họ đổ lỗi cho cơ chế, chính sách hoặc thừa nhận năng lực, sự hiểu biết về đường sắt đô thị còn hạn chế và chỉ dựa vào tư vấn nước có tài trợ vốn.
6 dự án đường sắt đô thị đang triển khai đều là những dự án quan trọng đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội); Dự án đường sắt đoạn Nhổn - ga Hà Nội; Dự án đường sắt số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội); Dự án đường sắt Hà Nội (tuyến số 1, giai đoạn 1); Dự án đường sắt tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên (thành phố Hồ Chí Minh); Dự án đường sắt tuyến số 2 (giai đoạn 1), đoạn Bến Thành - Tham Lương (thành phố Hồ Chí Minh).
Trong 6 dự án đường sắt đô thị nói trên, tất cả đầu chậm tiến độ từ 2-3 năm, cá biệt là 5 năm và bị “đội vốn” hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí Dự án đường sắt số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội) dự kiến sẽ điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng (tăng 164%).
Biện minh cho việc “đội giá” ở các dự án đường sắt đô thị, thì đổ lỗi cho cơ chế, chính sách liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, xây lắp, thiết bị công nghệ, lựa chọn nhà thầu và nguồn lực nhân công. Đây là cách khôn ngoan nhất nhằm giảm bớt hoặc làm mờ trách nhiệm của các “công bộc” thực thi công vụ, nhưng nó sẽ tạo tiền lệ không tốt cho nhiều dự án khác.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) chậm tiến độ và "đội vốn" hơn 300 triệu USD |
Vẫn biết cơ chế, chính sách trong xây dựng cơ bản, đặc biệt là đối với các dự án đường sắt đô thị đang có nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Ngoài ra, năng lực, sự hiểu biết về đường sắt đô thị của các Ban quản lý dự án và sự phụ thuộc vào tư vấn của nước tài trợ vốn, cũng là nguyên nhân tối quan trọng dẫn đến dự án bị chậm tiến độ và “đội vốn”.
Đường sắt đô thị là vấn đề không mới với các nước phát triển, nhưng hoàn toàn mới với Việt Nam. Chúng ta có rất nhiều chuyên gia đường sắt, nhưng lại có quá ít hoặc chưa có chuyên gia được xếp hạng quốc tế. Năng lực, sự hiểu biết hạn chế sẽ làm mất đi tính chủ động khi phản biện tính khả thi, lợi ích của dự án do tư vấn nước ngoài và nhà tài trợ vốn “tư vấn”. Tất cả các dự án đường sắt đô thị đang triển khai đa phần phụ thuộc vào nguồn vốn ODA nên khó tránh được những ràng buộc, lệ thuộc... Nhà tài trợ vốn đâu chỉ có làm "từ thiện".
Cơ chế, chính sách chỉ là điều kiện cần, còn năng lực con người, tài chính và công nghệ. Không biết ngày nào người dân mới được đi đường sắt đô thị. Thôi cứ chờ đấy thế nào cũng được sướng vì đi đường sắt đô thị!
.