(Congannghean.vn)-Hiện nay, lúa hè thu - mùa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, bắt đầu đứng cái làm đòng. Do thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng liên tiếp xảy ra trên diện rộng, gây tình trạng khô hạn, ảnh hưởng đến thời vụ và sinh trưởng phát triển của cây trồng. Đặc biệt, sau khi gieo cấy, nắng nóng và mưa xảy ra đan xen, đây là điều kiện thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại lúa trên diện rộng. Nếu không được tổ chức phun trừ kịp thời, có hiệu quả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa của bà con nông dân. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành và các địa phương cùng với bà con nông dân tăng cường các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ diện tích lúa hè thu - mùa năm 2014.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh: Vụ mùa năm nay, Nghệ An có kế hoạch gieo cấy trên 81.000 ha lúa. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, nhất là bón phân cân đối, kết hợp với làm cỏ, sục bùn nên đến nay, toàn bộ diện tích lúa phát triển tốt. Hiện nay, diện tích lúa mùa sớm đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến thất thường nên đã tạo điều kiện cho sâu cuốn lá phát sinh, phát triển với mật độ cao trên diện rộng. Đặc biệt, sâu non cuốn lá nhỏ lứa 4 phát sinh, đã gây hại trực tiếp trên lúa thời kỳ cuối đẻ nhánh đến làm đòng, lúa mùa ở giai đoạn đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ nhánh tại hầu khắp các huyện trồng lúa trên địa bàn tỉnh. Mật độ sâu phổ biến từ 50 - 100 con/m2, nơi cao lên đến 200 - 300 con/m2, cá biệt từ 500 - 700 con/m2. Đến trung tuần tháng 7, toàn tỉnh đã có 70.654,3 ha lúa nhiễm sâu cuốn lá nhỏ lứa 4, trong đó 20.192 ha nhiễm trung bình và 44.538,8 ha nhiễm nặng. Các địa phương có diện tích lúa bị nhiễm sâu lớn gồm: Quỳnh Lưu 8.900 ha, Diễn Châu 9.000 ha, Yên Thành 12.700 ha, Tân Kỳ 4.086,4 ha…
Lãnh đạo Sở NN&PTNT và Chi cục BVTV bám đồng ruộng, kiểm tra và phát hiện sâu bệnh để đôn đốc nông dân phun trừ |
Trước diễn biến phức tạp của điều kiện thời tiết và tình hình phát sinh gây hại của sâu cuốn lá nhỏ, UBND tỉnh đã có Công điện số 16/CĐ-UBND về việc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ vụ hè thu - vụ mùa năm 2014 và quyết định công bố dịch. Theo đó, để chủ động phòng trừ, giảm thiểu tối đa thiệt hại do sâu bệnh gây ra, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT; các địa phương, các cơ quan đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ như: Sở NN&PTNT phân công lãnh đạo sở phụ trách chỉ đạo Chi cục BVTV chủ trì, phối hợp với các địa phương điều tra, dự báo kịp thời, chính xác tình hình, diễn biến mức độ gây hại của sâu cuốn lá nhỏ. Trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp phòng trừ có hiệu quả để hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân thực hiện. Đặc biệt, thường xuyên báo cáo tình hình diễn biến sâu hại về UBND tỉnh để có giải pháp hỗ trợ nông dân khi cần thiết.
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo vệ bám sát cơ sở để kiểm tra theo dõi tình hình phát sinh và gây hại của sâu cuốn lá nhỏ, hướng dẫn nông dân thực hiện kịp thời các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan bảo vệ thực vật, quyết không để sâu cuốn lá gây hại nặng trên diện rộng. Đồng thời, giao trách nhiệm cho các xã, phường trong việc tuyên truyền, chỉ đạo nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng dân thiếu thông tin, nhận thức không đầy đủ dẫn đến chủ quan trong việc phòng trừ sâu cuốn lá gây hại. Ngoài ra, Công ty CP Dịch vụ BVTV Nghệ An và các công ty cung ứng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn Nghệ An chủ động cân đối, chuẩn bị đủ các loại thuốc BVTV cần thiết theo khuyến cáo của cơ quan bảo vệ thực vật để cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc BVTV cho việc phòng trừ bệnh sâu cuốn lá nhỏ.
Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo ngành bảo vệ thực vật, các địa phương và các ban ngành liên quan trên địa bàn tập trung cao cho công tác điều tra, dự tính, dự báo và chỉ đạo phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 4 hại lúa. Đến ngày 27/7, các địa phương đã phòng trừ được 87,06% diện tích nhiễm sâu, trong đó diện tích phun lần 1 là 61.511,4 ha, phun lại lần 2 là 4.792,6 ha. Tuy nhiên, vẫn còn một số diện tích nông dân sử dụng thuốc không đặc hiệu theo hướng dẫn, sử dụng thuốc không đúng yêu cầu kỹ thuật, gặp mưa ngay sau khi phun do đó phải phun lại lần hai. Các diện tích có mật độ sâu cao không phun lại hoặc chưa được phun trừ đã bị sâu gây trắng lá. Đến thời điểm này, cơ bản sâu đã chuyển sang tuổi 5 nên trong vòng vài ngày tới khả năng gây hại của sâu giảm. Trạm Khuyến nông cũng khuyến cáo người dân trước khi phun thuốc phải đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì, chỉ phun thuốc vào buổi chiều mát và tránh trời mưa.
Với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của UBND tỉnh cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan đơn vị, các địa phương, dịch bệnh sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên lúa đã cơ bản được khống chế. Giai đoạn lúa đứng cái làm đòng thường bị sâu bệnh gây hại nhiều nhất. Do vậy, để khống chế sâu bệnh, các địa phương và bà con nông dân cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng trừ có hiệu quả nhằm đảm bảo về năng suất và sản lượng trong vụ hè thu - vụ mùa năm nay.
.