(Congannghean.vn)-Rất nhiều người dân xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đang phải đối mặt với thực trạng đất nông nghiệp bị thu hẹp dần. Điều đáng nói, hàng năm xã phải “khoanh tay đứng nhìn” một diện tích lớn đất hoa màu bị sạt lở vì không có phương án ứng cứu hiệu quả.
Diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở đang ở mức báo động
Thanh Giang là một xã có diện tích đất bãi trồng hoa màu lớn nhất tỉnh. Theo số liệu thống kê của Ban nông nghiệp xã Thanh Giang, địa phương có tổng diện tích đất trồng màu ban đầu 80 ha, tuy nhiên sau nhiều năm đất bị sạt lở, diện tích này còn lại chưa đầy 70 ha. Cũng theo số liệu này, tính từ năm 2010 đến nay, gần 20 ha đất bãi bồi bị sạt lở và số diện tích có nguy cơ đang ở mức báo động, trong đó các xóm Lam Dinh, Bình Ngô và Biên Quản là những địa phương nằm trong nguy cơ sạt lở nhiều nhất. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Kính (xóm Biên Quản), có 3 sào đất canh tác hoa màu dọc bờ sông Lam nhưng đã sạt lở mất hai sào, một sào còn lại cũng đang trong nguy cơ bị sạt lở nhưng gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác cũng đành “khoanh tay đứng nhìn”.
Theo ông Trần Hữu Sỹ, Trưởng ban nông nghiệp xã Thanh Giang, chỉ tính trong mùa mưa năm 2013, xã đã phải hứng chịu 3 trận lũ đổ nguồn khiến diện tích bãi bồi thuộc hai xóm Bình Ngô và Lam Dinh mất đi hơn 5 ha đất nông nghiệp trồng hoa màu. “Tình trạng sạt lở đất nông nghiệp trong mùa mưa lũ ngày càng diễn ra nhanh hơn trong vòng vài năm trở lại đây. Năm nay, với địa hình nhiều diện tích đang trong vùng “nguy cơ” sạt lở thì có thể xã sẽ mất đi thêm 10 ha nữa. Với đà này, chỉ không đầy 10 năm tới, dân sẽ có nguy cơ không còn đất để canh tác”- ông Sỹ lo ngại.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp tại xã Thanh Giang đang bị ăn mòn do sạt lở diễn ra nhiều năm nay |
Trên đoạn sông từ bến Phuống đến bãi Triều thuộc xã Thanh Giang, nhiều diện tích đất nông nghiệp trồng hoa màu đã bị lở khoét hàm ếch và trôi ra sông Lam nhiều mô đất lớn, nhiều nơi khác đất đã có dấu hiệu sạt lở mặc dù mùa mưa lũ chưa đến. Trước tình hình trên, nhiều người dân có diện tích đất quanh khu vực sạt lở hàng ngày vẫn phải thấp thỏm trước những trận nước dâng vì lo lắng phần diện tích đất nông nghiệp nhà mình cũng bị cuốn theo.
“Bó tay” trước thực trạng sạt lở
Theo người dân cho biết, nguyên nhân gây sạt lở đất là do mùa lũ đến, nước thay đổi dòng chảy gây xói lở và ăn mòn nhiều diện tích đất nông nghiệp của xã Thanh Giang, tạo nên bên lở, bên bồi giữa hai dọc sông Lam. Thực trạng sạt lở diễn ra nhanh hơn cũng theo người dân là do tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn. Chỉ tính riêng xã Thanh Giang, đoạn từ điểm đầu xã đến bãi Triều đã có ít nhất 3 xà lan khai thác cát. Theo người dân phản ánh, để đối phó với chính quyền và sự phản ứng của người dân, những xà lan khai thác cát chui thường hoạt động vào đêm khuya và kết thúc trước 5 giờ sáng nên việc phát giác và xử lý những đối tượng này dường như không được thực hiện.
Trao đổi về thực trạng nhiều diện tích đất nông nghiệp của nông dân đang bị thu hẹp nghiêm trọng, ông Lê Đình Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết: “Huyện cũng đã ghi nhận thực trạng sạt lở đất hoa màu tại xã Thanh Giang và hàng năm huy động lực lượng trồng cây để ngăn chặn sạt lở nhưng vẫn không khả quan. Thực trạng sạt lở thực chất là quy luật của tự nhiên nên tất nhiên con người sẽ không ngăn cản được quy luật đó (!)”. Về vấn đề khai thác cát chui như dân phản ánh, ông Thanh cho rằng, UBND huyện đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nắm được thông tin này vì vậy chưa có biện pháp xử lý.
Với sự “bó tay” của chính quyền địa phương trước những thách thức của thiên tai và cả tác động của con người, gần 70 ha đất hoa màu trên địa bàn xã Thanh Giang đang dần bị ăn mòn, người dân đang phải đối mặt với nguy cơ không có đất nông nghiệp để canh tác.
.