Ngày 26/8, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị công bố chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp (CN) ôtô Việt Nam với sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Dương Quang. Thông tin được mong đợi nhất cả về phía người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất vẫn là chính sách thuế, khi lộ trình giảm thuế xuống 0% theo như cam kết với ASEAN vào năm 2018 đang đến gần, đồng nghĩa với giấc mơ được sở hữu xe giá rẻ của người dân cũng gần hơn...
Sẽ trình Thủ tướng về lộ trình thuế vào tháng 11
Theo ông Dương Đình Giám - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương cho biết): Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô có đề cập đến các chính sách kích cầu với khu vực tiêu dùng. Cụ thể, sẽ thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo cam kết đến 2018 thuế sẽ về 0%. Thuế, phí sẽ được điều chỉnh “theo hướng tạo điều kiện cho phát triển ngành CN ôtô, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nền kinh tế và người dân, đồng bộ với phát triển của hạ tầng giao thông và yêu cầu bảo vệ môi trường”.
Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được áp dụng mức thấp nhất đối với xe từ 16-24 chỗ và các loại xe vừa chở người và hàng hóa phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Ưu đãi đối với xe thân thiện môi trường. Xe tải sức chở đến 3 tấn, xe nông dụng nhỏ, đa chức năng được hưởng các chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất nông nghiệp. Trong phân khúc xe cá nhân, sẽ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với xe chở người đến 9 chỗ có dung tích động cơ trên 3.0. Các loại xe này cũng sẽ chịu phí môi trường cao...
Việc Việt Nam sẽ thực hiện cam kết giảm thuế nhập khẩu xe ôtô từ các nước ASEAN xuống 0% vào năm 2018 vốn không còn xa lạ với tất cả những người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện vẫn có 2 phương án được cân nhắc: hoặc giữ nguyên mức thuế hiện hành và đến 2018 giảm về 0 hoặc có lộ trình giảm từ từ theo từng năm để thị trường thích nghi dần dần. Việc Chính phủ quyết định theo phương án nào sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường ôtô Việt Nam nên không chỉ người tiêu dùng chờ đợi mà chính các DN sản xuất ôtô trong nước cũng “mong đứng mong ngồi” chính sách này.
Ông Metelo Jesus Arias - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) nêu kiến nghị, chính sách cần có “tính ổn định và khả năng dự đoán”, mong Chính phủ ban hành lộ trình giảm thuế càng sớm càng tốt để DN có kế hoạch sản xuất. Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết: Thủ tướng đã giao cho Bộ Công thương và Bộ Tài chính rà soát các thay đổi liên quan đến thuế, phí và trình Thủ tướng vào tháng 11 tới. Chính phủ cũng cam kết các chính sách này sẽ có độ ổn định trong ít nhất là 10 năm. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Quang cũng kêu gọi các nhà sản xuất “nhìn tới tương lai lâu dài, vì thị trường Việt Nam rất tiềm năng, dân số trẻ và đông, kinh tế đang phát triển”, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh.
Việt Nam vẫn tiếp tục giấc mơ "có ngành công nghiệp ôtô chứ không chỉ có ôtô để đi" |
Giá xe sản xuất trong nước đang cao hơn 20% so với xe nhập khẩu
Chuẩn bị cạnh tranh với các nước có nền công nghiệp ôtô trong khu vực như Thái Lan, Indonesia với sản lượng hơn 1 triệu xe/năm trong một tương lai không xa, đại diện VAMA cho rằng chúng ta bắt buộc phải phát triển một nền công nghiệp ôtô cạnh tranh ngay từ bây giờ với việc hỗ trợ sự phát triển thị trường trong nước và giảm sự chênh lệch về giá giữa xe sản xuất trong nước và nước ngoài.
Ông Dương Đình Giám cho biết: “Trong quá trình xây dựng quy hoạch, tôi đã làm việc với nhiều thành viên của VAMA. Hiện chi phí sản xuất của xe trong nước đắt hơn xe nhập khẩu khoảng 20% do nhiều nguyên nhân khác nhau. VAMA đề xuất Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ xe sản xuất trong nước để thu hẹp chi phí sản xuất đó lại, chúng tôi đã tiếp thu và cũng trao đổi lại. Còn một số nguyên nhân cho cơ chế chính sách chưa phù hợp làm tăng chi phí sản xuất như xe sản xuất trong nước bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt trên cả chi phí thương mại, quảng cáo, bán hàng… Tôi cho rằng đây là một kiến nghị chính đáng. Nhưng có nguyên nhân xuất phát từ chính DN chưa tổ chức sản xuất tốt, chưa nâng cao được năng suất. Cả DN và Chính phủ cùng phải tính làm thế nào để giảm chi phí này. DN phải ngồi tính toán kỹ hơn xem có phải 20% không và phân tích nguyên nhân cái nào do chính sách, cái nào do chính bản thân mình”.
Ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết: “Các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu để đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa xe nhập khẩu và xe trong nước. Tuy nhiên, để tạo được thị trường tiêu thụ ổn định còn phụ thuộc vào 2 phía. Chính phủ khẩn trương và quyết liệt thực hiện các cam kết nêu trong quy hoạch. Khi sách chính đảm bảo tính ổn định, minh bạch rồi thì DN phải liên kết hợp tác đầu tư, quan tâm đến công nghiệp hỗ trợ, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Nếu không đảm bảo sự đồng bộ, không bao giờ có nền công nghiệp phát triển”.
.