(Congannghean.vn)-Thực hiện Quyết định 1703 QĐ/TTg ngày 12/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015, thời gian qua, thương mại điện tử ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, gắn với những lợi ích mang lại cho doanh nghiệp. Ở Nghệ An, mặc dù triển khai ứng dụng muộn so với một số địa phương nhưng bước đầu đã làm thay đổi trong cách tiêu dùng lâu nay cũng như mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp trên các mặt giới thiệu, quảng bá sản phẩm, giảm chi phí và sức cạnh tranh...
Ngày 23/5/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1796/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015. Qua khảo sát đến năm 2011, toàn tỉnh có 197 trang điện tử, trong đó có 36 trang của các sở, ban, ngành địa phương và 161 trang của các doanh nghiệp giới thiệu quảng bá sản phẩm.
Nhìn chung cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của loại hình này nhưng chưa có kế hoạch triển khai cụ thể và mạnh dạn đầu tư. Các giao dịch qua mạng chủ yếu diễn ra giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng và giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước. Cả doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa nhận thức rõ được hiệu quả mang lại từ phát triển thương mại điện tử, từ đó chưa có sự quan tâm đúng mức để loại hình kinh doanh này phát triển và phát huy thế mạnh. Trong khi đó, các giao dịch giữa các cá nhân với nhau, cơ quan Nhà nước với cá nhân đã hoạt động nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ.
Sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An ngày một thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia |
Thực hiện Quyết định số 1796, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh Nghệ An đã chính thức khai trương ngày 19/11/2012. Tính đến hết tháng 7/2014, trên sàn đã có tổng số gian hàng là 149 với 1.877 sản phẩm và lượng truy cập đạt gần 1,72 triệu lượt. Một số doanh nghiệp tiên phong đi đầu ứng dụng loại hình thương mại điện tử trong bán hàng và cung cấp dịch vụ trực tuyến theo hình thức doanh nghiệp với khách hàng bước đầu mang lại hiệu quả trên các lĩnh vực kinh doanh, ở các địa phương và các sản phẩm đến các loại hình dịch vụ.
Theo cán bộ phụ trách của Sở Công thương: Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay một số doanh nghiệp đã từng bước sử dụng internet, tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử và bước đầu thu lại kết quả khả quan. Năm 2012, Nghệ An đạt 56/100 điểm, năm 2013 đạt 59,6/100 điểm, đứng thứ 13/47 tỉnh, thành về chỉ số xếp hạng ICT INDEX - chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của các địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa khai thác hết hiệu quả của hình thức này. Một số trang web được lập nên chưa duy trì hoạt động hoặc hoạt động không đều mang tính chiếu lệ khiến cho thông tin về sản phẩm, mặt hàng hay các dịch vụ không được "cập nhật", khiến cho khách hàng cũng như các doanh nghiệp, cá nhân không nắm rõ diễn biến mới nhất để tham khảo, đặt hàng...
Mặt khác, việc sử dụng internet để trao đổi thương mại điện tử còn nhiều hạn chế, chưa mang tính chuyên nghiệp, phương thức thanh toán qua mạng còn gây nhiều khó khăn cho khách hàng và tính an toàn bảo mật chưa cao; các website vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin sản phẩm, giá cả, chưa tích hợp được chức năng thanh toán trực tuyến nên chưa phát huy hết tiện ích… Nguyên nhân là do nguồn nhân lực dành cho thương mại điện tử ở các doanh nghiệp chưa đồng đều, một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm cả về nhân lực cũng như sự đầu tư về phương tiện truyền thông hay các trang miền của các doanh nghiệp, không tạo được sự hấp dẫn cho khách hàng.
Về phía Sở Công thương, hàng năm đều tổ chức các khóa tập huấn, trang bị kiến thức, cập nhật những thông tin mới có liên quan trên sàn giao dịch như tập huấn “Kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử” cho doanh nghiệp trên địa bàn, được giới thiệu, hướng dẫn các bước để xây dựng website thương mại điện tử; kỹ năng quản trị website như cách thức quản trị thông tin, đơn hàng trên website. Đồng thời, được hướng dẫn một số kỹ năng cơ bản thiết kế xây dựng các hình ảnh sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp, công cụ hỗ trợ marketing cho website trên địa chỉ sàn giao dịch của tỉnh…
Mục tiêu phát triển của tỉnh đến năm 2015 trên lĩnh vực thương mại điện tử là thúc đẩy 100% doanh nghiệp sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 90% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá; 80% doanh nghiệp tham gia các trang website để mua bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh; các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp...
Ngày 1/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020, với mục tiêu: Xây dựng các hạ tầng cơ bản và triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam, đưa loại hình này trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình CNH - HĐH đất nước.
Để đạt được mục tiêu như Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015 mà UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời tham mưu xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển giai đoạn 2016 - 2020, thời gian tới, ngành Công thương sẽ tập trung xây dựng hệ thống thương mại điện tử quốc gia rộng rãi và tiến hành áp dụng hình thức thanh toán bằng thẻ một cách phổ biến nhằm phát triển giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng; áp dụng các tiện ích vừa đảm bảo sự an toàn, bảo mật trong các giao dịch vừa phát huy các tiện ích mang lại trong việc trao đổi thông tin dữ liệu trong các giao dịch giữa các doanh nghiệp vào hoạt động kinh doanh, mua bán...
Hy vọng rằng thương mại điện tử là hướng đi mới mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh cũng như mở ra cơ hội đầu tư, cạnh tranh lành mạnh trong phát triển, thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà ngày một đi lên.
.