Kinh tế xã hội
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp miền núi, tạo hiệu quả cao
(Congannghean.vn)-Thực hiện chương trình cơ giới hóa trong nông nghiệp, đặc biệt là chính sách cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất ngân hàng giúp bà con mua máy móc cơ giới để sản xuất. Những năm gần đây, huyện Con Cuông đã tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn. Đặc biệt, huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Theo thống kê, hàng năm ở huyện miền núi Con Cuông đã có thêm 30 - 40 máy cày đa chức năng, máy đập liên hợp do người dân tự mua. Huyện đã tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ khác như Chương trình 135/CP, mỗi năm đã hỗ trợ 13 máy cày đa chức năng, 60 máy tuốt lúa đạp chân cho bà con.
Đây là tiền đề để đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa giải phóng sức lao động cho bà con nông dân. Từ hiệu quả này, trong năm 2014 và những năm tiếp theo, huyện Con Cuông tích cực đẩy mạnh việc đầu tư đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; tăng giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bà con thôn Bãi Gạo (xã Châu Khê, huyện Con Cuông) mua máy kéo vận chuyển mía về bãi tập kết |
Xã Lục Dạ là xã thuộc vùng khó khăn, nhưng việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã được thực hiện từ năm 2010. Từ chỗ bước đầu chỉ có vài ba máy, đến nay trên địa bàn xã đã có 35 máy cày đa năng, 12 máy tuốt lúa liên hoàn. Riêng trong năm 2014, xã được cấp 5 máy từ Chương trình 135/CP, từ các chính sách hỗ trợ vốn, người dân tự mua thêm 10 máy.
Chính điều này đã giúp bà con giải quyết được vấn đề thiếu lao động do một số hộ dân đã chuyển đổi sang làm nghề khác, một số bộ phận nông dân thường xuyên đi làm ăn xa. Nhận rõ vai trò của việc cơ giới hóa, năm 2011, ông Vi Văn Hùng (dân tộc Thái) ở bản Trung Thành, xã Lục Dạ cũng như những nông dân khác, sản xuất nông nghiệp dựa vào sức người và sức cày kéo của trâu bò là chính.
Những lúc không có trâu bò, thiếu nhân lực lao động đã ảnh hưởng đến nông lịch sản xuất. Từ khi có chính sách hỗ trợ mua máy cày đa chức năng, ông đã chủ động hơn trong việc sản xuất kịp thời vụ, đúng nông lịch, đồng thời giảm sức lao động từ 30 - 40% so với trước đây và thu nhập cũng được nâng lên.
Ngoài ra, các xã như Môn Sơn, Yên Khê, Châu Khê, Bồng Khê… là những địa phương thực hiện tốt việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong vấn đề giao thông nội đồng chưa được quy hoạch, xây dựng. Một số địa phương chưa tích cực dồn điền, đổi thửa.
Hiện nay, huyện Con Cuông đang chỉ đạo các xã đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; thực hiện dồn điền, đổi thửa; làm tốt quy hoạch, hệ thống giao thông nội đồng để đưa cơ giới vào sản xuất. Qua đó, giúp người nông dân giảm sức lao động, tăng giá trị thu nhập, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân miền núi.
Phùng Văn Mùi