Kinh tế xã hội
Độc nhất thế giới: 'Vương quốc' cây vô sinh ở Tây Nguyên
09:11, 09/08/2014 (GMT+7)
Loài cây thời tiền sử mang đặc tính vô sinh đã bị tận diệt trên toàn thế giới. Nơi duy nhất còn lại loại cây này là Tây Nguyên - Việt Nam đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trả lương để trông một gốc cây
Thủy tùng là loài thông nước, có đặc điểm hình dáng, lá... giống như thông, nhưng là loài sống ở sình lầy, có hoa, có quả nhưng không có hạt. Việc nhân giống theo tự nhiên, con người không thể can thiệp. Do đó, thủy tùng có thể được gọi là loài "vô sinh". Suốt một thời gian dài, loài cây này đã bị tàn phá rồi bị săn lùng đến cạn kiệt. Một thời gian, "cơn sốt thủy tùng" nóng cả Tây Nguyên vì tin đồn, gỗ thủy tùng làm... thuốc chữa ung thư.
Ngoài Ea Ral (xã Ea Ral, huyện Lắc) và Trấp Ksơr (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) là hai quần thể thủy tùng lớn nhất còn sót lại với các cá thể thủy tùng quý hiếm sinh sống dưới dạng một quần thể (Ea Ral: 270 cây; Trấp Ksơr: 28 cây), còn khoảng 6 cá thể cây khác mọc rải rác tại các buôn làng trong huyện Lắc.
Anh Phạm Văn Quang, cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Lắc cho biết: "Đối với những cá thể thủy tùng mọc nhỏ lẻ tại các buôn làng xa xôi, hạt kiểm lâm còn tiến hành giao và thuê chính những nhà người dân có cây sống trên phần đất của nhà họ trông giữ, trả lương cho họ và yêu cầu họ phải làm chòi cạnh gốc để bảo vệ cây!".
Tại buôn Hồ có hai cây thủy tùng được giao cho hai gia đình ông Vĩnh Bảo Hùng và bà Nguyễn Thị Mai quản lý. Mỗi tháng, kiểm lâm trả lương bảo vệ cho mỗi gia đình vài trăm ngàn đồng. Gia đình ông Hùng đã dọn cỏ sạch sẽ xung quanh gốc thủy tùng, phát quang những cây bụi, cây rậm để tránh ảnh hưởng tới khu vực cây sinh sống.
Cây thủy tùng cổ thụ thuộc phần đất của gia đình bà Nguyễn Thị Mai đứng ngay ở đầu cây cầu gần thị trấn buôn Hồ và ngay sát mé suối. Để bảo vệ cây quý, bà Mai đã làm hẳn một cái lán ngay dưới gốc cây, cử chồng ra trông coi ngày đêm.
Thủy tùng hiện đang được xếp vào nhóm gỗ 1A - loại đặc biệt quý hiếm và được bảo vệ nghiêm trọng. Nó càng trở nên quý hiếm hơn khi mà số lượng loài của nó còn sống sót chỉ tính được đến con số hàng trăm.
"Đây là loài thực vật ngành hạt trần rất cổ còn sót lại, có lịch sử phát triển sinh chủng loại khoảng 10 triệu năm, được ghi tên trong sách đỏ thế giới. Đến nay, chưa có phương án nào để nhân giống loài cổ thực vật này. Những cá thể còn sống, nhiều cây đang lão hóa theo thời gian...", ông Phạm Quang Vinh - Hạt kiểm lâm huyện Ea H'leo xót xa.
Những năm trước đây, các đại gia từ Sài Gòn về Ea H'Leo săn tìm gỗ thủy tùng đã khiến cả Ea H'Leo nóng lên vì cơn sốt gỗ thủy tùng. Một khúc gỗ thủy tùng rộng chừng 30 phân, cao chừng một mét, giá của nó là vài chục triệu đồng.
Chính vì giá trị kinh tế của gỗ thủy tùng lớn như thế, lại ngày càng quý hiếm, cho nên quần thể thủy tùng duy nhất tập trung còn lại của Tây Nguyên liên tục bị tấn công, nhất là khi có thông tin người ta mua về để chiết xuất ra chất có khả năng điều trị... ung thư.
Nhiều người đã phá lán lấy gỗ thủy tùng mà ngày xưa lấy về làm cọc chống dựng lán, làm cọc cho hồ tiêu bám... để đem bán. Nhiều kẻ xấu cũng lợi dụng người dân bản địa, thuê họ đi trục vớt những súc gỗ thủy tùng ở dưới lòng hồ hoặc mua lại giá cao. Những điều đó đã khiến thủy tùng càng thành "sốt".
"Chính những tin đồn thêu dệt đã là nguyên nhân.... giết chết thủy tùng. Thời gian rộ lên thông tin thủy tùng chữa được bệnh ung thư, hàng trăm người dân đổ vào nương, vào rẫy quanh khu vực bảo tồn thủy tùng Ea Ral để đào bới mong tìm được những gốc, những đoạn thủy tùng may ra còn sót lại. Nhiều kẻ táo tợn nửa đêm cắt lưới B40 để thâm nhập vào vườn thủy tùng, cưa trộm dù phải vượt qua vũng sình lầy ngập ngang người..." - ông Quang cho biết.
Đến nay, cơn sốt dường như đã qua nhưng thủy tùng vẫn được âm thầm săn tìm để làm đồ gỗ mỹ nghệ phục vụ thú chơi của đại gia. Giá trị của gỗ thủy tùng nằm ở bộ vân. Vân gỗ thủy tùng tự nhiên, rất đẹp, không cần đánh véc ni, sơn bóng... Dân chơi thủy tùng thường tiện thành các bình trang trí, làm tam đa, con giống... Gỗ thủy tùng thơm và mềm, dẻo, nhưng đồng thời cũng rất cứng nếu ở trên khô.
Tùy theo từng độ tuổi mà thủy tùng có vân gỗ và màu gỗ khác nhau. Những cây thủy tùng non, tươi thường có màu trắng, màu xanh đen. Thủy tùng cổ thụ, ngâm nước lâu có màu đen gụ, màu đỏ... Dù ở độ tuổi nào, vân gỗ thủy tùng đều có đường nét và hình dáng vô cùng đẹp, cho nên, một cặp bình cao chừng 40 phân, giá của nó có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Nguồn: vef.vn