Kinh tế xã hội
Huyện Con Cuông
Lợi ích kép từ trồng rừng xoá đói giảm nghèo
08:13, 09/08/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Nằm ở vùng miền núi phía Tây Nghệ An, thường xuyên chịu ảnh hưởng nắng nóng gay gắt và lũ lụt tàn phá, huyện Con Cuông không thuận lợi cho sản xuất lương thực. Nhưng những năm gần đây, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã chú trọng phát triển rừng. Ngoài chống biến đổi khí hậu thì khai thác tiềm năng phát triển kinh tế rừng đang là giải pháp hàng đầu về xoá đói giảm nghèo nơi đây.
Từ những mô hình trồng cây nguyên liệu
Với lợi thế diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện Con Cuông có gần 154.600 ha, chiếm 88,91% tổng diện tích đất tự nhiên. Độ che phủ rừng đạt cao nhất tỉnh cũng như toàn quốc với 75,7%. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển lâm nghiệp. Nhờ đó, đã khuyến khích và huy động nhiều tập thể, hộ gia đình, cá nhân tích cực, hăng hái tham gia nhận đất trồng rừng. Bình quân, mỗi năm toàn huyện Con Cuông trồng mới trên 1.000 ha.
Riêng năm 2013, huyện đã trồng mới trên 2.500 ha, trong đó nhân dân tự bỏ vốn trồng mới gần 1.000 ha. Hiện nay, tiềm năng để phát triển kinh tế ngành rừng ở huyện miền núi Con Cuông còn rất lớn. Ước tính trong khoảng 5 năm tới, nhân dân các xã trên địa bàn huyện mới có thể trồng, phủ kín hết diện tích đó. Riêng giai đoạn 2011 - 2015, mỗi năm huyện Con Cuông phấn đấu trồng mới từ 1.500 - 2.000 ha. Bên cạnh quỹ đất, tiềm năng về lực lượng lao động là một trong những yếu tố tác động đến phát triển kinh tế rừng ở Con Cuông.
Trồng mét cho thu nhập cao và chống xói mòn |
Theo đánh giá của ngành chức năng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện Con Cuông ít. Hiện toàn huyện có khá nhiều lao động chưa có việc làm, đây là tiềm năng cần khai thác để huy động họ tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp. Vì thế, phát huy hiệu quả từ đất rừng đã và đang là hướng đi đúng được huyện quan tâm đầu tư, chú trọng, góp phần làm giàu thêm tài nguyên rừng cũng như trong việc xoá đói giảm nghèo của người dân huyện Con Cuông.
Gia đình chị Kha Thị Bích và anh Lộc Văn Thiệu ở bản Bủng, xã Châu Khê là một trong những hộ dân tiêu biểu trong phong trào trồng rừng mét ở bản Bủng. Là gia đình thuần nông, cuộc sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nên rất khó khăn. Nhận thấy trồng rừng là hướng phát triển kinh tế bền vững, lâu dài, gia đình anh chị đã đầu tư trồng trên 1.000 gốc mét. Đến thời điểm này, cây mét đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị, mỗi năm trên 200 triệu đồng. Cũng giống như gia đình anh Thiệu, gia đình ông Vi Văn Chính ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông vốn là hộ nghèo.
Nhưng từ năm 2005, gia đình đã vay vốn, đầu tư trồng 1 ha mét, đến năm 2010 cho thu hoạch, bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng (ông thu hoạch 3 lần/năm). Từ đó, ông quyết định mua thêm đất rừng đầu tư trồng thêm 2 ha mét. Hiện tại rừng mét mới trồng đến nay đã được 3 năm tuổi. Nhờ trồng mét mà gia đình ông thoát nghèo, nuôi 3 đứa con ăn học thành tài.
Nhiều lợi ích từ trồng rừng
Việc tổ chức trồng và khai thác hợp lý rừng nguyên liệu góp phần tích cực tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang giàu lên nhờ trồng rừng nguyên liệu giấy. Cây mét, cây keo lá tràm đang là thế mạnh, dễ trồng, dễ chăm sóc, bảo quản và nhanh cho khai thác. Ông Hồ Đăng Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Con Cuông có 13 xã, thị trấn, trong đó 10 xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ 135 của Chính phủ. Tất cả các xã, thị đều trồng rừng. Việc trồng rừng có nhiều cái lợi như phủ xanh, chống biến đổi khí hậu, chống xói mòn, giữ nước, trồng một lần thu hoạch lâu dài…”.
Trồng rừng nguyên liệu đã góp phần tích cực trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm và làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Mặt khác, nhờ làm tốt công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng, nâng độ che phủ rừng của toàn tỉnh Nghệ An nói chung, miền núi nói riêng đạt cao nhất cả nước, nên hơn 10 năm qua, Nghệ An ít bị ảnh hưởng lớn do thiên tai, bão lũ.
Có thể nói, những năm trở lại đây, phong trào trồng rừng nguyên liệu tại Con Cuông phát triển mạnh. Diện tích rừng trồng mới hàng năm vượt hơn 200% kế hoạch đề ra. Nhiều xã vùng sâu, vùng cao trước đây luôn là “điểm nóng” của việc phá rừng làm nương rẫy như: Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn, Cam Lâm, Lục Dạ, Châu Khê… thì nay bà con các dân tộc thiểu số đã nhanh chóng phủ xanh diện tích nương rẫy bằng rừng keo, rừng mét, đưa diện tích rừng trồng mới của Con Cuông đạt trên 2.000 ha mỗi năm. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, thôn bản trở thành đơn vị văn hoá tiêu biểu là nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế rừng. Đặc biệt, bà con dân tộc Đan Lai cũng đã tham gia mở rộng diện tích trồng rừng nguyên liệu.
Trường Khuyên - Hoàng Tùng