Bài 2: Làm gì để tiếp sức cho ngư dân bám biển?
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, cùng với nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, tỉnh Nghệ An đã có những chủ trương quan tâm, đầu tư hướng về ngư dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để quan tâm đúng, hiểu trúng với nguyện vọng của ngư dân, giúp họ yên tâm bám biển, nâng cao năng lực đánh bắt thủy, hải sản thì không phải một việc đơn giản.
“Đi tắt, đón đầu” để hỗ trợ ngư dân
Trước nhu cầu tăng thêm năng lực bám biển, xây dựng những đội tàu thuyền có công suất lớn, khả năng đánh bắt xa bờ dài ngày và để mỗi ngư dân trở thành “cột mốc sống” giữ vững vùng chủ quyền biển, đảo Việt Nam, nhiều chính sách của Chính phủ đã được ban hành.
Ngày 7/7/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thủy sản; tổ chức, cá nhân (gọi là chủ tàu) đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác thủy sản; tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản. Cũng theo nghị định này, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp; thời hạn vay tới 11 năm; lãi suất chủ tàu phải trả thấp nhất là 1%/năm và cao nhất chỉ là 3%/năm.
Cũng tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng và Ngân hàng Nhà nước triển khai thí điểm gói hỗ trợ ngư dân 10.000 tỉ đồng tại hai tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi. Đây là gói vốn mà Chính phủ đưa ra nhằm hỗ trợ ngư dân cũng như các lực lượng chấp pháp trên vùng biển nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trong thời gian tới. Mặt khác, trước tình hình hiện nay, nguồn vốn này sẽ giúp ngư dân đóng tàu to, thuyền lớn hiện đại để yên tâm bám biển dài ngày.
Các cửa lạch cần phải được nâng cấp, đầu tư, mở rộng |
Ở Nghệ An, trước chủ trương, chính sách này, vào ngày 4/7/2014, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã tổ chức cuộc họp có đại diện các ban ngành, tổ chức cá nhân liên quan bàn về công tác hỗ trợ ngư dân trong tình hình hiện nay. Đại diện các địa phương ven biển như: Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò và chủ nhiệm các HTX đóng tàu, doanh nghiệp, đơn vị đang trực tiếp thực hiện công tác đánh bắt thủy, hải sản trên biển cũng tới dự và phát biểu ý kiến. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tiến hành tuyên truyền, rà soát danh sách các phương tiện tàu thuyền trên địa bàn tỉnh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ngư dân. Như vậy, trước các chủ trương, chính sách của Chính phủ, tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều động thái tích cực nhằm “đi tắt, đón đầu” trong việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển.
Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, hầu hết ngư dân đều phản ánh là khó, thủ tục còn rườm rà, mất nhiều thời gian. Trước nhu cầu hiện nay, để có một con tàu công suất lớn (từ 500 CV trở lên) nhằm đánh bắt ở ngư trường lớn như Hoàng Sa và Trường Sa thì lâu nay, ngư dân vẫn phải “tự bơi” để góp vốn đóng mới, nâng cấp tàu thuyền của mình. Với những chủ trương, chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra, phần đông ngư dân đều có tâm lý háo hức, nóng lòng trước nguồn vốn ưu đãi này. Với họ, chỉ mong sao nguồn vốn sẽ nhanh chóng được triển khai theo đúng đối tượng, đúng nhu cầu mục đích nhằm thực hiện khát vọng được đóng tàu to, thuyền lớn ra khơi.
Cần quan tâm đến nhu cầu thực tế của ngư dân
Qua cuộc tiếp xúc với đại diện chính quyền các địa phương bám biển, hầu hết họ đều cho rằng, để thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ thì công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ngư dân cần phải có thời gian rà soát. Mặt khác, với chủ trương đóng tàu vỏ sắt công suất lớn như hiện nay, ngư dân rất lo lắng vì mẫu mã thiết kế cũng như vận hành máy móc vẫn chưa được tiếp cận. Đó là chưa nói đến nguyện vọng ngư dân muốn đóng mới, nâng cấp tàu thuyền công suất lớn bằng vỏ gỗ truyền thống thì phải làm thủ tục như thế nào để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi?
Ông Trần Văn Hợi, một ngư dân đã có thâm niên lâu năm đi biển ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) phản ánh: Lâu nay, ngư dân đều quen với việc đánh bắt thủy, hải sản bằng tàu vỏ gỗ. Thời gian qua, nghe trên các phương tiện truyền thông đại chúng nói về chủ trương đóng tàu vỏ sắt thay thế tàu vỏ gỗ mà Chính phủ đưa ra gói vốn vay hỗ trợ, nhưng người dân chúng tôi vẫn chưa thể hình dung được là nó đóng như thế nào? Ai sẽ đóng tàu vỏ sắt và mẫu mã thiết kế có hợp với kiểu đánh bắt như hiện nay không? Ông Hợi cũng băn khoăn, liệu ngư dân có được tham gia vào việc góp ý kiến để thiết kế mẫu tàu thuyền theo kinh nghiệm lâu nay để nâng cao năng suất đánh bắt thủy, hải sản xa bờ hay không? Và, điều băn khoăn nữa của ngư dân hiện nay khi chúng tôi tiếp cận, đó là liệu có phải nhất thiết phải đóng tàu vỏ sắt mới được Nhà nước cho vay nguồn vốn hỗ trợ lên đến 95% như vậy hay không? Theo những gì ngư dân hiện nay phản ánh thì, việc đầu tư đóng tàu vỏ gỗ với công suất lớn, kết hợp với kinh nghiệm đánh bắt hải sản trên biển lâu nay vẫn có thể bám trụ dài ngày trên các ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông Nguyễn Gia In đang trao đổi với tác giả |
Còn ông Nguyễn Gia In, Chủ nhiệm HTX làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) thì cho rằng: Khi biết tin Nhà nước có hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho ngư dân, xã viên HTX ai cũng phấn khởi và nóng lòng. Tuy nhiên, để nguồn vốn vay đi vào thực tiễn, nhiều vấn đề xã viên hiện nay vẫn băn khoăn. Bởi vì, họ cho rằng, lâu nay, khi tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng rất khó khăn. Bà con đều mong muốn Nhà nước cần có chính sách thông thoáng, bám sát nhu cầu thực tế của người dân hiện nay là điều cần làm.
Cũng theo ông In thì hiện nay, HTX đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, bến bãi để mở rộng quy mô xưởng đóng tàu thuyền. Ông In cho biết, năm 2004, tỉnh đã có chủ trương đồng ý cho HTX mở rộng quy mô xưởng với diện tích 4,7 ha nhưng đến nay do vướng mắc nhiều thứ nên vẫn chưa thực hiện được. Mặt khác, với đội ngũ thợ thuyền tay nghề lâu năm, 12 cơ sở trực thuộc HTX, đơn vị có thể đảm nhiệm được việc đóng tàu với công suất 500 CV trở lên nhưng lại vướng khâu hạ thủy vì hệ thống sông, cảng, lạch sông, cửa biển luôn chật hẹp lâu nay không được nạo vét.
Với nhu cầu lớn của ngư dân hiện nay, trước các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các cấp ban ngành cũng cần có lộ trình cụ thể, bám sát thực tế để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ngư dân. Có như vậy, việc nâng cao năng lực đánh bắt thủy, hải sản, vươn khơi ra ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa mới thực sự có hiệu quả.
.