Liên quan đến vụ việc bệnh viện tuyến huyện tại Hà Nội sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ gây bức xúc dư luận, Ban Quản lý dự án Sở Y tế Hà Nội khẳng định một trong số các thiết bị nói trên được dán tem ghi sản xuất tại Trung Quốc, nhưng có giấy chứng nhận xuất xứ tại Đức và nguyên nhân là do vấn đề "toàn cầu hóa."
Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo do Sở Y tế Hà Nội tổ chức chiều 29/7. Theo thông tin của Sở Y tế Hà Nội, các máy móc xét nghiệm sinh hóa tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín và Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức được cung cấp trong gói thầu số 4 thuộc dự án: Đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện đa khoa Vân Đình và các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phân bổ cho 6 bệnh viện trong đó có Bệnh viện Đa khoa Thường Tín.
Dự án trên sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Sở Y tế quản lý. Ban Quản lý dự án Sở Y tế Hà Nội và đơn vị tư vấn (Viện trang thiết bị và công trình y tế) giải trình rằng các máy xét nghiệm sinh hóa tự động thuộc dự án gồm 6 chiếc và được cung cấp cho 6 bệnh viện.
Qua rà soát kiểm tra của cơ quan chức năng, các thiết bị được đưa vào sử dụng từ năm 2010. Theo đó, tại Bệnh viện Thường Tín, máy phân tích sinh hóa tự động là model: GA 240; hãng sản xuất: Greiner Diagnostic GnbH có xuất xứ từ Đức, nhưng khi mở máy ra, có một bộ phận của máy dán tem ghi "Made in China" (sản xuất tại Trung Quốc).
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cung cấp các thông tin trong cuộc họp chiều nay |
Về câu hỏi chiếc máy này có đảm bảo chất lượng khi có xuất xứ vừa từ Đức và vừa từ Trung Quốc, Ban Quản lý dự án Sở Y tế Hà Nội khẳng định: “Thiết bị có đầy đủ giấy tờ và có giấy chứng nhận xuất xứ tại Đức. Tuy nhiên, theo công cuộc toàn cầu hóa thì một số bộ phận có thể được sản xuất từ nước thứ ba nhưng hàng hóa trước khi xuất đi đã được kiểm tra theo tiêu chuẩn của nước sở tại và được phòng thương mại nước sở tại kiểm tra và cấp chứng nhận xuất xứ.”
Liên quan tới câu hỏi về việc các máy xét nghiệm sinh hóa của Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín và Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức bị hỏng nhưng không được thay thế, sửa chữa kịp thời, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho hay, trong quá trình vận hành, các thiết bị y tế trên có những lúc trục trặc do lỗi phần mềm.
Ông Dung cho biết, máy xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín bị hỏng bóng đèn vào tháng 3/2013, tương tự là máy của Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức bị hỏng bóng đèn vào tháng 11/2013. Sau sự cố trên, hai bệnh viện trên đều đã liên hệ đơn vị sửa chữa và cả hai đơn vị sửa chữa đều không cung cấp được các thiết bị bị hỏng.
Lý giải về điều này, ông Dung cho hay, các thiết bị trên muốn thay phải qua đơn vị cung cấp. Tuy nhiên, các bệnh viện trên chưa liên hệ được ngay với nhà cung cấp thiết bị để sửa chữa trong thời điểm đó.
Để khắc phục những sự cố như trên trong công tác bảo trì, bảo dưỡng của thiết bị y tế, ông Dung đề nghị nhà cung cấp phải chủ động phối hợp đơn vị sử dụng để thay thế linh kiện đảm bảo máy móc hoạt động bình thường nếu sản phẩm bị hỏng hóc.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, cho đến sáng nay (29/7), đơn vị cung cấp thiết bị y tế đã tới làm việc với bệnh viện để xem xét thay thế bóng đèn của hai bệnh viện trên nhằm đảm bảo máy móc hoạt động bình thường.
Đối với các bệnh viện, ông Dung đề nghị bệnh viện cần tăng cường hơn công tác bảo trì máy móc theo quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiến hành tổng kiểm tra đối với các cơ sở y tế trên địa bàn có hành vi sử dụng thiết bị y tế không rõ nguồn gốc./.
.