Trước câu hỏi, Liên Bộ có đang “thả cửa” cho DN điều chỉnh tăng giá xăng dầu vì lạm phát đang thấp, thuế xăng dầu ổn định hay không? Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Giá xăng được điều chỉnh tăng hoàn toàn bám sát vào Nghị định 84, không nặng nề về thuế và lạm phát. Liên Bộ xem xét dựa trên tình hình giá thị trường có sự kiềm chế bằng cách sử dụng quỹ bình ổn giá”. Đại diện Cục Quản lý Giá cũng khẳng định, mỗi lần điều chỉnh giá liên Bộ Tài chính - Công Thương có tính toán hài hòa lợi ích các bên.
Giá xăng dầu tăng sốc, giá sữa áp trần tràn lan vi phạm là những nội dung nóng được đặt ra tại phiên họp báo thường kỳ quý II-2014 do Bộ Tài chính đã tổ chức chiều 8/7 tại Hà Nội.
Giá sữa: Thanh tra vẫn chưa phát hiện vi phạm
Theo thông tin từ ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tính tới 10/6, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 4 doanh nghiệp (DN) sữa đăng ký giá tại Bộ, công khai 141 dòng sản phẩm bán buôn sau đó áp trần bán lẻ. “Chúng tôi hoàn toàn có thể kiểm soát được các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thực tế một số sản phẩm không được gọi là sữa mà là thực phẩm bổ sung vi chất, không nằm trong phạm vi bình ổn”, ông Tuấn khẳng định.
Trả lời câu hỏi của Báo CAND xung quanh những vi phạm về việc áp trần giá sữa mà dư luận phản ánh trong thời gian qua, ông Tuấn cho biết cơ quan này đã tổ chức nhiều đoàn thanh kiểm tra về giá sữa. Gần đây nhất là từ ngày 3/7, Thanh tra Bộ Tài chính đã và đang tổ chức kiểm tra ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Qua kiểm tra, chưa phát hiện sai phạm nào về việc áp trần giá sữa của DN.
Cụ thể hơn, đối với trường hợp mà Báo CAND đã nêu là sản phẩm Enfamil A+2 được thay nhãn mác thành Enfamil A+ 360 độ Brain Plus của hãng Mead Johnson; dù có cùng trọng lượng, hoạt chất, vi chất, thành phần dinh dưỡng, nhưng nhờ khác nhãn mác, được bán với giá chênh nhau tới 100 nghìn đồng, Bộ Tài chính cho rằng hai sản phẩm này đều đã nằm trong danh sách 141 sản phẩm đã đăng ký giá. “2 sản phẩm này hoàn toàn khác nhau, giá của nó cũng đã được Bộ Tài chính tính toán. Việc thay đổi mẫu mã là quyền của DN, và họ được phép lưu thông nếu được Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế cấp phép. Hiện nay thị trường xuất hiện thực phẩm chức năng cho trẻ từ 1-10 tuổi và nó không nằm trong diện bị áp trần. Còn ngoài 141 sản phẩm đã áp trần, Bộ Tài chính chưa ghi nhận có thêm sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi nào trên thị trường vi phạm giá trần. Hiện, Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục theo dõi, phối hợp, giải đáp, giải mã những nội dung mà báo chí đã nêu”.
Về hướng quản lý trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết việc áp giá trần đối với sữa trong thời gian 12 tháng đang được thực hiện, cùng các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý ngay. Bộ Tài chính kêu gọi những người dân, nếu phát hiện ra sai phạm, hãy thông tin đến Bộ Tài chính theo đường dây nóng đã được công khai, để Bộ xử lý.
Giá xăng: 5 lần tăng chưa 1 lần giảm
Một vấn đề được dư luận cực kỳ chú ý là giá xăng hiện đã tăng cao và liên tục lập đỉnh mới. Kể từ đầu năm 2014 tới nay, trong số 10 lần điều chỉnh giá xăng dầu, có 5 lần điều chỉnh tăng và 5 lần điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm chỉ diễn ra đối với các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa với mức giảm khá khiêm tốn.
Xăng 5 lần tăng giá |
Ví dụ như ngày 12/6, Bộ Tài chính yêu cầu các DN xăng dầu đầu mối giảm 150 đồng/lít đối với dầu diesel và 110 đồng/lít đối với dầu hỏa. Còn mặt hàng xăng, việc điều chỉnh chỉ diễn ra theo một chiều là tăng giá bán lẻ. Với 5 lần điều chỉnh tăng liên tiếp, giá xăng đã tăng thêm 1.440 đồng mỗi lít. Lần điều chỉnh gần đây nhất diễn ra vào ngày 7-7, với mức tăng 410 đồng mỗi lít. Mức giá mới sau khi điều chỉnh được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố đối với xăng RON 92 tại vùng 1 là 25.640 đồng/lít. Ở khu vực xa trung tâm, kho, cảng (vùng 2), giá xăng có mức tăng là 420 đồng đưa giá mới lên 26.150 đồng/lít.
Về việc giá xăng liên tục tăng được ông Nguyễn Anh Tuấn lý giải: “Theo quy định về điều hành giá xăng dầu, chu kỳ tính giá là 10 ngày và kỳ lưu thông 30 ngày nên tính từ ngày 23/6 đến 7/10 đã là hơn 10 ngày. Tại lần điều chỉnh giá xăng gần đây nhất (ngày 7/7), nếu Bộ không cho phép sử dụng Quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít, thì thực tế giá xăng phải tăng khoảng hơn 900 đồng/lít”.
Trước câu hỏi, Liên Bộ có đang “thả cửa” cho DN điều chỉnh tăng giá xăng dầu vì lạm phát đang thấp, thuế xăng dầu ổn định hay không? Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Giá xăng được điều chỉnh tăng hoàn toàn bám sát vào Nghị định 84, không nặng nề về thuế và lạm phát. Liên Bộ xem xét dựa trên tình hình giá thị trường có sự kiềm chế bằng cách sử dụng quỹ bình ổn giá”. Đại diện Cục Quản lý Giá cũng khẳng định, mỗi lần điều chỉnh giá liên Bộ Tài chính - Công Thương có tính toán hài hòa lợi ích các bên. Về việc điều chỉnh giá xăng thường diễn ra vào “giờ hiểm”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Thời điểm điều chỉnh giá bán đã được tính toán nhằm đảm bảo an toàn lưu thông, hoạt động sản xuất kinh doanh cho DN”
.