Kinh tế xã hội
Hóa đơn tiền điện tăng vọt, Thứ trưởng nói gì?!
Tiền điện đang khiến nhiều gia đình phải tính kế 'thắt lưng buộc bụng'. Ảnh minh họa |
Tại họp báo Chính phủ chiều 1/7, báo chí phản ánh, những ngày qua, người dân quan tâm đến hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng mạnh so với tháng 5 cũng như so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành điện sau đó giải thích và cho biết rằng có nhiều nguyên nhân nhưng không phải do áp dụng giá điện mới. Tuy nhiên, so với biểu giá điện mới thì mức tăng lớn nhất và nhiều nhất nằm ở những bậc từ 100 đến 300 số điện. Đây là mức dùng phổ biến nhất trong các hộ gia đình ở Việt Nam hiện nay.
“Vậy Bộ Công Thương đánh giá thế nào về việc áp dụng biểu giá điện mới đối với tiền điện của các hộ gia đình, cũng như việc tuyên truyền của ngành Điện là không tăng giá điện nhưng thực tế tiền điện của nhiều gia đình đã tăng trong những tháng qua?”.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói: Chúng ta cần tiến tới các mặt hàng phải theo giá thị trường. Chúng ta hiện đang đi theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không thể bao cấp mãi được. Không chỉ mặt hàng điện, mà sắp tới là cả xăng dầu cũng như một số các mặt hàng thiết yếu khác.
Về mặt hàng điện, phải khẳng định lại, từ tháng 6 chúng ta tính theo biểu giá và chia ra ba mức: Dưới 50, dưới 100 và trên 100. Quan trọng nhất là chúng ta định hướng tiến tới theo giá thị trường, nhưng vẫn phải đảm bảo cho người nghèo, người thu nhập thấp. Chúng ta rất để ý tới việc này, trước kia chúng ta có giá thấp hơn giá thành, dần dần tiến tới ngang với giá thành.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ví dụ, dưới 50 số thì tính theo giá thành, nhưng vẫn có chính sách đối với hộ nghèo được hỗ trợ 30 số không mất tiền. Theo thống kê, nước ta có 2,7 triệu hộ nghèo, tính trung bình một hộ nghèo một tháng chỉ dùng hết 27,5 kWh điện thôi. Khi Chính phủ hỗ trợ 30 số điện miễn phí cho các hộ nghèo một tháng, thì các hộ nghèo đảm bảo có điện dùng.
Về giá điện đối với vùng hải đảo, biên giới, Thứ trưởng cho rằng: Để kéo điện ra hải đảo hết sức tốn kém, nhưng hiện nay chính sách vẫn là giá ngoài hải đảo bằng giá trong đất liền. Đó là chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa và người nghèo. Còn những hộ dùng điện trên 100 số trở lên, chúng ta đang thực hiện theo giá của thị trường. Chúng ta cũng phải tính đến chuyện tiết kiệm. Nước nào cũng vậy, phải tính theo thu nhập của từng hộ gia đình.
Nguồn: Vũ Hạnh/VOV.VN