Dù có cơ chế chọn nhà thấu giá thấp theo Luật Đấu thầu 2005, nhưng thực tế lại không ít dự án thuộc diện đắt nhất thế giới đã tồn tại ở Việt Nam. Luật Đầu thầu 2013 (có hiệu lực từ 1/7/2014) sẽ khắc phục việc đầu thầu lệ thuộc vào giá thấp, phần lớn là công nghệ, thiết bị lạc hậu…
Không ít dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước khi đấu thầu thiên về giá thấp, không coi trọng yếu tố kỹ thuật. Nhưng sau khi trúng thầu, nhà thầu “chơi bài” kéo dài thời gian thi công để ép chủ đầu tư điều chỉnh giá trúng thầu hoặc bán thầu cho nhà thầu phụ. Đấu thầu giá thấp, sau đó thi công chậm tiến độ và đội giá, là “chiến lược” mà nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện ở một số dự án, trong đó có Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ( Hà Nội). Dù có cơ chế chọn nhà thấu giá thấp, nhưng sự thật lại không ít dự án đắt nhất thế giới đã tồn tại ở Việt Nam.
Khi yếu tố kỹ thuật không được tiền kiểm trước khi đầu thầu thì sẽ không kiểm soát được giá trị thực của dự án và chất lượng xây dựng. Đây là những lỗ hổng gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản, cho nên Chính phủ ban hành Nghị định 15/2013, trong đó quy định phải tiền kiểm thiết kế kỹ thuật và dự toán dự án, công trình trước khi tổ chức đầu thầu. Việc tiền kiểm trước khi đầu thầu, đã làm minh bạch hóa quá trình đầu tư, nhiều dự án, công trình đã giảm từ 5 - 10%, thậm chí giảm đến 20% giá trị dự toán. Bằng công cụ pháp lý này, Nhà nước tiết kiệm được gần 20 nghìn tỷ đồng nếu mỗi năm, nguồn vốn ngân sách phải chi 250 nghìn tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ và đội giá |
Cơ chế chọn thầu giá thấp, không coi trọng yếu tố kỹ thuật đã được khắc phục trong Luật Đầu thầu 2013. Luật quy định, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực, từng loại hình và quy mô của gói thầu. Hồ sơ mời thầu bắt buộc phải làm riêng hai túi, hồ sơ kỹ thuật và hồ sơ tài chính. Hai túi hồ sơ phải nộp cùng một lúc, nhưng túi hồ sơ kỹ thuật mở trước. Khi túi hồ sơ kỹ thuật của nhà thầu “đạt chuẩn” mới mở túi hồ sơ tài chính. Như vậy, giá thấp không phải là yếu tố quyết định trúng thầu.
Để tạo sức cạnh tranh mới cho các nhà thầu và hàng hóa trong nước, Luật Đầu thầu 2013 quy định, chỉ những hàng hóa trong nước không sản xuất được hoặc nhà thầu trong nước không có khả năng thì mới tổ chức đấu thầu quốc tế. Khi đấu thầu quốc tế, dù là nhà thầu liên danh hay nhà thầu quốc tế trúng thầu, cũng phải dành 25% công việc cho nhà thầu Việt Nam. Ngoài ra, Luật còn đưa ra quy định “mở” cho nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ; chính sách ưu đãi khi đấu thầu đối với nhà thầu có từ 25% lao động nữ hoặc thương binh, người khuyết tật.
Luật Đầu thầu 2013 với nhiều quy định “mới và mở” cho mọi chủ thể tham gia đầu thầu, vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện Luật và cơ chế giám sát.
.