Kinh tế xã hội

Chính sách hỗ trợ cho người nghèo còn lúng túng, thiếu hiệu quả

09:10, 05/07/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Hàng loạt chính sách chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đến với người dân trên địa bàn huyện Tương Dương. Hợp phần này dù đã thực hiện nhiều năm, nhưng đến nay vẫn loay hoay với “bài toán” hỗ trợ sản suất.
Điều nhìn thấy rõ nhất hiện nay là những bất cập, sự chồng chéo trong việc triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo.
 
Qua đánh giá thực tiễn của ngành chức năng, do công tác tuyên truyền chưa sâu sát đến từng người nghèo nên nhận thức của họ còn thấp. Phần lớn họ không nắm bắt được kỹ thuật sản xuất, chi tiêu; phân bổ đồng vốn không hợp lý, kém hiệu quả. Không ít gia đình được vay tiền với lãi suất ưu đãi, nhưng không biết sử dụng vào sản xuất, kinh doanh nên cuối cùng vẫn không thoát được nghèo...
 
Ngoài ra, việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện nhiều chương trình trong quá trình thực hiện cũng đã được đặt ra, nhưng điều đó mới dừng lại ở chủ trương, còn thực tế triển khai thì các chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, một số chính sách chưa thực sự phù hợp với thực tiễn địa phương, dẫn đến còn lúng túng, chưa phát huy hiệu quả trong quá trình hỗ trợ sản xuất. Một thực tế, nhiều người nghèo không muốn thoát nghèo mà chờ được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc bóc tách đất lâm nghiệp giao cho hộ nghèo chưa nghiên cứu đến vấn đề đất đó có trồng trọt được hay không...
Việc hỗ trợ cho người nghèo còn lúng túng và không hiệu quả
Việc hỗ trợ cho người nghèo còn lúng túng và không hiệu quả
 
Chẳng hạn, về chương trình hỗ trợ, năm 2013, huyện Tương Dương chọn giống lợn nái sinh sản để hỗ trợ phát triển chăn nuôi cho hộ nghèo. Thấy được “cho không” giống, bà con vui mừng nhận nuôi nhưng do điều kiện khí hậu không phù hợp nên lợn chết nhiều. Số còn sống, nuôi lớn bán chẳng mấy ai mua vì loại lợn này không hợp khí hậu của địa phương. Người được hỗ trợ giống không có lãi, họ không mặn mà giữ lại đàn lợn nái sinh sản nữa. Một số nơi lại chọn giống lợn móng cái, bò lai vỗ béo, giống gà ở ngoài Bắc hỗ trợ cho người dân thả nuôi.
 
Thực tế nhiều hộ nuôi không đạt. Hộ nuôi đạt thì không bán được, dẫn đến thua lỗ. Đặc biệt, việc hỗ trợ trâu, bò giống, ngoài hỗ trợ kiểu nuôi sẽ gây khó trong quá trình hưởng thụ nguồn vốn, thì quá trình hỗ trợ, chính quyền lại chỉ chú trọng đến hỗ trợ bò cái, trâu cái, dẫn đến khó cho việc phối giống, phát triển, nhân rộng đàn trâu, đàn bò ở địa phương. Ngoài ra, con giống không lấy tại địa phương mà vận chuyển từ xuôi lên, nên khi người dân mang về đã xảy ra tình trạng trâu, bò hỗ trợ chết hoặc có sống cũng không phát triển thành đàn.
 
Đối với cây trồng, như hỗ trợ phát triển mô hình trồng gừng, người dân đua nhau đem gừng lên rẫy trồng thay thế cây trồng khác, lúc này giá gừng lại bán rẻ như cho, có vụ gừng bà con phải chấp nhận để hư hỏng vì thương lái cũng không đến thu mua, làm cho người nông dân càng thêm ngán ngẩm. Hay cây dưa hấu mới nhen nhóm ở một số xã, bà con được hỗ trợ giống, đạm để trồng, nhiều diện tích bắt đầu được thu hoạch, bà con đem bán chẳng đủ ngày công…
 
Lối ra sản phẩm bế tắc, bà con lại quay về với phương thức xưa là trồng lúa, ngô. Quan niệm bây giờ của người dân ở huyện Tương Dương là ngại mạo hiểm, không thay đổi cây trồng theo nhu cầu thị trường vì cho rằng, cây màu, cây công nghiệp mà ế thì không ăn nổi, còn hạt ngô, hạt lúa, nếu người ăn không hết thì để chăn nuôi. Chính vì vậy, cái vòng luẩn quẩn thoát nghèo thế nào cho nhanh và ngắn nhất vẫn là trăn trở của phần lớn bà con ở đây. Phần lớn người nông dân chưa tìm được lối thoát nghèo nào ngoài làm ruộng và rẫy, còn các cơ quan chức năng mới chỉ làm phần việc “đôn đốc” thoát nghèo như thông qua các chương trình, dự án trong hỗ trợ đất sản xuất, cải thiện đời sống trước mắt, nên lộ trình cho bà con ở huyện Tương Dương thoát nghèo tận gốc vẫn còn những bế tắc.
 
Tại các cuộc họp đánh giá kết quả về các chương trình hỗ trợ cho người nghèo, nhiều lãnh đạo xã của huyện Tương Dương đã thừa nhận rất lúng túng trong hỗ trợ phát triển nông nghiệp dẫn đến làm không trúng. Đặc biệt là việc chọn cây, con giống để hỗ trợ chủ yếu vẫn dựa trên phương án “thí điểm, thử nghiệm” thành công thì nhân rộng, thất bại thì rút kinh nghiệm cho lần sau! 

Trường Khuyên

Các tin khác