Kinh tế xã hội
Tổ chức lại mô hình bán lẻ để người tiêu dùng không còn bị 'móc túi'
10:27, 06/06/2014 (GMT+7)
Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, năm 2015 tiếp tục được dự báo sẽ là thời điểm các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trái với lo lắng của nhiều người về sự lấn át, thâu tóm của DN ngoại, nhiều DN bán lẻ trong nước lại lạc quan cho rằng, DN nước ngoài mở rộng đầu tư ở Việt Nam không phải là nguy cơ mà chính là “cú hích” để DN Việt Nam mở rộng thị trường.
Chỉ có điều, muốn phát triển bền vững, DN trong nước cần phải nhanh chóng tổ chức lại mô hình bán lẻ để người tiêu dùng không còn bị “móc túi”, bởi phải qua quá nhiều khâu trung gian như hiện nay.
Tại buổi Tọa đàm “Thị trường bán lẻ Việt Nam, cơ hội và thách thức” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội ngày 4/6, ông Trần Nguyên Năm - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Thị trường bán lẻ của Việt Nam chính thức mở cửa từ năm 2007 - thời điểm Việt Nam gia nhập WTO. Từ đó đến nay, các nhà bán lẻ Việt Nam cũng phát triển và đồng hành với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
Khi bắt đầu tham gia, mô hình bán lẻ hiện đại chiếm 20%. Hiện tại, đã tăng trên 20%. Trong khi đó, mô hình chợ truyền thống vẫn chiếm gần 80%. Tuy nhiên, “không như một số phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian qua đưa tin về nguy cơ các nhà bán lẻ Việt Nam bị các DN FDI “thôn tính”, các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo thống kê đến thời điểm hiện tại mới chiếm khoảng 6 - 7%, tức chiếm khoảng 1/3 thị phần.
Tổ chức tốt chuỗi liên kết từ sản xuất đến phân phối sẽ giúp các DN bán lẻ trong nước có giá bán cạnh tranh với DN nước ngoài |
Trong đó, mỗi đơn vị tập đoàn nước ngoài lại có mảng kinh doanh hiện đại nhưng doanh thu rất lớn, tương đương mấy chục siêu thị, DN của Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà bán lẻ trong nước đã thực sự bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với các DN FDI từ đó đến giờ. Trong số đó, có rất nhiều DN vẫn sống khỏe trên sân nhà. Thậm chí, nhiều DN còn có tham vọng vươn ra khu vực ASEAN” - ông Trần Nguyên Năm khẳng định.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Trọng Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương cũng cho rằng: Thực tế, từ năm 2009, các nhà bán lẻ nước ngoài đã tận dụng cơ hội để mở rộng chuỗi cửa hàng của họ. Lo sợ mất thị phần, nhiều DN Việt Nam cũng đã “vùng dậy” mở rộng đầu tư và trên thị trường bán lẻ đã xuất hiện nhiều tên tuổi mới, như Coop mart, Oceanmart, Hiway, Thế giới di động. Do vậy, có thể nói rằng, việc các DN nước ngoài mở rộng đầu tư ở Việt Nam, không phải là nguy cơ mà là cơ hội cho các DN Việt Nam nắm bắt và mở rộng thị trường. Trong đó, sự thành công của Thế giới di động có thể xem là một hiện tượng.
Theo ông Trần Nhật Linh - Giám đốc kênh bán hàng phi truyền thống Công ty Cổ phần Thế giới Di động (TGDĐ), nếu như các đại siêu thị nước ngoài như BigC hay Metro đang đi theo mô hình đại siêu thị, còn TGDĐ đi sâu vào chuyên ngành, tức là phát triển những cửa hàng nhỏ và hiện tại TGDĐ đã có hệ thống cửa hàng tại khắp 63 tỉnh, thành. Nếu xét về lĩnh vực sản phẩm viễn thông thì các đại siêu thị chắc chắn họ không thể có doanh thu và thị phần lớn hơn TGDĐ, đó cũng chính là hướng đi phù hợp mang lại sự thành công của TGDĐ.
Với tư cách người mở siêu thị đầu tiên ở Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội bày tỏ quan điểm: Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế của khu vực và thế giới, có rất nhiều cơ hội để bán lẻ Việt Nam nắm được thời cơ để vươn xa. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của DN bán lẻ hiện nay là đến thời điểm này, chiến lược phát triển của ngành bán lẻ nước ta vẫn chưa được xây dựng ở ba cấp: Nhà nước, Ngành và Doanh nghiệp. Mặt khác, bán lẻ vẫn dựa trên một nguồn cung hàng hóa được sản xuất với quy mô nhỏ, năng suất thấp, chất lượng không ổn định, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm còn thấp kém, chưa tiêu chuẩn hóa một cách đồng bộ, chi phí sản xuất cao, giá cả chưa cạnh tranh ngay ở thị trường nội địa. Đặc biệt, chúng ta còn rất yếu ở chuỗi liên kết từ sản xuất đến phân phối. Ở nước ngoài, họ đưa hàng hóa từ nhà sản xuất vào siêu thị ngay, không qua trung gian phân phối nên giá cả rất ổn định, phù hợp khi đưa vào siêu thị.
Còn tại Việt Nam, chuỗi liên kết này rất yếu, cần nhanh chóng phải tổ chức lại. “Tôi lấy ví dụ, một quả trứng được bán ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có giá bán 400 đồng trong khi ở siêu thị là 40 nghìn/kg, tức là hơn 2.000 đồng/quả. Hay như 1kg đường của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất ra ở Lào bằng công nghệ tiên tiến chỉ có giá 4.000 đồng/kg, trong khi đó đường sản xuất ở các nhà máy tại ở Việt Nam lên tới mười mấy nghìn/kg.
Như vậy có thể thấy, người tiêu dùng đang bị “móc túi hàng nghìn tỷ đồng từ việc tổ chức chưa tốt trong việc phát triển thị trường bán lẻ trong nước. Do đó, các nhà sản xuất và phân phối bán lẻ phải "ngồi lại với nhau" để xây dựng chuỗi sản xuất phân phối hiệu quả, chủ yếu là đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, cắt bớt ngay các khâu trung gian bất hợp lý đẩy giá lên. Kết quả cuối cùng ở khâu bán lẻ thì lợi nhuận phải được phân chia một cách hợp lý, trước hết là lợi nhuận hợp lý cho người sản xuất, đó là cái gốc của sự phát triển, đồng thời cũng là con đường duy nhất để phát triển ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam một cách bền vững, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và phục vụ tiêu dùng xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về giá cả và chất lượng hàng hóa bán ra thị trường - ông Phú chia sẻ.
Nguồn: cand.com.vn