Kinh tế xã hội

Săn nhà cổ, dỡ gỗ sưa: 'Ông trùm' trúng tiền tỷ

15:33, 25/06/2014 (GMT+7)
Cơn sốt gỗ sưa khiến xuất hiện càng nhiều kẻ táo tợn dám rình mò đốn hạ những gốc sưa đang lên xanh tốt ở các đình chùa, các vùng quê. Dân săn gỗ sưa thì lặn lội lùng sục, thậm chí sẵn sàng trả giá cao để người dân... dỡ nóc nhà lấy gỗ sưa đem bán.
 
Vì cục gỗ sưa, dỡ cả nóc nhà
 
Có thâm niên nhiều năm trong nghề đi "lùng sục" gỗ sưa để bán lại cho các tư thương Trung Quốc, N.M.Q (người Bắc Ninh) khá nổi tiếng trong giới, và trở thành cái tên rất uy tín để những người có nhu cầu muốn bán gỗ sưa tìm đến.
 
Q. cho hay, thời "củi châu gạo quế", gỗ sưa trong dân gian càng ngày càng ít, những cây sưa cổ thụ hiếm hoi còn lại ở các đình, các chùa... cũng không còn nhiều.
 
Khi báo chí đưa tin về những vụ việc, các đối tượng liều lĩnh bất chấp pháp luật đã phải trả giá cho hành vi manh động dám đốn hạ những cây sưa ở nơi công cộng... , việc đi lùng, mua gỗ sưa càng thêm khó khăn.
 
Tuy nhiên, với độ "nhạy cảm" trong nghề, Q. đã có "độc chiêu" không giống ai, đó là bỏ cả tuần lễ vác xe máy lang thang khắp các vùng quê, tìm vào những nhà dân lợp ngói để... lùng gỗ sưa.
 
Những sản phẩm làm bằng gỗ sưa mà một
Những sản phẩm làm bằng gỗ sưa mà một "ông trùm" săn lùng được
 
"Ngày trước, các cụ nhà mình còn có thói quen "tự sản tự tiêu", dựng nhà, dựng cửa thường sử dụng những cây gỗ do mình trồng được, hoặc mua lại của các nhà dân trong làng, trong xã.
 
Phần lớn, những ngôi nhà lợp ngói, có tuổi từ 30 năm trở lên ở đồng bằng Bắc Bộ được làm từ những nguyên liệu tự có như thế.
 
Thời đó khó khăn, lại bị ngăn sông cấm chợ, không có thông thương buôn bán nên các cụ thường phải loay hoay, nhặt nhạnh gỗ lạt để đủ nguyên liệu. Và, cũng nhờ cái sự ấy nên rất nhiều nhà đã vô tình "nhặt nhạnh" cả gỗ sưa làm rui mè, khung cột cất nóc" - Q. kể chuyện.
 
Nắm được điều này, Q. đi lang thang tìm đến những ngôi nhà lợp ngói, phần khung cột bằng gỗ sau ngần ấy thời gian đều đã xuống cấp, "hết tuổi". Rất nhiều lần, anh đã tìm thấy những cục gỗ sưa được các cụ "chắp vá" làm "con lăn" hoặc làm "con kê" trên những cột gỗ ở vị trí bắt chéo hình tam giác.
 
Từ dui nhà, chiếc hòm...
Từ dui nhà, chiếc hòm...
 
Những cục gỗ sưa ấy, chủ yếu là phần gỗ lõi, rất "nạc" nên rất có giá, lại chủ yếu là sưa đỏ. Một "vai" sưa như vậy, có trọng lượng từ chục kg đến vài chục kg. Có những nhà, K. mua được cả đoạn xà ngang nguyên là một thân cây gỗ sưa nguyên khối.
 
"Cái khó là thuyết phục người dân đồng ý để họ sẵn sàng... dỡ nhà cho mình mua cục gỗ sưa đấy. Những gia đình khó khăn hoặc chưa có nhu cầu làm nhà mới, sẽ càng khó thuyết phục hơn. Cho nên, để mua được cục sưa ấy, giá tiền mình trả phải tương xứng để họ có thể cất lại một nóc nhà mới, và đảo lại toàn bộ phần mái ngói họ mới đồng ý".
 
Những lần may mắn, Q. mua được cả tạ gỗ sưa từ một gia đình vùng trung du. "Kể như thế là 'trúng đậm'. Vì người dân chưa biết đích xác việc người mua về làm gì, nên phải đưa ra các lý do thuyết phục. Trả cho bà con số tiền chừng một, hai trăm triệu - đó là cả một gia tài lớn đối với người nông dân cả đời chưa bao giờ dám mơ, nhưng khi về bán lại cho tư thương Trung Quốc, Q. "ẵm" được cả tỷ đồng".
 
Tuy nhiên, gặp những gia đình "rắn", Q. phải chầu chực nhiều năm trời, đợi đến khi gia đình họ "có việc đại sự" cần đến tiền bạc, anh ta mới mua được.
 
... đến những chiếc ghế, tất cả đều được làm bằng gỗ sưa
... đến những chiếc ghế, tất cả đều được làm bằng gỗ sưa
 
"Rình" bão để mua khúc gỗ sưa trên nóc nhà
 
"Có một hộ dân ở làng X., tôi "theo" họ gần chục năm trời. Khi vào quan sát, phát hiện cái kèo nhà bằng gỗ sưa đỏ, mình đã hoa cả mắt vì sung sướng. Nhưng gặp ông chủ nhà khái tính, nhất mực không cho vợ con dỡ nóc nhà để bán cục gỗ ấy, dù mình đã thương lượng sẽ đền toàn bộ phần khung cột bằng gỗ mới.
 
Cho đến ngày, có cơn bão đi qua, "may mắn" cho tôi, ngôi nhà ấy bị sập vì bão nên tôi mới mua được" - Q. hào hứng kể.
 
Khi tôi đặt câu hỏi, làm thế nào để nhận biết được gỗ sưa giữa một đống những cột kèo đã lên nước, chuyển màu vì thời gian, Q. cười, trả lời đầy lảng tránh: "Thì cũng như chú thôi. Nghề của chú là viết báo, chú có thể sắp đặt câu từ thành các bài báo. Còn tụi tôi, mấy chục năm chuyên "săn lùng" sưa, chỉ cần ngó qua đã có thể biết, khúc gỗ sưa ấy nặng bao nhiêu, tỷ lệ còn sử dụng được bao nhiêu, mua về thì làm được cái gì... , từ đó mới đưa ra mức giá để chủ nhà đồng ý bán mà vẫn có lãi".
 
Kinh nghiệm của Q., những vùng anh hay đến là nơi còn nhiều nhà ngói, thậm chí là nhà tranh vách đất, những vùng quê thuần nông lam lũ nghèo khó. Các vùng như vậy, ngày trước các cụ hay trồng xoan, trồng mít lấy nguyên liệu làm nhà. Lẫn vào trong số đó có cả các cây thối - loại cây dân gian hay gọi về cây sưa.
 
Những vùng quê nghèo khó, lam lũ lại là nơi được các trùm gỗ sưa săn lùng nhiều nhất
Những vùng quê nghèo khó, lam lũ lại là nơi được các trùm gỗ sưa săn lùng nhiều nhất
 
Đẵn xoan, mít để làm cột, kèo không đủ, các cụ phải chặt hạ cả những cây thối để làm cho đủ. Những nhà nào càng thiếu nhiều, thì số vi, kèo, khung cột... bằng sưa càng nhiều.
 
Đó cũng là trường hợp gia đình ông nông dân Nguyễn Thanh Ba (Phú Thọ). Một lần vô tình lang thang đến đúng vùng ấy, gõ cửa ngôi nhà ngói năm gian có tuổi đời chừng 40 năm, Q. phát hiện gần một nửa bộ khung cột của ngôi nhà là gỗ sưa.
 
Vào tỉ tê, nói chuyện với gia chủ, ông chủ nhà thực thà, kể: "Thời ông cụ nhà tôi làm nhà, dù đã đốn hạ hết những cây xoan, cây mít... quanh nhà để làm khung cột, rốt cuộc vẫn thiếu. Trong xóm có hai cây thối mọc ở ngã ba, ông cụ xin mua lại của xóm, thế là bà con đồng ý.
 
Cái cây ấy, khi đó chúng tôi còn bé, vẫn hay lấy quả đem về mang vào lớp học, đốt khói um lên, nó tỏa ra một mùi hôi rất khó chịu. Chỉ chờ có thế, cả lớp nháo nhác chạy ra ngoài, vậy là được nghỉ" - Q. thuật lại câu chuyện của ông chủ nhà.
 
"Chủ nhà cho biết, hai cây sưa ấy, ông cụ chỉ mất 5 thúng thóc cho đội sản xuất để đẵn hạ mang về dựng đủ cái nhà".
 
Vụ trúng mánh ấy, Q. "hốt" được cả tạ gỗ sưa chỉ với vài trăm triệu đồng, nhưng thu về bạc tỷ.
 
"Giờ, thỉnh thoảng đi qua vùng ấy, tôi thấy gia đình đó đã xây lại một ngôi nhà mái bằng khá khang trang sau khi có vụ "đổi" nửa bộ cột kèo cũ. Mình cũng thuyết phục họ là có nhớ vị trí của hai gốc sưa ngày trước không. Nếu nhớ chính xác, tôi sẵn sàng bỏ tiền tỷ thuê người xúc đất để đào lên bằng được. Cả núi tiền chôn dưới đất mà không ai biết".
 

Nguồn: vef.vn

Các tin khác