Kinh tế xã hội
Hạ lãi suất tiền gửi:
Có nên gửi tiền ngân hàng?
15:45, 22/06/2014 (GMT+7)
Có nên gửi tiền ngân hàng nữa không? Câu trả lời được thống nhất như sau: Gửi tiền ngân hàng bây giờ là cầm chắc lỗ, nhưng... vẫn nên gửi ngân hàng!
Cần phải trung thực để đánh giá nền kinh tế chúng ta đang ở trong một giai đoạn không ổn định. Chính vì vậy, để “chôn” số vốn ít ỏi của mỗi gia đình vào ngân hàng với thời gian dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong khi đó, nếu gửi với kỳ hạn dài, nếu muốn rút tiền ra sớm khi có công việc cần, người gửi tiền chỉ còn được hưởng theo mức lãi suất không kỳ hạn, 1%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Còn gửi tiền ở các ngân hàng nhỏ, với những biến động lớn trong hệ thống ngân hàng, mặc dù khả năng thanh khoản của các ngân hàng đều đang rất tốt, tuy nhiên, như chính NHNN đã công bố, các ngân hàng thương mại nếu làm ăn thua lỗ vẫn có thể bị tuyên phá sản. Và nếu rơi vào hoàn cảnh ấy, không phải tính lỗ lãi mà mấy đồng tiết kiệm cũng bay mất.
Với tất cả những tính toán đó, các chuyên gia đều thống nhất, gửi tiền ngân hàng vào thời điểm này, cầm chắc lỗ, cầm chắc giá trị đồng tiền tiết kiệm sẽ mỗi ngày một teo đi...
Nhưng tại sao lại giảm lãi suất tiền gửi nhiều vậy?
Trong phiên họp báo cáo trước Chính phủ vào tháng 5-2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã phải thừa nhận một sự thật không mấy dễ chịu với nhà điều hành chính sách tiền tệ: “5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành dao động từ 1,1% - 1,3%, cầu rất yếu, dù mặt bằng lãi suất cho vay tùy kỳ hạn giảm 0,5%/năm-1%/năm”. Trong khi đó, tính đến ngày 224, huy động vốn của toàn hệ thống tăng 3,09% so với đầu năm, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 4,26%. Cập nhật tình hình thị trường từ ngày 9-6 đến 13-6 cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục được đảm bảo, giao dịch vốn trên liên ngân hàng khá trầm lắng, cầu nhận nguồn hạn chế trong khi cung dồi dào. Và mặc dù, Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 11/CSTT-TTg với rất nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng do nhu cầu vốn của doanh nghiệp quá thấp, thêm vào đó, ngân hàng lo nợ xấu nên dâng hàng rào kỹ thuật hạn chế tiếp cận vốn. Do đó, mức tăng trưởng tín dụng qua 6 tháng đầu năm dự kiến chỉ có thể ở mức 2,1%.
Trong kinh doanh tiền tệ, trong thời điểm tiền đầy kho mà không cho vay được, các ngân hàng thực sự đang trong những ngày bĩ cực. Một mặt, kiếm được đồng nào, họ phải trích lập dự phòng rủi ro cao để xử lý nợ xấu. Đối với những ngân hàng đã bán nợ xấu cho VAMC (Công ty quản lý tài sản), họ phải trích lập mỗi năm 20% so với tổng giá trị khoản nợ đã bán, chưa kể phần trích lập dự phòng như thông lệ.
Một mặt chạy đôn chạy đáo tìm chỗ tin cậy cần vay tiền. Các chương trình tín dụng do Chính phủ và các tổ chức như “ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp”, “cho vay theo chuỗi” và gần đây là “đánh bắt xa bờ”… mới đề xuất, các ngân hàng đã vội vàng tiếp cận, sẵn sàng cho vay ngay, thậm chí chưa cần các chính sách ưu đãi từ Chính phủ, các ngân hàng đã sẵn sàng ưu đãi rồi. Ngày 11-6 vừa qua, 8 ngân hàng thương mại gồm BIDV, SHB, LienVietPostbank, VNCB, Agribank, VietinBank, Vietcombank, MHB tung ra 4 chuỗi liên kết trong lĩnh vực xây dựng và giao thông với tổng mức đầu tư 7.778 tỷ đồng; trong đó, các ngân hàng cam kết hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp trong chuỗi với tổng số tiền 6.149 tỷ đồng. Cũng do dư thừa vốn, có ngân hàng như LienVietPostbank gần như cho không lãi suất trong thời gian đầu giải ngân. Những ai là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ được vay tiêu dùng, mua nhà, sửa nhà, mua ôtô. Họ được quyền lựa chọn hình thức trả gốc, lãi. Lãi suất trong 2 tháng đầu tiên là 0%/năm, những tháng tiếp theo 6,5%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 9%/năm trong 1 năm đầu…
Vậy là tiền, trong thị trường vốn, đang ở tình trạng ế. Chuyện như đùa mà là thật, với một nền kinh tế đang phát triển mà tiền, vốn đang ế ẩm. Vì vậy, giảm lãi suất tiền gửi là đương nhiên. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia tài chính, lãi suất tiền gửi sẽ còn giảm nữa, tới mức 3%/năm với kỳ hạn 1 tháng và trên 4%/năm với kỳ hạn 12 tháng.
Nhưng gửi ngân hàng vẫn là tốt nhất
Trong khi thị trường bất động sản chưa thể khởi sắc, vàng diễn biến khó lường, việc tích trữ ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay được đánh giá là chưa thực sự có lợi. Hiện nay, việc gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh an toàn và hiệu quả nhất. Trong bối cảnh của Việt Nam, về nguyên lý việc hạ lãi suất sẽ tạo nên cơ hội, động lực cho các lĩnh vực đầu tư khác nhưng các chuyên gia tài chính vẫn cảnh báo rằng, các nhà đầu tư mới mẻ, còn nhiều náo nức nên tham khảo thêm kinh nghiệm của những nhà đầu tư đã mất hết trong lĩnh vực này để có những quyết định phù hợp. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản với rất nhiều quyến rũ lợi nhuận cao là chiếc bẫy lớn nhất của các nhà đầu tư nhỏ, khi bây giờ, ngay những người có nhu cầu nhà ở còn chưa muốn mua nhà, mặc dù kho hàng tồn vẫn còn hàng trăm nghìn căn hộ và các con gà mái già vì sự sống còn của mình vẫn phải đẻ sòn sòn hàng chục nghìn căn hộ mỗi năm.
Thôi, lỗ ít còn hơn mất luôn. Vì vậy, lãi suất tiền gửi có hạ, gửi ngân hàng vẫn là kênh an toàn nhất.
Nguồn: anninhthudo.vn