Kinh tế xã hội

Du lịch Nghệ An: Tiềm năng & thách thức

15:47, 19/06/2014 (GMT+7)

Kỳ 2: Cần sự đổi mới khác biệt

 
(Congannghean.vn)-Nghệ An có một kho tàng khổng lồ về danh lam thắng cảnh, di sản văn hoá lịch sử phong phú, lễ hội văn hoá truyền thống đặc sắc... Thế nhưng, tốc độ phát triển du lịch còn chậm, chưa đạt hiệu quả khai thác cao nhất. Có thể nói, các điểm du lịch phần lớn mới chỉ là điểm dừng, chưa phải điểm đến của khách du lịch. Vậy chiến lược nào cho du lịch Nghệ An phát triển?
 
*Kỳ 3: Giải pháp nào cho du lịch Nghệ An phát triển bền vững?
 
Nhằm đưa ngành du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghệ An đã và đang chú trọng đầu tư cho du lịch phát triển hiệu quả. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011 - 2020, có tầm nhìn tới năm 2030. Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chương trình định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015, đồng thời triển khai xây dựng Đề án thu hút đầu tư các dự án lĩnh vực du lịch, nhằm tạo ra bước chuyển biến mới về sản phẩm du lịch, để Nghệ An trở thành trung tâm du lịch mạnh của vùng Bắc Trung bộ, là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước.
 
Từ năm 2011, ngành du lịch Nghệ An đã chuyển hướng sang phát triển đầu tư chiều sâu. Tập trung tôn tạo, gìn giữ quần thể Khu di tích Kim Liên, trong đó chú trọng Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ, cùng hệ thống các di tích trên địa bàn huyện Nam Đàn; Khu di tích lịch sử Truông Bồn, khu vực rừng nguyên sinh Pù Mát, Pù Hoạt, Pù Huống và Làng Vạc Thái Hòa, Hang Bua tại Quỳ Châu.. Theo đó, gắn với đổi mới công tác đón tiếp phục vụ, chỉnh trang hệ thống dịch vụ bán hàng lưu niệm, ăn uống, từng bước đưa một số mô hình điểm tham quan trình diễn mang tính cộng đồng gồm dân ca ví, giặm, hát đò đưa.
 
Biển Cửa Lò, một điểm đến hấp dẫn du khách
Biển Cửa Lò, một điểm đến hấp dẫn du khách
 
Theo đó, tiếp tục thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, các sản phẩm du lịch cao cấp, nhất là khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí tổng hợp ven biển nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và tiêu chí đô thị du lịch biển. Tại thị xã Cửa Lò, tập trung khai thác vào các hoạt động du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, du lịch làng nghề và du lịch hội nghị. Tăng cường liên kết với các địa bàn du lịch trọng điểm trong tỉnh và các địa bàn du lịch ngoại tỉnh, các địa bàn trọng điểm tại các nước bạn trong khu vực và các quốc gia khác. Nhìn ra các tỉnh bạn như Nha Trang, Vũng Tàu, rất đông khách du lịch nước ngoài đến nghỉ đông. Vậy thị xã Cửa Lò cũng có thể phát huy thế mạnh của vùng biển Cửa Lò, đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng phục vụ phù hợp với mùa đông.
 
Đối với TP Vinh, chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch với vai trò là khu trung tâm điều phối khách, trong đó trước mắt tập trung khai thác phát huy giá trị các công trình văn hoá, di tích lịch sử hiện có, đồng thời từng bước thu hút đầu tư phát triển các khu công viên vui chơi giải trí, dịch vụ mua sắm, ẩm thực chất lượng cao. Và đẩy mạnh thế mạnh đường hàng không, cần tổ chức kết nối tuyến du lịch với các thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, nước bạn Lào, Thái Lan… Để Vinh trở thành đô thị theo tiêu chí “môi trường xanh - sạch - đẹp, du lịch an toàn, thân thiện và văn minh”. Bên cạnh đó, ngành du lịch Nghệ An nhanh chóng kết nối hình thành lộ trình các tour, tuyến du lịch với các bãi tắm tốt như Cửa Lò, Diễn Châu và Quỳnh Lưu theo tuyến quốc lộ 1A. Mở các tour du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm theo quốc lộ 46, 48 lên vùng du lịch cộng đồng tới các đồng bào các dân tộc Thổ, H’Mông, Thái và dân tộc Mường… phía tây tỉnh và tại các vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát, Pù hoạt, Pù Huống...
 
Nhìn lại quá trình phát triển, có thể nói, nguồn nhân lực của ngành du lịch chưa mang tính chuyên nghiệp. Cần có các giải pháp bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ du lịch, dịch vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên từ khâu quản lý, điều hành, lữ hành; đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ giao tiếp ngoại ngữ. Về công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, mạnh dạn hơn nữa công tác tuyên truyền quảng bá trên internet và các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế. Qua đó, đưa hình ảnh đời sống văn hóa, Khu di tích Kim Liên và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử mang đậm hương sắc xứ nghệ đến du khách nghỉ dưỡng cũng như du lịch khám phá sông nước và núi cao, rừng thẳm tại các vùng rẻo cao, đặc biệt rừng nguyên sinh quốc gia trên địa bàn. Quảng bá với du khách liên tục và cập nhật thường xuyên, cần thiết sẽ chi tiền đúng mức để quảng bá du lịch trên phạm vi toàn cầu. Cùng với những chiến lược về phát triển kinh tế du lịch truyền thống và hiện đại, cần sự năng động trong xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch. Chú trọng trùng tu, gìn giữ, bảo vệ các công trình và các di sản lịch sử văn hóa đang bị xuống cấp, bị xâm hại. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật tình trạng các cá nhân và tổ chức vi phạm Luật Di sản.
 
Với sự quan tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tin rằng, Nghệ An sẽ đánh thức tiềm năng du lịch với diện mạo mới, trở thành mũi trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa du lịch Nghệ An sánh vai cùng các tỉnh bạn, góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp và văn minh.
 

Lê Hoa

Các tin khác