(Congannghean.vn)-Những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã có mưa trên diện rộng. Mặc dù lượng mưa không nhiều nhưng đã phần nào làm mềm những chân ruộng đang thiếu nước và giúp cho nhiều diện tích cây trồng hồi xanh trở lại. Tuy nhiên, những diện tích bị hạn không có khả năng khắc phục vẫn còn nhiều. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, hiện nay ở các địa phương trồng cây chè trên địa bàn tỉnh đang xảy ra tình trạng cây chè và búp chè bị chết cháy bởi nắng nóng, cá biệt có những diện tích gần như mất trắng. Thống kê cho thấy, đã có 120 ha chè bị chết hẳn, chủ yếu là chè mới được trồng cuối năm 2013, ngoài ra còn có hàng nghìn ha chè bị cháy búp và tán lá.
Như mọi năm, đến giờ này, chè đã cho lứa búp thứ 4. Nhưng năm nay, từ đầu vụ đến giờ, bà con mới thu hái được một lứa, có hộ chưa được lần nào. Trời liên tục nắng nóng kéo dài từ giữa tháng 3 đến nay với nền nhiệt ở mức trên dưới 38 - 400C khiến cho búp chè chưa kịp phát triển đã bị cháy.
Những đồi chè chết cháy gây thiệt hại lớn cho người dân |
Tại xã Thanh An, huyện Thanh Chương, chúng tôi tận mắt chứng kiến thiệt hại do hạn hán gây ra. Được trồng từ nhiều năm nay, nhưng do nắng hạn gay gắt nên đã có đến 70% ha (toàn xã có 450 ha chè) búp chè bị chết cháy vì nắng nóng. Cây chè bị cháy xảy ra ở nhiều nơi của huyện Thanh Chương nhưng diện tích chè bị thiệt hại nhiều nhất là khu vực các xã Thanh An, Hạnh Lâm, Phong Thịnh, Thanh Hương, Thanh Thịnh…
Mặc dù người dân đã tìm mọi cách ứng phó nhưng không thể cứu được chè. Các đồi chè đều xa nguồn nước nên việc vận chuyển nước lên tưới là không thể. Bà con bất lực nhìn chè bị cháy và chấp nhận thất thu. Trong khi đó, huyện Thanh Chương được coi là vựa chè của tỉnh, tổng diện tích hơn 3.500 ha chè. Đây là loại cây trồng rất có hiệu quả ở các xã vùng đồi của huyện nhưng đến thời điểm này người dân dở khóc, dở cười vì chè chết cháy.
Người trồng chè đang đối mặt với một mùa chè thất thu, nhà máy, xí nghiệp chè cũng rất lo lắng về vấn đề nguyên liệu cho sản xuất. Các xí nghiệp chè đứng trên địa bàn huyện Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu. Tình trạng này rất nguy hại cho sản xuất, kinh doanh chè.
Bình quân hàng năm các xí nghiệp chè ở đây mỗi tháng phải thu mua khoảng 600 tấn mới đủ nguyên liệu vận hành, nhưng từ đầu năm đến nay, hầu hết các xí nghiệp chè luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Hậu quả này kéo theo người trồng chè thất thu và công nhân làm trong xí nghiệp không có việc làm. Để hạn chế những thiệt hại tương tự trong thời gian tới, đã đến lúc cần đầu tư xây dựng các hệ thống tưới tiêu cho các vùng trồng chè, không thể phó mặc sản xuất dựa vào thiên nhiên.