Gần đây, một số loài cá được người dân tin là thần linh vẫn bị đưa lên bàn nhậu như thường. Thậm chí, nhiều nhà hàng còn đắt khách hơn nhờ món nhậu lạ đời này.
Cá thần bị dân nhậu Hà Nội "xẻ thịt"
Những con cá ở suối Ngọc (thuộc xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) được người dân gọi là cá thần. Từ những câu chuyện được truyền miệng, cộng với truyền thuyết về "thần cá" khiến người Mường tin cá ở đây chính là thần linh, ai dám bắt và ăn thịt các loại cá trên dòng suối này chẳng những gây tai họa cho mình mà còn cho cả cộng đồng.
Thậm chí, khi cá chết đi, người dân địa phương còn vớt lên, đem vào đền lễ, xin phép thần Rắn rồi chôn ở cái gò gần suối, rồi đánh dấu mộ đàng hoàng.
Người dân địa phương tin rằng những con cá ở dòng suối này chính là thần linh. Ở suối cá thần có hàng nghìn hàng vạn con cá |
Tuy nhiên, gần đây, những con cá thuộc giống "cá thần" ở suối cá Cẩm Lương đã bị làm thịt, để phục vụ thực khách Hà Nội.
Tại bể cá của một nhà hàng ở Văn Quán, Hà Đông (HN) có rất nhiều con cá có hình thức giống hệt cá tại suối "cá thần" Cẩm Lương. Chủ quán cho biết, đây là cá Bỗng được đưa về từ vùng Tây Bắc. Loài cá này cũng chính là loài cá ở suối "cá thần" Cẩm Lương.
Theo lý giải của chủ quán, đây là loài cá sống ở nguồn nước trong sạch, chậm lớn, thức ăn chủ yếu của chúng là rong rêu, lá cây nên thịt dai, thơm, ngọt, và đặc biệt không có vị tanh như những loại cá khác. Vì thế, chúng rất được thực khách ưa chuộng.
Một chú cá Bỗng được vớt lên |
Vị chủ quán này tâm sự, khi quyết định đưa cá Bỗng - "cá thần" - về quán để kinh doanh, anh cũng rất lo tới yếu tố tâm linh, thậm chí, người nhà anh còn cho rằng anh... bị hâm. Người nhà một số nhân viên trong quán lo lắng, bắt con em mình nghỉ việc. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, lượng cá đưa về đã được tiêu thụ hết. Có lúc cung không đủ cầu, khách muốn thưởng thức thịt "cá thần" đều phải liên hệ trước.
Cá thần thành đặc sản trên bàn nhậu |
Theo Tiến sỹ Nguyễn Kiêm Sơn - Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật - cá sống ở suối "cá thần" Thanh Hóa là cá Bỗng miền núi, hoàn toàn có thể ăn được và không gây độc.
"Cá thần" trăm tuổi ở Hà Giang nuôi để làm thịt
Trong khi đó, ở Hà Giang cũng có một loài cá giống như "cá thần" ở Thanh Hóa, nhưng được người dân nuôi làm thức ăn và cúng lễ. Người dân địa phương cho biết, loài cá có tên là Bỗng, được cha ông nuôi từ rất lâu đời, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, có nguồn gốc từ sông Lô, sông Gâm và sông Miện... Người ta đồn rằng có những con cá đã gần 100 năm tuổi.
Ao cá được đồn là có cá trăm năm tuổi |
Cá Bỗng ở Hà Giang giống với "cá thần" ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa |
Cá Bỗng được nuôi tại xã Phương Độ (TP. Hà Giang). Hầu như nhà nào ở đây cũng có từ 1-2 ao thả nhiều loại cá, trong đó có loài cá Bỗng. Riêng nhà ông Nguyễn Văn Giằng, thôn Hạ Thành có những con cá có trọng lượng tới 12-15 kg và lên tới gần 100 tuổi.
Đây là loài vật được người dân rất coi trọng và nâng niu như một thứ của cải có giá trị nên không thể thiếu khi dâng lên trời đất, tổ tiên để tỏ lòng kính trọng. Vào ngày 5/5 và ngày 12/11 âm lịch hàng năm, người dân Phương Độ thường làm thịt cá Bỗng để cúng tạ trời đất và tổ tiên vì một vụ mùa bội thu, cuộc sống sung túc.
"Cá thần" ở sông Đà có giá bạc triệu
Ngay tại lòng sông Đà ở khu vực thị trấn Mai Châu (Hoà Bình), nhiều người đang nuôi loại cá giống y hệt "cá thần" được người dân sùng bái tại Thanh Hoá. Tuy nhiên, loài cái này ở Hoà Bình có tên Dầm Xanh.
Người dân Mai Châu nuôi "cá thần" trên lòng sông Đà |
Ông Bùi Văn Kế (62 tuổi), một trong những người dân nuôi "cá thần" nhiều nhất ở Mai Châu cho biết, ở đây người dân chỉ nghĩ là loài cá bình thường của tự nhiên. Bà con coi đây là đặc sản và nuôi trồng để bán cho các thương lái.
Theo ông Kế, để nuôi được giống cá Dầm Xanh này rất kỳ công. Người dân phải lập những bè lớn ở lòng sông sau đó kết thành các lồng lớn bằng tre, nứa. Cá rất chậm lớn và dễ chết nếu không được chăm sóc đúng cách. Như hơn chục lồng nuôi cá của ông, phải mất gần 5 năm trời mới bắt đầu thu hoạch được một mẻ cá, mỗi con cá khoảng 2-3 kg.
Mỗi lồng cá này có giá hàng trăm triệu |
Mỗi lồng cá của ông Kế nếu có khách mua sẽ có giá tới hàng trăm triệu. Song, do nhiều người vẫn quan niệm rằng đây là "cá thần" ở vùng Thanh Hoá nên thi thoảng mới gặp được khách. Tuy nhiên, gần đây, khi Hà Nội rộ lên cơn sốt đưa "cá thần" lên bàn nhậu, nhiều nhà hàng bắt đầu học theo và cũng đi mua loài cá này để làm đặc sản. Khu nuôi cá Dầm Xanh của bà con ở Mai Châu nhờ đó cũng được nhiều người tìm đến.
"Thủy quái" sông Tiền - mồi ngon cho dân nhậu
Cá Hô được mệnh danh là "vua" của loài cá nước ngọt. Đây là loài cá khổng lồ, số lượng nhiều ở ĐBSCL. Loại cá này ăn rong rêu, tép cá nhưng bù lại chúng rất mạnh. Một cú quẫy đuôi có thể làm nước chảy xoắn lại ào ào, còn cá dữ lại gần thì bị đánh bật trôi ra. Vì thế, chúng còn được gọi là "thủy quái" sông Tiền.
Một khúc sông Tiền, nơi trước đây có rất nhiều cá Hô |
Những lão ngư dày dạn kinh nghiệm trong nghề săn cá Hô cho biết, cá có kích cỡ từ 150-300 kg, con nhỏ nhất cũng có trọng lượng hàng yến. Cá Hô là loại cá trắng, vảy bạc. Thịt cá Hô thơm ngon, ngọt, nấu canh chua rất ngon.
Cá có giá siêu đắt, thậm chí còn được xuất khẩu qua các tửu điếm sang trọng ở Hồng Kông, Ma Cao...
Cá Hô nuôi càng lớn, thịt càng ngon |
Trước đây, nghề săn cá hô làm chơi ăn thật, thỉnh thoảng săn được cá có số tiền lớn ai cũng xài xả láng. Ngày nay, cá Hô rất hiếm. Năm 2001, UBND tỉnh Đồng Tháp cấm săn bắt cá Hô vì đây là loài cá có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo vệ một cách nghiêm ngặt.
Hiện các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, đang có nhiều hầm/bè cá Hô thương phẩm. Cá nặng ít nhất 3kg/con. Nếu trong tự nhiên, thức ăn chính của cá Hô là rong rêu còn với các mô hình nuôi thương phẩm, cá đã được tập làm quen với thức ăn công nghiệp, dạng viên, từ nhỏ.
.