Ngày 12/5, ông Ngô Tấn, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam cho biết: Mặc dù Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Hải Dương-981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam và đã dùng tàu chiến, tàu kiểm ngư… gây hấn đối với tàu làm nhiệm vụ của Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam; tấn công, cướp bóc tàu cá của ngư dân Việt Nam; nhưng ngư dân cả nước nói chung và ngư dân các tỉnh miền Trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên - Huế… vẫn can trường vươn khơi bám biển sản xuất; góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Những ngày qua, lãnh đạo Đảng bộ, UBND tỉnh Quảng Nam, cùng các ngành chức năng đã có nhiều đoàn thăm hỏi, động viên các ngư dân yên tâm bám biển. Trên biển, ngư dân Việt Nam cũng không hoạt động đơn độc mà còn có sự hỗ trợ của lực lượng Kiểm ngư, Biên phòng, Cảnh sát biển, để có thể yên tâm đánh bắt hải sản tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngư dân Nguyễn Tấn Hải (50 tuổi, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) là lao động của tàu cá số hiệu ĐNa 91067 trở về từ vùng biển Hoàng Sa, thẳng thắn nói rằng: “Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào khu vực đặc quyền kinh tế biển Việt Nam là một hành động lấn chiếm. Từ bao đời nay, ngư dân tui vẫn khai thác nguồn thủy sản ở ngư trường truyền thống của mình. Tui và các ngư dân Việt Nam vô cùng phẫn nộ và kịch liệt lên án hành động phi pháp của Trung Quốc. Mọi người đều đoàn kết một lòng quyết tâm bám biển, giữ gìn biển đảo Tổ quốc; yêu cầu phía Trung Quốc đưa ngay giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam”.
Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh, thuyền viên tàu QNa 90159, từ khơi xa trở về đất liền vào sáng 11/5, bày tỏ: “Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Hải Dương-981 và huy động nhiều tàu chiến, tàu kiểm ngư… ngăn cản tàu ngư dân Việt Nam. Trên đường về, tàu tui phải né tránh bọn chúng, làm tổn hao thêm nhiên liệu và mất thêm thời gian. Tuy nhiên, ngư dân tui không sợ hãi, quyết tâm bám biển bảo về chủ quyền biển đảo của đất nước Việt Nam mình”…
Ngư dân Quảng Nam quyết tâm vươn khơi bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải Việt Nam |
Ông Hồ Thanh Hưởng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, cũng cho hay, xã Bình Minh có 132 tàu đánh bắt cá, trong đó 26 tàu đánh bắt xa bờ; với tổng số lao động trên biển khoảng 2.832 người. “Trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước là của tất cả người dân Việt Nam. Với tư cách là Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá, tôi kêu gọi toàn thể đoàn viên và bà con ngư dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn, hành vi vi phạm của Trung Quốc; sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo quê hương”. Bên cạnh đó, Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ cho ngư dân bám biển sản xuất. UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa ban hành công văn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân ứng dụng công nghệ mới trong đánh bắt thủy sản, bảo quản sản phẩm thủy sản.
Ngoài ra, ngư dân còn được hỗ trợ vốn vay đóng tàu; hỗ trợ kinh phí mua sắm, lắp đặt máy móc và thiết bị trên tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt xa bờ. Đồng thời tổ chức tốt công tác khuyến ngư, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới, hướng dẫn ngư dân sử dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến, nâng cao hiệu quả trong sản xuất...”.
Hiện nay, tại các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên… đã có hàng chục tàu, thuyền công suất lớn, cùng hàng trăm ngư dân đồng loạt ra khơi, đồng sức, đồng lòng bám biển sản xuất. Ông Võ Bê (48 tuổi, thuyền viên tàu QNa 91585, ở huyện Núi Thành) cho biết: Riêng các xã ven biển huyện Núi Thành có khoảng 20 tàu với công suất từ 90CV trở lên, với gần 150 lao động, vươn khơi. “Ngư dân tui ra khơi không chỉ để đánh cá, mà còn mang theo quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, ông Bê khẳng khái nói.
.