Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201405/chu-dong-tim-nguon-nguyen-lieu-moi-de-giam-dan-phu-thuoc-vao-thi-truong-trung-quoc-488329/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201405/chu-dong-tim-nguon-nguyen-lieu-moi-de-giam-dan-phu-thuoc-vao-thi-truong-trung-quoc-488329/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chủ động tìm nguồn nguyên liệu mới để giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 25/05/2014, 15:39 [GMT+7]

Chủ động tìm nguồn nguyên liệu mới để giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc không còn là câu chuyện mới, nhưng trong bối cảnh tình hình biển Đông đang dậy sóng thì lại có thêm những thách thức đặt ra với doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và DN trong nước đều cho rằng, bên cạnh những nguy cơ trong ngắn hạn thì đây cũng chính là cơ hội để DN Việt dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Trong đó, việc chủ động tìm kiếm các nguồn nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN đang là lựa chọn được nhiều DN trong nước ưu tiên.
 
Cơ hội lớn để Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc về nguyên liệu
 
Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện một số hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam bày tỏ lo ngại về việc tình hình căng thẳng trên biển Đông có thể khiến Trung Quốc giảm xuất khẩu nguyên liệu sang Việt Nam, khiến các DN này sẽ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn thay thế. “Lý do là các nước trên thế giới đã hình thành được chuỗi cung ứng toàn cầu, chỉ cần một khâu gián đoạn là cả nhà máy sẽ bị ảnh hưởng” - đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam lo lắng. Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước cũng chia sẻ với nỗi lo này khi mà lâu nay, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp máy móc, nguyên vật liệu sản xuất lớn nhất cho Việt Nam. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,32 tỷ USD, bao gồm chủ yếu là nông sản và các nguyên liệu thô. Trong khi đó, chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc 36,96 tỷ USD, chủ yếu là các nguyên vật liệu cho các thành phẩm như các linh kiện điện thoại di động, các phụ kiện cho dệt may và da giày, các trang thiết bị cho các nhà máy điện.
 
Sữa tươi Vinamilk được tiêu thụ mạnh tại thị trường Campuchia
Sữa tươi Vinamilk được tiêu thụ mạnh tại thị trường Campuchia
Đề cập sâu hơn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: DN Việt Nam cần tính toán trước các bước đi Trung Quốc có thể đi. Trong đó, cần tính đến cả khả năng Trung Quốc sẽ ngừng xuất khẩu và cũng ngừng nhập khẩu từ nước ta vì tình hình căng thẳng trên biển Đông. Do đó, để giảm tối đa những thiệt hại có thể xảy ra, DN trong nước cần tính đến các biện pháp dự phòng, trong đó có việc chủ động tìm các nguồn nguyên liệu mới để thay thế các nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc. Cũng theo phân tích của TS. Nguyễn Minh Phong, Việt Nam hiện đang trao đổi thương mại với hơn 200 quốc gia trên thế giới nên các sản phẩm chúng ta nhập của Trung Quốc không phải là không thay thế được. Đây chính là cơ hội lớn để DN Việt Nam tìm đến các thị trường mới có nguyên liệu thay thế nguyên liệu từ Trung Quốc như khu vực ASEAN hoặc một số quốc gia trong khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí là các nước trong liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh việc chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cung cấp thì DN trong nước cũng cần có các biện pháp thiết thực để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
 
Chủ động tìm đối tác nhập khẩu mới từ các quốc gia ASEAN
 
Bằng việc chủ động nắm bắt và dự báo tình hình, ngay từ giữa tháng 5/2014, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có công văn gửi các DN trong ngành chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong đó, các thị trường tiềm năng khác mà Việt Nam có thể hợp tác là nhập khẩu xơ từ thị trường Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia; nhập khẩu sợi từ thị trường Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ; nhập khẩu vải từ thị trường Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia… Theo ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty May Garmex Sài Gòn, Garmex hiện vẫn phải nhập khẩu 50% nguyên liệu từ Trung Quốc nhưng công ty đang khảo sát các thị trường nhập khẩu khác trong khu vực ASEAN như Malaysia để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu.
 
Nhiều DN ngành nhựa đã chủ động trong việc tìm nguyên liệu để thay thế nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc
Nhiều DN ngành nhựa đã chủ động trong việc tìm nguyên liệu để thay thế nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc
Tương tự, các DN trong ngành sản xuất nhựa cũng đã lên kế hoạch chủ động tìm nguồn nguyên liệu từ các thị trường mới thay thế khi mà có tới 80% nguyên liệu của ngành là nhập khẩu. Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Rạng Đông, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết: Do thuế nhập khẩu trong các nước ASEAN bằng 0 nên hiện các DN nhựa đã tăng nhập nguyên liệu của các nước trong khu vực, nhất là Singapore. “Cạnh tranh trong lĩnh vực nhựa và nguyên liệu nhựa khá gay gắt nên nguồn cung dồi dào. Các DN tùy theo chiến lược, nhu cầu của mình mà lựa chọn nhà cung cấp dựa trên tiêu chí chất lượng và giá cả. Hàng Trung Quốc có lợi thế lớn nhất là giá rẻ nhưng đó không còn là ưu tiên hàng đầu để DN lựa chọn. Hiện nguyên liệu nhựa Trung Quốc nhập về Việt Nam đang phải chịu thuế trung bình 5%, cao hơn các nước ASEAN nên đây chính là cơ hội để DN trong nước từ bỏ nguồn nhập khẩu này.
 
Bên cạnh đó, việc xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước ASEAN hiện đang rất thuận tiện. DN có thể xuất khẩu sang các nước ASEAN rồi từ các nước này xuất sang những thị trường khác. Trong đó, Hồng Kông đang được xem là một trong những điểm đến lý tưởng mà những DN Việt nên đặt văn phòng tại đó để tiện giao dịch, buôn bán”- ông Lam cho biết.
.

Nguồn: cand.com.vn