Sau cuộc họp hôm 22/4 vừa qua, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản thông báo tàu ngầm Trường Sa 1 sẽ không được thử nghiệm ở vùng biển của tỉnh. Tàu ngầm Trường Sa cũng không đủ điều kiện dự ngày "Khoa học và công nghệ Việt Nam" do chỉ là một sản phẩm thử nghiệm và chưa có bằng sáng chế.
Trong văn bản gửi ông Nguyễn Quốc Hòa, cha đẻ của tàu ngầm Trường Sa, VnExpess cho biết tỉnh Thái Bình không chấp nhận việc ông Hòa và cộng sự đề nghị cho thử nghiệm tàu tại khu vực biển ngoài phao số 0 cảng Diêm Điền, cách bờ khoảng 12 km vào ngày 29/4.
Theo UBND tỉnh, nguyên nhân là do công ty chưa tính toán và khảo sát hết các thông tin về điều kiện địa lý, thủy văn. "Các phương án triển khai kế hoạch thử nghiệm con tàu cũng chưa cụ thể, chi tiết, đặc biệt là biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng của thủy thủ và phương án cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra trong quá trình thử nghiệm và biện pháp thông tin liên lạc giữa tàu ngầm với tàu hộ tống", văn bản nêu rõ.
Mặt khác văn bản cũng ghi rõ là hiện tỉnh Thái Bình thiếu các phương tiện cứu hộ, cứu nạn nên không thể đảm bảo an toàn tính mạng khi có sự cố xảy ra. Do đó tỉnh thống nhất đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ và cho thử nghiệm tại bộ Tư lệnh Hải quân vùng 1.
Trên Thanh Niên Online, bà Cao Thị Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng cho biết, mẹ đẻ ông Nguyễn Quốc Hòa, cụ Nguyễn Thị Định, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, và ông Nguyễn Hạnh Phúc (em trai ông Hòa), hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thái Bình "làm sao đảm bảo an toàn tính mạng" cho ông Hòa.
Tàu ngầm Trường Sa đã thử nghiệm thành công ở hồ lớn
Về phía tác giả tàu ngầm Trường Sa, ông Nguyễn Quốc Hòa tỏ ra rất tiếc nuối và thất vọng khi đón nhận thông tin "sét đánh" lần này. Trả lời phóng viên VnReview qua điện thoại, ông Hòa nói ông cảm ơn UBND tỉnh Thái Bình đã lo lắng cho tính mạng của những người điều khiển tàu ngầm. Tuy nhiên, "Nếu được mời tham dự cuộc họp hôm 22/4. Tôi sẽ giải bày, phân tích kỹ lưỡng mục đích chế tạo, kỹ thuật động cơ và độ an toàn tuyệt đối của tàu ngầm, mọi người sẽ hiểu hơn về nó", ông Hòa nói.
Ông Hòa nhấn mạnh rằng việc điều khiển tàu chạy trên biển không gây nguy hiểm đến tính mạng cho những thủy thủ mà đây là sự việc đã nằm trong những tính toán kỹ lưỡng từ các thông số kỹ thuật của tàu, thông tin về vùng nước mà tàu sẽ hoạt động như độ sâu, áp lực nước, lượng đá ngầm, dòng hải lưu…
Tuy vậy, chủ nhân của tàu ngầm Trường Sa cũng không tỏ ra quá bi quan vì việc này đã nằm trong dự đoán từ trước: "Tôi cũng dự tính là tàu ngầm Trường Sa sẽ rất khó lấy được giấy phép ra biển. Cho dù lần này chưa lấy được giấy phép thì tôi cũng không vội bởi vẫn còn nhiều phương án khác nhau. Trước mắt tôi vẫn sẽ kiên nhẫn chờ đợi và cố gắng thuyết phục UBND tỉnh Thái Bình thay đổi quyết định. Tôi cũng tiếp tục làm thủ tục lên Bộ Quốc phòng xin hỗ trợ và cấp phép", ông Hòa chia sẻ.
Về thông tin một số tờ báo đăng tải nếu tàu ngầm không được cho phép thử nghiệm tại biển Thái Bình, ông Hòa sẽ mang tàu ra nước ngoài, doanh nhân này cười lớn và cho rằng đây là một sự nhầm lẫn rất lớn: "Việc mang con tàu dài gần 9m, cao 3m và nặng hơn 9 tấn ra nước ngoài không phải là điều đơn giản và có thể thực hiện được. Việc đem tàu thử nghiệm trên biển hiện còn chưa được cấp phép huống hồ là mang tàu ngầm ra nước ngoài".
Ông Nguyễn Quốc Hòa, chủ nhân của tàu ngầm Trường Sa
Không được mang ra chạy trên biển cũng đồng nghĩa với việc tàu ngầm Trường Sa chưa kết thúc giai đoạn thử nghiệm. Con tàu vẫn tiếp tục là một sản phẩm chưa hoàn thiện do chưa đủ các thủ tục để xin cấp bằng sáng chế. Đó là những lý do chính khiến công trình "để đời" của ông Nguyễn Quốc Hòa không thể tham dự ngày KH&CN Việt Nam diễn ra từ 14-19/5 tại Hà Nội.
"Ông Hòa chưa được cấp bằng sáng chế sáng tạo gì. Muốn đi ông phải có bằng sáng chế, hay tiêu chuẩn như thế nào, đủ đạt tiêu chuẩn thì mới mang đi triển lãm được", Ths Vũ Mạnh Hiền, giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Bình cho biết trên Dân Việt. Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Định, Cục trưởng cục thông tin khoa học công nghệ Quốc gia cũng cho rằng: "Tất cả các công trình khoa học, kết quả nghiên cứu tham gia triển lãm lần này phải có tiêu chí rõ ràng. Đây là sự tổng hợp của các đơn vị quản lý theo các ngành, lĩnh vực là kết quả tiêu biểu, là các hoạt động khoa học công nghệ có tác động lớn trong phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng".
Vậy tương lai của tàu Trường Sa sẽ đi về đâu? Ông Nguyễn Quốc Hòa khẳng định con tàu đã hoàn thiện, hoàn toàn đủ khả năng chinh phục những thử thách lớn. Tuy nhiên, trong con mắt các nhà chức trách và nhà quản lý khoa học, công trình này vẫn chưa được công nhận do chỉ là "một sản phẩm thử nghiệm".
Chủ nhân của con tàu sẽ tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi, tiếp tục phải mang những lá đơn, kế hoạch của mình đi hết từ bộ này đến ban nọ. Liệu ông có thể duy trì đam mê, tâm huyết, giữ vững lửa lòng của mình đến bao giờ?
Dư luận cho rằng việc lo ngại cho tính mạng của người điều khiển tàu ngầm Trường Sa 1 khi đưa ra thử nghiệm dưới biển là đúng đắn, nhất là khi chưa có phương án/ khả năng cứu hộ khả thi. Tuy nhiên, nếu như chính quyền địa phương cho vị doanh nhân "máu lửa" này cơ hội bảo vệ các phương án của mình, giải thích cặn kẽ thì quyết định của tỉnh sẽ thuyết phục hơn.
Hy vọng, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa - đã cùng các cộng sự đổ bao mồ hôi, công sức để chế tạo nên một chiếc tàu ngầm được cả các chuyên gia quân sự Việt Nam công nhận là một sự tiến bộ - sẽ kiên trì, chứng minh được sự an toàn của tàu ngầm này để nó sẽ không chỉ "bơi" trong bể chứa hay dưới hồ.