Ngày 7/4, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 142/TB-VPCP truyền đạt kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tái cơ cấu VNPT, theo hướng điều chuyển nguyên trạng Công ty Thông tin di động (VMS) về Bộ TTTT quản lý.
Luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã trở thành một thương hiệu quốc gia, xứng đáng là điển hình thành công của mô hình Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và niềm tự hào của ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Cổ phần hóa VNPT được đánh giá là bước đột phá mới, tạo tiền đề thúc đẩy thị trường viễn thông nước ta phát triển bền vững - Ảnh minh họa |
Lựa chọn phương án tối ưu
Cùng với các tập đoàn và doanh nghiệp (DN) đồng hành khác, VNPT đã góp phần xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, an toàn; có dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ sóng rộng khắp đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Từ lúc chiếc điện thoại bàn còn là ước mơ của mỗi gia đình Việt Nam, giờ đây điện thoại di động hầu như đã được phổ cập cho người dân trên cả nước. Cùng với đó, sự bùng phát của Internet và công nghệ thông tin đã mang lại không chỉ kho kiến thức vô tận, mà còn tạo nền móng cho sự phát triển tất cả các lĩnh vực và ngành nghề khác trong xã hội, đồng thời mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho đất nước.
Tính riêng năm 2013, chỉ riêng hai tập đoàn viễn thông là VNPT và Viettel đã đóng góp hơn 25.000 tỉ đồng, tương đương 14,8% tổng doanh thu mà các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đóng góp cho nền kinh tế (174.200 tỉ đồng).
Chính vì có vai trò quan trọng, lan tỏa đến mọi mặt của đời sống, kinh tế-xã hội, nên việc tái cơ cấu VNPT nếu chậm, làm lâu hoặc không phù hợp sẽ không chỉ gây ảnh hưởng đến hàng chục nghìn cán bộ công nhân viên, hàng chục triệu khách hàng của Tập đoàn, mà còn tác động xấu đến sự phát triển của thị trường viễn thông nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.
Bất kỳ động thái nào của Đề án tái cơ cấu VNPT đều nhận được sự quan tâm, cùng nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng từ mọi phía. Vì vậy, trong quá trình xây dựng Đề án, Bộ TTTT đã tập trung phân tích, đánh giá kỹ càng, khoa học các phương án, trên cơ sở phát huy cao độ trách nhiệm, trí tuệ của đội ngũ cán bộ trong các đơn vị thành viên và trong ban lãnh đạo của Bộ và VNPT, cùng sự đóng góp tâm huyết, sâu sắc của các cán bộ lão thành trong ngành và các chuyên gia.
Đồng thời, trong cả quá trình xây dựng Đề án, Bộ TTTT luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Chính phủ, trực tiếp là của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Từ đề nghị của Bộ TTTT, ý kiến của các cơ quan liên quan, Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã xem xét thận trọng, và thống nhất ý kiến về việc tái cơ cấu VNPT, là cơ sở để Bộ TTTT sớm kiện toàn, tiến tới triển khai Đề án trong thực tế.
Phương án được Chính phủ lựa chọn là điều chuyển nguyên trạng Công ty Thông tin di động (VMS) về Bộ TTTT quản lý, hay nói cách khác cổ phần hóa MobiFone, tách thương hiệu này ra khỏi VNPT, tiến tới thành lập Tổng Công ty viễn thông MobiFone.
Đây được đánh giá là bước đột phá mới, tạo tiền đề thúc đẩy thị trường viễn thông nước ta phát triển bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
Đây cũng là quyết định nhận được nhiều sự đồng thuận từ phía các chuyên gia, vì việc tách và cổ phần hóa (CPH) VMS khả năng dễ thành công hơn các phương án khác.
MobiFone là thương hiệu lớn, được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động và giá trị trên thị trường, nên khi cổ phần hóa sẽ gặp nhiều thuận lợi, dễ dàng thu hút được các nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng về tài chính và công nghệ, mang lại lợi ích cao hơn cho DN và Nhà nước.
Về kỹ thuật, VMS đã tự thiết lập một mạng lưới viễn thông hoàn chỉnh, đầy đủ từ mạng lõi, mạng chuyền dẫn, đến mạng truy nhập; về kinh doanh đã hình thành mạng lưới phân phối hàng hóa, dịch vụ hoạt động đến các tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc; về tài chính đã hạch toán đầy đủ và độc lập. Do đó, việc tách VMS ra khỏi VNPT rất thuận lợi, có thể thực hiện nhanh, không ảnh hưởng đến các đơn vị còn lại trong VNPT, đồng thời vẫn duy trì hoạt động bình thường và có thể trực tiếp cạnh tranh ngay với các doanh nghiệp khác.
Ngược lại, Công ty Vinaphone vốn là đơn vị hạch toán phụ thuộc, hiện chỉ quản lý khai thác một phần mạng lõi trong toàn bộ mạng lưới di động Vinaphone. Các tuyến truyền dẫn liên tỉnh của mạng Vinaphone đều thuộc quyền quản lý của Công ty Viễn thông liên tỉnh VTN; còn các tuyến truyền dẫn nội tỉnh, mạng truy nhập và toàn bộ hệ thống bán hàng, cung cấp dịch vụ đều do các VNPT tỉnh, thành phố quản lý, khai thác. Do đó, việc đưa Vinaphone ra khỏi Tập đoàn để thành lập một DN độc lập mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn do phải bóc tách và tổ chức lại mạng lưới kỹ thuật, kinh doanh.
Cũng vì thiếu kinh nghiệm hoạt động độc lập, nên Vinaphone nếu được tách ra sẽ không dễ dàng trong thời gian ngắn vươn lên để cạnh tranh ngang bằng với MobiFone hay Viettel.
Thời cơ bứt phá
Gần đây, tốc độ tăng trưởng của VNPT đang chậm lại, do hình thức quản trị kinh doanh của Tập đoàn đã lạc hậu, hạch toán phụ thuộc kéo dài quá lâu, luôn duy trì tình trạng trên bao cấp dưới, khiến các đơn vị thuộc Tập đoàn có tâm lý trông chờ, ỷ lại, nên mất dần sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong mảng kinh doanh mạng thông tin di động Vinaphone. Vì vậy, tái cơ cấu đang là nhu cầu cấp thiết để tổ chức lại, đổi mới cơ chế quản lý, nhằm tạo động lực để VNPT phát triển hiệu quả hơn, xứng đáng là Tập đoàn kinh tế nòng cốt trong lĩnh vực viễn thông.
Bộ trưởng TTTT, kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Bắc Son cho biết: Vì mất đi nguồn thu lớn từ MobiFone, nên việc VNPT gặp khó khăn trong một, hai năm đầu sau tái cơ cấu là không tránh khỏi. Nhưng đây cũng là cơ hội để VNPT tự đổi mới chính mình. Nhất là khi phải chịu sức ép cạnh tranh từ Viettel và MobiFone, sẽ là động lực và thời cơ để VNPT tổ chức thật tốt lại bộ máy hoạt động và mạng lưới kinh doanh. Đồng thời thực hiện việc thoái vốn khỏi các đơn vị hoạt động kém hiệu quả hoặc kinh doanh không đúng ngành nghề quy định, nhằm bảo đảm sự ổn định về tài chính của Tập đoàn trong tương lai.
VNPT, MobiFone và Viettel tạo thế chân vạc cho thị trường viễn thông Việt Nam |
Nhờ nguồn vốn được bù đắp từ cổ phần hóa MobiFone, VNPT có thể tập trung nguồn lực vào đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh chính, với trọng tâm là xây dựng Vinaphone trở thành một thương hiệu mạnh, lợi nhuận cao, có khả năng cạnh tranh với các thương hiệu viễn thông lớn khác trong nước và khu vực.
Các đơn vị còn lại thuộc VNPT sẽ được tổ chức lại theo hướng hình thành các DN hoạt động chuyên môn hóa, chuyên nghiệp về quản lý khai thác mạng lưới, kinh doanh dịch vụ và bán hàng, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tính tự chủ của các đơn vị thành viên.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, ngay sau khi có kết luận chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TTTT đã tổ chức phổ biến chủ trương cho tất cả cán bộ công nhân viên, nhằm nhanh chóng triển khai tổ chức thực hiện Đề án. Tin rằng, trong thời gian sắp tới, sẽ có những thay đổi mang lại hiệu quả rõ rệt, tiếp thêm động lực để VNPT tiếp tục phát triển vững mạnh, xứng đáng với vai trò nòng cốt trong ngành viễn thông nước ta.
Bộ TTTT cũng đã xây dựng kế hoạch ngay sau khi VNPT được tái cơ cấu, chuyển sang quỹ đạo hoạt động mới, ổn định, có hiệu quả và lợi nhuận tốt, sẽ tiếp tục cho cổ phần hóa Tập đoàn này nhằm thực hiện chủ trương thoái vốn khỏi những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ 100% cổ phần.
Về phía VMS, Chủ tịch HĐTV Công ty VMS Lê Ngọc Minh chia sẻ: MobiFone là một thương hiệu đã thành danh trên thị trường, bộ máy tổ chức có đội ngũ nhân sự trưởng thành, nhiều kinh nghiệm. Với quy mô hoạt động và mức doanh thu, lợi nhuận cao như hiện nay, nhu cầu được tự chủ, độc lập của MobiFone ngày càng bức thiết; nhằm chủ động hơn trong việc đầu tư phát triển.
Việc được tách khỏi VNPT và cổ phần hóa là cơ hội lớn cho MobiFone, tạo điều kiện để DN chủ động sáng tạo, nâng cao hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh, nhằm mở rộng quy mô phát triển trên thị trường. Hiện MobiFone chỉ chuyên về mảng thông tin di động, nhưng khi trở thành một DN độc lập, sẽ triển khai kinh doanh đa dạng hơn trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định: Thực tế, quá trình cổ phần hóa VMS đã được triển khai từ nhiều năm trước, hiện nay đang tiến hành những bước cuối cùng. Song song với việc chờ kết quả định giá cuối cùng từ Bộ Tài chính, VMS đang xúc tiến tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế hùng hậu, trình độ khoa học kỹ thuật cao, dày dạn kinh nghiệm quản lý, để quá trình cổ phần hóa được triển khai ngay trong năm 2014, theo đúng Quyết định số 528/QĐ-TTg, Thông báo 142/TB-VPCP, cũng như yêu cầu có tính tiên quyết về cổ phần hóa DNNN thể hiện trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ.
Việc này cũng thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong chủ trương đa dạng hóa thành phần sở hữu, huy động mọi nguồn lực từ xã hội để thị trường viễn thông phát triển lành mạnh hơn, đem lại nhiều lợi ích cho đất nước và người tiêu dùng. Đặc biệt, nguồn thu từ cổ phần hóa sẽ chỉ phục vụ đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, một phần sẽ được sử dụng bù đắp lại cho VNPT, một phần sẽ tái đầu tư cho MobiFone…
Chắc chắn trong thời gian tới, thị trường viễn thông nước ta sẽ có điều kiện phát triển tốt, với sự tham gia hoạt động của 3 Tập đoàn, Tổng Công ty lớn theo “thế chân vạc” là VNPT, MobiFone và Viettel trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trên cơ sở sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nguồn lực và tài nguyên viễn thông, đúng theo tinh thần của Thủ tướng đã chỉ đạo trong Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg về Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020.
.