Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201404/kinh-te-via-he-lam-dau-dau-cac-nha-quan-ly-472654/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201404/kinh-te-via-he-lam-dau-dau-cac-nha-quan-ly-472654/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
'Kinh tế vỉa hè' làm 'đau đầu' các nhà quản lý - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 12/04/2014, 08:29 [GMT+7]

'Kinh tế vỉa hè' làm 'đau đầu' các nhà quản lý

(Congannghean.vn)-Ở các thành phố, thị trấn, đường nội thị đều được xây dựng vỉa hè. Đây là công trình hạ tầng kỹ thuật, hành lang an toàn giao thông và dành riêng cho người đi bộ. Nhưng một thực tế là người dân thành phố hoặc các đối tượng từ các nơi khác đến đã chiếm dụng vỉa hè làm quán kinh doanh, bán hàng rong, thức ăn đường phố... Có thể nói rằng, tại TP Vinh, thời gian qua, việc quản lý và xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè, các cơ quan chức năng chưa thể làm dứt điểm.

Từ lấn chiếm đến chiếm dụng lâu dài

Nhìn từ góc độ xã hội, vỉa hè đường phố là không gian đệm cho con đường, thể hiện nét văn hóa, văn minh đô thị. So với các thành phố khác trong cả nước, vỉa hè ở TP Vinh được xây dựng khá rộng rãi và thoáng đẹp. Có những vỉa hè rộng như đường Lê Hồng Phong, Trần Phú, Phan Đình Phùng, Trường Thi, Nguyễn Văn Cừ, Quang Trung, Lê Lợi…

Vinh là đô thị loại I, có mặt bằng khá lý tưởng, dân số chưa lớn. Hệ thống đường đi trên thành phố hiện có xấp xỉ 100 tuyến đường, trong đó gần 90 tuyến đường chính được xây dựng vỉa hè khá hoàn chỉnh, khang trang với tổng diện tích vỉa hè trên 1.000.000 m2. Theo lãnh đạo UBND TP Vinh cho biết: Về quy định chung, vỉa hè là diện tích dành cho người đi bộ và rất quan trọng cho an toàn giao thông đường phố. Thế nhưng hiện nay, có thể nói hầu hết vỉa hè của các con đường đều diễn ra nhiều hoạt động khác nhau như: Bày bán đồ ăn uống, tập kết vật liệu xây dựng, bán hàng rong...

Các dịch vụ thì đa dạng, đa ngành, có ngành được phép nhưng cũng có ngành chưa cho phép, đặc biệt là các hoạt động kinh tế hộ gia đình. Theo số liệu chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, hiện nay có gần 7.000 hộ kinh doanh mặt đường. Theo đó, từ các mặt hàng kinh doanh khác nhau, đã giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Việc kinh doanh trên vỉa hè hầu như đều mang tính tự phát, trường hợp lấn chiếm vỉa hè chủ yếu rơi vào các hộ gia đình có nhà bám mặt đường và những cá nhân hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có công ăn việc làm hoặc không đủ khả năng lao động, không có chỗ buôn bán cố định, nên đã chọn các vỉa hè để mưu sinh. Do đó, từ lấn chiếm ban đầu, lâu dần họ đã chiếm dụng hẳn vỉa hè mà không hiểu rằng đó là hành vi sai trái.

Tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, kinh doanh đã trở thành căn bệnh cố hữu hiện nay ở các tỉnh, thành phố trong cả nước

Như vậy, nhìn về góc độ kinh tế thì các hoạt động kinh tế vỉa hè đường phố với một bộ phận người dân là rất quan trọng, vì họ xem đó là nguồn kiếm sống duy nhất của gia đình. Bởi vậy, trong quá trình quản lý, UBND TP Vinh cũng đã có quy hoạch, cơ chế để định hướng hình thành các phố kinh doanh, phố ẩm thực và đã có một số tuyến được gọi là quy hoạch phố kinh doanh. Ngoài ra, những hoạt động kinh tế dựa vào vỉa hè cũng đa dạng, bên cạnh những người bán hàng rong, dịch vụ, còn có cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký và nộp thuế?

“Kinh tế vỉa hè” làm “đau đầu” các nhà quản lý

Việc sử dụng vỉa hè ở TP Vinh lâu nay diễn ra tự phát và lộn xộn, gây mất mỹ quan cũng như trật tự đô thị và đặc biệt là diện tích dành cho người đi bộ đang bị thu hẹp lại, gây tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thời gian qua, UBND TP Vinh đã phân cấp cho chính quyền phường, xã quản lý vỉa hè. Tuy nhiên, việc quản lý gặp nhiều khó khăn, do tập quán và ý thức sử dụng vỉa hè của người dân còn hạn chế và một bộ phận người dân vì lợi nhuận không có ý thức văn minh đô thị.

Bởi vậy, họ sử dụng vỉa hè một cách tùy tiện. Cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần kiểm tra xử phạt hành chính, song xử phạt xong, mọi người lại tiếp tục tái lấn chiếm. Đặc biệt, với những người bán hàng rong, rất khó để xử lý bởi họ kinh doanh lưu động, nay bán hàng nơi này, ngày mai chạy đi nơi khác. Bên cạnh đó, do chế tài xử phạt, mức phạt kinh tế còn nhẹ và thấp, khiến các đối tượng dễ vi phạm và tái phạm.

Trước đây, chính quyền TP Vinh đã xây dựng cơ chế thí điểm cho thuê sử dụng vỉa hè, trên cơ sở đó các hộ kinh doanh phải nộp phí. Nhưng bất cập đã xảy ra, các hộ dân cho rằng đã nộp phí rồi thì vỉa hè là thuộc quyền sở hữu của mình, nên họ tự ý rào chắn vỉa hè hoặc cho người khác thuê. Do đó, thành phố đã chấm dứt việc cho thuê vỉa hè. Tuy vậy, mặc dù không cho thuê hợp pháp, dân vẫn tiếp tục chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh.

Thực tế cho thấy, do nhu cầu kinh doanh quá lớn nên có nhiều tuyến đường không thể cấm dân sử dụng vỉa hè. Một số tuyến như đường Trần Phú, Phan Đình Phùng tuy không chính thức cho sử dụng, nhưng do vỉa hè ở đây khá rộng rãi nên lâu nay người dân đã sử dụng khá ổn định một phần vỉa hè để kinh doanh, phần còn lại là không gian cho giao thông, mỹ quan đô thị.

Như vậy, quản lý vỉa hè đường phố có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng một thành phố xanh, sạch, đẹp. Để quản lý vỉa hè một cách hiệu quả, trước hết chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp phường, xã phải vào cuộc quyết liệt. Trước hết là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, ý thức tự giác cho người dân, bên cạnh đó, các lực lượng chức năng (Đội Quy tắc Đô thị phường) cần kiên quyết trong xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè.

Về lâu dài, lãnh đạo thành phố cần có đề án quy hoạch đô thị một cách đồng bộ, đặc biệt là tập trung quy hoạch lại các tuyến chợ để vận động những cá nhân buôn bán di động tham gia vào các khu vực tập trung này để chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cấp chính quyền địa phương. Hoặc quy hoạch các khu phố ẩm thực cũng là cách để tạo nét văn hóa vùng miền, níu chân du khách mỗi khi đến tham quan thành Vinh.

Ngoài ra, trong xu thế phát triển hiện nay, việc quy hoạch các bến xe, đặc biệt nơi trông giữ xe máy và ôtô du lịch đang ngày càng nhiều là việc làm rất cần thiết. Nếu không giải quyết hợp lý vấn đề này thì “vấn đề vỉa hè” cũng khó mà giải quyết được.

.

L.H