(Congannghean.vn)-Cuối năm 2013, UBND huyện Tân Kỳ (Nghệ An) liên kết với Công ty CP đầu tư VINTECHCO Đức Việt - Hà Nội trồng thử nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp theo công nghệ Hàn Quốc với các giống khoai lang Nhật Bản, ớt cay, hành tây. Đến thời điểm này, một số diện tích đã vào vụ thu hoạch nhưng có 5 ha giống ớt nhập nội phát sinh bệnh lạ. Điều đáng nói, Công ty CP đầu tư VINTECHCO Đức Việt - Hà Nội chỉ đến Chi cục BVTV Nghệ An cung cấp hồ sơ kiểm dịch sau khi đã gieo trồng giống ớt này.
Chưa xác định được loại bệnh trên 5 ha ớt nhập nội
Chúng tôi có mặt tại nông trại của Công ty CP đầu tư VINTECHCO Đức Việt - Hà Nội (tạm gọi là Công ty Đức Việt) đóng trên địa bàn xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ khi cánh đồng ớt cay đã bắt đầu bói quả. Ông Nguyễn Đức Thắng - người phụ trách nông trại khẳng định, đây là hai giống ớt nội bao gồm chỉ thiên 600 và ớt chỉ địa 403 do Công ty Giống cây trồng Trang Nông sản xuất. Ngày 9/4/2014, cán bộ kỹ thuật nông trại phát hiện một số diện tích bị chích hút, cây phát triển chậm, vàng lá, còi cọc, sau đó xuất hiện một loại nấm lạ.
Đến thời điểm này, diện tích bị nhiễm bệnh lạ là 5 ha. Công ty đã chủ động sử dụng hoạt chất Setomyxyl phun trừ, dùng phân bón lá và NPK để kích thích sinh trưởng nên cơ bản bệnh đã được khống chế, khoanh vùng. Tuy nhiên, 5 ha bị bệnh sinh trưởng kém, vàng vọt, năng suất dự kiến sẽ giảm đáng kể. Công ty Đức Việt đã nhờ sự giúp đỡ từ Phòng NN&PTNT, Trạm BVTV huyện Tân Kỳ và Công ty Giống cây trồng Trang Nông gửi mẫu đi xét nghiệm tại Hà Nội để tìm hiểu loại bệnh lạ này và cách phòng trừ hiệu quả nhưng đến cuối tháng 4/2014 vẫn chưa có kết luận.
Mập mờ giống nhập nội
Được biết, cuối năm 2013, Công ty Đức Việt được UBND huyện Tân Kỳ chấp thuận cho thuê đất tại các xã Nghĩa Dũng (50 ha), Nghĩa Bình (30 ha)... để trồng một số loại cây trồng theo công nghệ Hàn Quốc. Ngoài ra, công ty còn thuê một số đơn vị khác trồng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tổng diện tích Công ty Đức Việt thuê tự trồng và thuê trồng, bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện Tân Kỳ là gần 130 ha. Với diện tích đất được thuê tại xã Nghĩa Bình, Công ty Đức Việt đã đăng ký trồng giống ớt chỉ thiên TN 600 và ớt chỉ địa TN 138 (theo hồ sơ kiểm dịch thực vật tại Chi cục BVTV Nghệ An).
5 ha ớt cay của Công ty Đức Việt đang bị bệnh lạ xâm hại |
Ngoài ra, tại Nghĩa Bình, công ty còn trồng 4 ha cây Ngưu Bàng (lấy củ). Theo ông Nguyễn Đức Thắng, phụ trách nông trại thì sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện cây ngưu bàng không nằm trong danh mục đăng ký, Công ty Đức Việt đã phải xuống Chi cục BVTV Nghệ An để trình hồ sơ thủ tục về giống cây này. Một cán bộ Chi cục BVTV Nghệ An còn cho biết thêm, ngay cả khi gieo trồng giống ớt chỉ thiên TN 600 và ớt chỉ địa TN 138, công ty cũng không cấp hồ sơ thủ tục.
Đến khi Chi cục BVTV Nghệ An yêu cầu, công ty mới đem hồ sơ thủ tục liên quan đến để trình diện nhưng không đem theo bao bì, nhãn mác. Tại Chi cục BVTV và nông trại của Công ty Đức Việt, đến thời điểm này bao bì, nhãn mác các giống cây trồng trên hiện đều không được lưu lại. Không hiểu vì lý do gì, cả hai lần này, Chi cục BVTV Nghệ An đều “bỏ qua” và tiếp tục cho công ty gieo trồng.
Theo ông Thắng, đơn vị đứng ra thuê đất thử nghiệm mô hình trên là Công ty CPĐT HADICO Đức Việt, có trụ sở tại số nhà 202 Từ Liêm, Hà Nội và hai giống ớt được gieo trồng trên đồng đất Tân Kỳ là giống ớt chỉ thiên 600 và ớt chỉ địa 403. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán giống với Công ty TNHH VTNN Chu Hạnh (chuyên phân phối giống cho Công ty TNHH Trang Nông) của công ty này lại mang tên Công ty CPĐT VITECHCO Đức Việt. Trong đó, giống ớt chỉ thiên TN 600 được sản xuất tại Nhật Bản; giống ớt chỉ địa TN 138 có nguồn gốc Ấn Độ (?).
Một cán bộ Chi cục BVTV Nghệ An cho biết thêm, việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hiện nay đối với giống ớt, cà chua của Cục BVTV và các đơn vị thuộc Cục cũng chỉ ghi chung chung, không ghi cụ thể giống ớt cay hay cà chua nào. Cụ thể, với 2 giống được cho là đã đưa vào trồng trên đồng đất huyện Tân Kỳ chỉ được Chi cục KDTV vùng II ghi là: “Những vật thể thuộc diện KDTV (vật thể) sau đây: Hạt giống: Cà chua, ớt”.
Với cách chứng nhận này, thật khó để đảm bảo rằng, đơn vị sản xuất sẽ dùng đúng giống đã đăng ký? Chính cách chứng nhận KDTV trên đang tạo ra những kẽ hở và khi ngành nông nghiệp tại các địa phương không kiên quyết xử lý, doanh nghiệp sẽ lợi dụng và tạo ra những tiền lệ xấu.
Đối với giống nhập nội, khi đưa vào lãnh thổ Việt Nam để gieo trồng, theo quy định phải hoàn tất các thủ tục hải quan, thủ tục KDTV và phải sử dụng đúng giống đã đăng ký ban đầu. Đây là cách quản lý nhằm đảm bảo sẽ không mang đến hậu quả về sự xâm hại của các thực vật ngoại lai, các nguồn bệnh từ nước ngoài vào Việt Nam. Phải chăng, lâu nay, quy định này đang bị xem nhẹ?