Theo quy định tại Nghị định 32/2014/NĐ-CP, công trình đường cao tốc chỉ được đưa vào khai thác sử dụng khi bảo đảm yêu cầu thiết kế, bảo đảm chất lượng, đạt các tiêu chuẩn theo quy định và có phương án tổ chức giao thông được phê duyệt.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc. Nghị định này quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc, bao gồm: Tổ chức giao thông trên đường cao tốc, điều hành giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, bảo trì công trình đường cao tốc, xử lý sự cố, tai nạn xảy ra trên đường cao tốc, công tác cứu nạn, cứu hộ, trách nhiệm quản lý và bảo vệ công trình đường cao tốc.
Ảnh minh họa |
Đảm bảo an toàn giao thông
Theo quy định của Nghị định, đơn vị khai thác, bảo trì phải thực hiện tuần tra, kiểm tra và theo dõi tổ chức giao thông, tai nạn giao thông, tình trạng công trình đường cao tốc; phát hiện kịp thời hư hỏng hoặc các hành vi xâm phạm công trình đường cao tốc, các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường cao tốc, hành lang an toàn đường cao tốc; xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Đồng thời, để đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc, mọi hoạt động quản lý, bảo trì công trình đường cao tốc làm hạn chế điều kiện sử dụng bình thường của đường cao tốc phải được thông báo trên các phương tiện thông tin đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đơn vị khai thác, bảo trì phải bố trí đầy đủ nhân lực, thiết bị để cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn giao thông, bảo vệ phạm vi cảnh báo theo quy định hiện hành về an toàn giao thông.
Xử lý sự cố kịp thời
Nghị định cũng quy định, mọi tổ chức, cá nhân khi phát hiện tai nạn, sự cố phương tiện, sự cố công trình xảy ra trên đường cao tốc có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến hoặc cơ quan công an qua số điện thoại khẩn cấp trên đường cao tốc.
Khi xảy ra tai nạn, sự cố giao thông, đơn vị khai thác, bảo trì tuyến đường cao tốc phải điều động lực lượng đến ngay hiện trường giải quyết bước đầu, bảo vệ hiện trường, sơ cứu về người (nếu có), hướng dẫn điều tiết giao thông tạm thời; bố trí lực lượng tham gia giải quyết tai nạn, sự cố theo chỉ huy của lực lượng công an; tổ chức thực hiện các thủ tục đòi bồi thường thiệt hại tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc theo quy định.
Đội cứu nạn, cứu hộ phải có mặt ngay tại hiện trường chậm nhất 30 phút kể từ khi nhận được thông tin để thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời, Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến phải chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về tai nạn, sự cố trên sóng radio, biển báo thông tin điện tử, các điểm cung cấp thông tin; phối hợp với đơn vị khai thác, bảo trì điều tiết giao thông từ xa, áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông; điều chỉnh làn xe chạy hoặc hạn chế tốc độ chạy xe trên đường cao tốc cho phù hợp với điều kiện giao thông thực tế...
.