Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201404/dai-bieu-quoc-hoi-buc-xuc-viec-thuong-lai-nuoc-ngoai-mua-ban-dia-mong-trau-471513/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201404/dai-bieu-quoc-hoi-buc-xuc-viec-thuong-lai-nuoc-ngoai-mua-ban-dia-mong-trau-471513/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đại biểu Quốc hội bức xúc việc thương lái nước ngoài mua bán đỉa, móng trâu - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 09/04/2014, 10:12 [GMT+7]

Đại biểu Quốc hội bức xúc việc thương lái nước ngoài mua bán đỉa, móng trâu

“Xin hỏi Thứ trưởng, vì sao thương lái nước ngoài mua bán kỳ dị đỉa, móng trâu”? Đó là câu hỏi được Đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Thứ trưởng Bộ Công thương, rất tiếc trong giải trình sau đó đã không có đáp án như mong đợi...
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ đã có phiên giải trình trước Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về chủ đề “Khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” tổ chức sáng 8/4. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã gửi 4 câu hỏi chất vấn tới hai vị Bộ trưởng, trong đó có câu hỏi: Để phát triển ngành nông nghiệp chất lượng, có sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế, trong tái cơ cấu cây trồng cần có giải pháp nào, nhất là với cây lúa, ngô, đỗ tương?
 
Do câu hỏi gửi trước, hai vị Bộ trưởng có thời gian để nghiên cứu. Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Nguyễn Quân đều thừa nhận là đang tồn tại những bất cập này và hứa sẽ sớm khắc phục khiếm khuyết, hạn chế. Cụ thể, trong thời gian tới, hai Bộ sẽ phối hợp đầu tư vào những giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, thế mạnh của các vùng, trong đó ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ cho vùng núi, vùng sâu để nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, chúng ta phải điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức sản xuất, tập trung vào những cây, con là thế mạnh của Việt Nam, của từng vùng. Có phát huy những lợi thế đó chúng ta mới có cơ hộ để cạnh tranh trên trường quốc tế. Đó là bài học suốt hơn 20 năm qua chúng ta đã rút ra. Bên cạnh đó, để thực hiện chủ chương đó chúng ta tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách, khuyến khích nhân dân, doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, xây dựng thương hiệu.
 
Phiên giải trình do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì
Phiên giải trình do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì
 
Dự phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa “trợ giúp” cho ông Phát. Thứ trưởng Thoa nói, Bộ Công thương có chương trình quy hoạch các thương nhân cho thu mua nông sản, lúa gạo, tiêu thụ vật tư nông nghiệp và nông sản. Chương trình cũng đã được phê duyệt và được thí điểm tại 12 tỉnh, cho kết quả tốt. Có sự liên kết giữa các chủ thể. Các địa phương cũng tham gia tích cực vào chuỗi sản phẩm.
 
“Vì sao cứ để lặp lại đi lặp lại việc thương lái nước ngoài định hướng thị trường, mà định hướng một cách kỳ dị, mua chân, móng trâu, rễ quế, đỉa, lá khoai lang… tôi xin hỏi đồng chí Thứ trưởng là bao giờ chấm dứt”, đại biểu Nguyễn Thị An chất vấn nóng. Bà hỏi thẳng: “Tôi không hiểu cảm giác của đồng chí Thứ trưởng thế nào khi nhìn thấy một ông nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đứng trước mấy công ruộng bắp cải, bảo bán chỉ 500 đồng/kg mà đổ đi thì cũng rớt nước mắt”? Rất tiếc, trong giải trình sau đó, Thứ trưởng Thoa trả lời khá dài nhưng không trả lời rõ được trọng tâm câu hỏi vì sao nói trên.
 
Các đại biểu cũng đề nghị, hai Bộ trưởng làm rõ việc sử dụng ngân sách nhà nước cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Các đề tài này đóng góp cho GDP, bao nhiêu đề tài đạt chất lượng và được đưa vào ứng dụng thực tiễn, việc đầu tư nghiên cứu khoa học sẽ được tập trung như thế nào? Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trần tình, với cơ chế mới của Luật Khoa học công nghệ, trong thời gian tới, “chúng tôi hy vọng những sản phẩm nghiên cứu sẽ tập trung vào sản phẩm chủ lực của nền kinh tế và theo nhu cầu của nền kinh tế, theo đề xuất của các bộ, ngành địa phương, không đề xuất nếu không có đầu ra và không có địa chỉ ứng dụng, hay không phát huy hiệu quả”.
 
Tại phiên giải trình, ông Nguyễn Quân cũng làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm như việc ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường làng nghề; đầu tư công nghệ cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn đáp ứng yêu cầu hội nhập phát triển. Ông Quân cho hay sẽ ưu tiên đầu tư đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, nhất là vùng núi. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các trung tâm nghiên cứu chuyên ngành, cùng với đó là tăng cường kiểm soát chặt chẽ đối với tình trạng thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn chăn nuôi giả.
.

Nguồn: CAND