(Congannghean.vn)-Từ khi công trình Thuỷ điện Bản Vẽ đưa vào sử dụng, hai bên bờ sông Nậm Nơn thuộc huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) đã chìm trong biển nước. Tuy nhiên, khi dòng sông được ngăn làm thuỷ điện thì thiên nhiên lại ban tặng cho bà con ở thượng nguồn Nậm Nơn, xã Mỹ Lý, huyện biên giới Kỳ Sơn một vựa cá nhiều vô tận.
Từ bến Thượng Lưu của xã Yên Na (huyện Tương Dương), tôi theo chân anh Đặng Quang - Phó ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Nghệ An ngược vào lòng hồ Thuỷ điện Bản Vẽ trên con thuyền máy nhỏ tròng trành. Mất trọn cả ngày trời ròng rã mới tới được xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Nơi đây được xem là chốn thâm sơn cùng cốc. Bản làng Mỹ Lý nằm ở thượng nguồn sông Nậm Nơn, nơi bắt đầu của con sông này chảy vào đất Nghệ. Trước đây, muốn vào được Mỹ Lý, bà con phải đi đường bộ xuống thị trấn Hoà Bình, rồi từ đây tiếp tục bằng thuyền ngược theo dòng Nậm Nơn mất cả ngày trời cũng chưa chắc đã tới nơi và bà con muốn ra trung tâm huyện Kỳ Sơn cũng phải đi cung đường ngược lại. Cuộc sống của người dân Mỹ Lý từ xưa kia nổi tiếng khó khăn, chủ yếu là anh em các dân tộc Thái, Mông và Khơ Mú. Muốn có cái ăn, bà con phải vào rừng săn bắn, xuống sông mò cua, bắt ốc hoặc trồng lúa, ngô dọc các triền đồi, khe suối... Khoảng 3 năm trở lại đây, bản làng Mỹ Lý được khởi sắc, ấy là từ khi sông Nậm Nơn được ngăn dòng làm thuỷ điện. Chính con sông này đã ban tặng cho bà con Mỹ Lý vựa cá vô cùng quý giá.
Một lãnh đạo huyện Kỳ Sơn tâm sự, thượng nguồn Nậm Nơn giờ giống như bầu sữa vô tận đối với đồng bào Mỹ Lý. Vì chưa bao giờ tôm cá trên sông ở vùng núi này nhiều đến thế. Dọc theo dòng Nậm Nơn, chỉ cần vứt nắm cơm hoặc nhành lá cây là lập tức từng đàn cá to, nhỏ tung tăng chạy đến đua nhau đớp mồi dày đặc. Điều đặc biệt, ở vùng núi này có rất nhiều loài cá khác nhau, nhiều loài đã trở thành đặc sản như: Cá lăng, cá ngạnh, cá mát, chạch sú...
Cá lăng - đặc sản của miền Tây xứ Nghệ |
Hiện nay, rất nhiều bà con xã Mỹ Lý làm thêm nghề đánh cá. Vốn liếng không phải bỏ ra nhiều nhưng lại cho thu nhập cao. Đứng trên Đồn Biên phòng Mỹ Lý, một chiến sĩ chỉ tay xuống bến đò của bản Xiềng Tắm cho biết, sáng nào nơi đây cũng đông đúc bà con khắp các vùng lân cận như: Mường Lống, Bắc Lý, Huồi Tụ, Phà Đánh và một số “nậu” ở thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), Hoà Bình (Tương Dương)... vào thu mua cá đưa về xuôi bán kiếm lời.
Bây giờ ngược lên Mỹ Lý, bản làng ngày một thay da đổi thịt. Một cán bộ xã Mỹ Lý tiết lộ, trước đây nơi này được xem là cái rốn của các đường dây buôn lậu ma tuý từ nước bạn Lào về. Lợi dụng địa hình sông núi hiểm trở, các đường dây ma tuý tập trung đi qua đây để về Huồi Tụ, sau đó tập kết về đỉnh Pù Lôm (Tương Dương). Ngày nay, thay vì đi nương, đi rẫy, xách thuê ma tuý... bà con Mỹ Lý sống bằng nghề đánh cá trên sông. Anh Lô Văn Long, một người dân bản Xốp Tụ tâm sự, trước đây, gia đình anh lao động quần quật nhưng quanh năm vẫn thiếu đói. Nay nhờ nguồn nước Nậm Nơn ban tặng cho vựa cá nên gia đình anh đổi đời từ hai năm nay. Ban đầu chỉ mình anh đi đánh bắt cá, chủ yếu là thả câu và thả lưới để mong có thực phẩm phục vụ bữa ăn trong gia đình. Nhưng vì lượng cá đánh bắt được quá nhiều nên anh và vợ bỏ nương rẫy làm nghề đánh cá như một gia đình ngư dân chuyên nghiệp. Ngày bình thường, gia đình anh thu nhập từ 300.000 đến 500.000 đồng, bữa nào may mắn bắt được nhiều cá lăng thì được cả tiền triệu. Bình quân mỗi tháng gia đình anh có thu nhập trên chục triệu đồng. Một nguồn thu mà trước đây, khi chưa có thuỷ điện bà con bản làng có nằm mơ cũng không bao giờ có được.
Cách không xa trung tâm xã, bản Hoà Lý có tới 70% gia đình làm nghề đánh bắt cá. Người dân địa phương ví đây như một cái “rốn cá”. Hàng ngày, bà con liên tục đánh bắt được những con cá to, không ít lần họ bắt được cá lệch, cá lăng, cá trắm... nặng trên 10 kg. Cách đây chưa lâu, một người dân bản này còn bắt được con cá lăng nặng trên 30 kg, bán được hàng chục triệu đồng.
Ông Kha Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho hay, xưa kia, Mỹ Lý là xã nghèo, nay nhờ có dòng Nậm Nơn ban tặng cho đồng bào một vựa cá sinh sôi. Không những cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ cho bà con bản làng chúng tôi mà còn mang đi các địa phương khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chính quyền địa phương cũng liên tục tuyên truyền đến tận từng gia đình làm nghề đánh bắt cá tuyệt đối không được dùng mìn hoặc xung kích điện. Cho bà con đánh bắt nhưng phương châm vừa đánh bắt vừa phải bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản quý giá mà thiên nhiên ban tặng để chúng được sinh sôi nảy nở lâu bền.
.