Kinh tế xã hội

Tham quà khuyến mãi, người già dễ bị lừa

09:51, 30/03/2014 (GMT+7)
Tìm về ven đô hay khu vực nông thôn để tiếp thị trực tiếp tới người dân là cơ hội tốt để doanh nghiệp bán hàng, mở rộng thị trường và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, một số DN lợi dụng hình thức này để bán hàng kém chất lượng với giá “cắt cổ”.
 
Nhắm tới người già, bà nội trợ
 
Đầu tháng 3, cư dân phường Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) xôn xao cả lên khi công ty A.C - đơn vị chuyên sản xuất hàng gia dụng - đến tận nơi, trực tiếp vừa quảng bá bán hàng, vừa có chiêu khuyến mãi "độc".
 
Buổi đầu tiên, công ty mời người dân trong phường đến nghe quảng cáo về công năng sản phẩm, giá cả. Hàng chưa bán, người dân cũng không mất đồng nào, chỉ nghe thôi nhưng khi về mỗi người đã được tặng một chiếc chậu hợp kim có giá chào bán 50.000 đồng, hai cái bát inox giá 25.000 đồng/cái.
 
Đánh đúng tâm lý người dân thích được nhận quà, đặc biệt là những người già nhàn rỗi lâu nay chỉ ở nhà trông cháu. Kết quả, nhà nào cũng có người đi nghe, thậm chí có nhà 2-3 người đi, mỗi người hí hửng mang về một cái chậu, hai cái bát.
 
Ngày thứ hai, buổi bán hàng mới thực sự diễn ra. Một bộ nồi ủ đa năng có giá 3,2 triệu giảm tới hơn 50%, chỉ còn 1,65 triệu đồng, lại còn được tặng thêm một chảo gang 150.000 đồng. Thấy mức giá quá hời, nhiều người xúm vào mua. Thậm chí, ông Nguyễn Tùng trong túi chỉ còn vài trăm nghìn đồng, về nhà nằng nặc vay bà vợ thêm 1 triệu đồng cho đủ tiền, bất chấp lời can ngăn của con cái vì không rõ thực hư chất lượng sản phẩm như thế nào, và nhà ông đã có một cái nồi ủ của Nhật cũng thi thoảng mới dùng đến.
 
Đại diện công ty A.C đang giới thiệu về bộ nồi ủ đa năng
Đại diện công ty A.C đang giới thiệu về bộ nồi ủ đa năng
 
Thắc mắc về việc tại sao giá bán lại giảm nhiều như vậy, ông Tùng cho hay nhà sản xuất trả lời rằng để quảng cáo trên truyền hình, họ tốn tới vài chục triệu đồng/lần, nhất là vào những giờ vàng thì đắt kinh khủng. Thế nên, chi phí đó họ bỏ ra đi tiếp thị tận nơi, tính vào quà tặng cho khách hàng.
 
Bà Lê Thị Thanh Huyền ở Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, các doanh nghiệp về tiếp thị sản phẩm ở phường ngày càng nhiều. Trước một năm chỉ 3-4 lần, giờ một tháng phải đã có 2-3 doanh nghiệp về đây quảng cáo, chào hàng. Họ bán đủ loại sản phẩm, từ đồ dùng gia đình, điện gia dụng, thiết bị y tế đến thực phẩm chức năng.
 
Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị sống tốt, thậm chí còn "ăn nên làm ra" nhờ cách làm này. Ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc một công ty chuyên kinh doanh về máy lọc nước (Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay, máy lọc nước của công ty không dùng tới điện năng, rất hợp với bà con vùng quê, nhất là vùng lũ không có nước sạch. Tuy nhiên, mở đại lý bán hàng tại các tỉnh thì chi phí quá tốn kém, đặc biệt, nông dân phải mắt thấy tai nghe, phải được thử sản phẩm mới tin. Do đó, thay vì mở đại lý, thuê người bán hàng, ông tổ chức đánh hàng về nông thôn, cho bà con dùng thử tại chỗ sản phẩm.
 
"Chuyến đầu đi thử nghiệm, chỉ trong vòng một ngày công ty đã bán được 150 sản phẩm. Giờ mỗi tháng tôi tổ chức 10-15 chuyến đưa hàng về nông thôn, vừa bán vừa tiếp thị sản phẩm và mở rộng thị trường. Chúng tôi đã bán được hàng nghìn chiếc máy lọc nước", ông Sơn khoe.
 
Dễ vớ phải hàng rởm
 
Ông Nguyễn Đình Liễu ở xã Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội) kể rằng, mới đây, nghe trưởng thôn đến từng nhà thông báo có một doanh nghiệp về Nhà văn hóa thôn bán máy khử ozone giảm giá đến 50%, đặc biệt, mỗi người đến tham gia buổi bán hàng còn được doanh nghiệp này tặng ngay chiếc chậu nhôm, kể cả những người không mua hàng.
 
Không biết chính quyền khi đồng ý cho các công ty bán hàng tại địa phương có kiểm tra hồ sơ giấy tờ liên quan đến chất lượng sản phẩm mà DN chào bán hay không
Không biết chính quyền khi đồng ý cho các công ty bán hàng tại địa phương có kiểm tra hồ sơ giấy tờ liên quan đến chất lượng sản phẩm mà DN chào bán hay không
 
Biết được có quà, người dân chen nhau đến Nhà văn hóa thôn để xem. Sau khi tận mắt nhìn thấy chiếc máy khử độc thịt lợn, hoa quả... thải ra chất màu đen, nhiều người không ngần ngại, móc ví mua ngay chiếc máy với giá 2,7 triệu đồng. "Hôm đó, gần 50 người bỏ tiền ra mua. Ai cũng hí hửng vì tưởng mình mua được hàng rẻ... Chỉ đến khi đem khoe với con cháu mới biết thực chất, máy này chỉ có giá hơn một triệu đồng, bán đầy ở các siêu thị điện máy", ông Liễu nói.
 
Không chỉ đồ dùng, nhiều mặt hàng khác, đặc biệt là thực phẩm chức năng, cũng được các nhóm kinh doanh chào bán thông qua các địa điểm trên. Họ tung ra đúng chiêu đánh vào tâm lý người già, như tặng quà khuyến mãi, tổ chức khám, tư vấn sức khỏe miễn phí...
 
Ông Nguyễn Văn Hợp ở xã Nghĩa Hưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) kể, cách đây không lâu, Hội người cao tuổi của xã có đi từng nhà gửi giấy mời cho các cụ già thông báo có một doanh nghiệp về bán Tảo xoắn (một loại thực phẩm chức năng) có tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho tất cả mọi người đến tham gia. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tặng thêm mỗi cụ vài gói sâm về uống.
 
Hôm sau, các cụ kéo đến đông nghịt. Ai cũng được đo huyết áp, đo nhịp tim miễn phí và tư vấn sức khỏe. Sau khi khám xong, doanh nghiệp này không quên việc khuyên mọi người nên mua Tảo xoắn để bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể người cao tuổi với giá 450.000 đồng/hộp. Nhiều cụ thấy quảng cáo thuốc hay liền rút tiền mua liền 2-3 hộp.
 
"Vài hôm sau, không ít người than thở chẳng biết Tảo xoắn này có là hàng thật không vì giá quá đắt. Tại các hiệu thuốc, một hộp Tảo xoắn tương tự giá chỉ 130.000 đồng", ông Hợp chia sẻ.
 
Theo ông Hợp, 10 doanh nghiệp về tổ chức tiếp thị, bán hàng ở quê thì có đến 9 doanh nghiệp lừa người dân để bán hàng với giá đắt, không thì cũng bán hàng rởm, hàng kém chất lượng. "Họ toàn mời người cao tuổi đến tham gia, có những người nhẹ dạ tin tưởng bỏ ra cả vài triệu đồng mua hàng xong mới biết bị lừa", ông nói.
 
Đúng là cách bán hàng này rất hiệu quả, đánh đúng tâm lý ham rẻ, thiếu hiểu biết của những người lớn tuổi, người có học vấn thấp. Chất lượng sản phẩm ra sao, chưa thể kiểm chứng được mà phải qua sử dụng mới biết.
 
Trên trang web của công ty A.C bán đồ gia dụng kể trên cũng không có một dòng chữ hay hình ảnh nào về chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng. Còn thực tế, nhìn bộ nồi ủ thì thấy, thực chất nhà sản xuất chỉ hàn thêm một cái kiềng bằng gang 3 chân vào đế nồi để giữ nhiệt chứ không tiện và gọn gàng như các nồi ủ khác. Cũng không rõ chất lượng hợp kim ra sao. Các loại quà tặng cũng vậy. Cái bát inox công ty A.C bán 25.000 đồng trên thị trường cũng đầy, toàn hàng Trung Quốc giá chỉ trên dưới chục nghìn đồng/cái.

VEF

Các tin khác