Kinh tế xã hội

Tăng trưởng xanh - yêu cầu bức thiết của doanh nghiệp

09:37, 28/03/2014 (GMT+7)

Thực hiện tăng trưởng xanh, lợi nhuận không xuất hiện ngay, nhưng các doanh nghiệp sẽ có những lợi ích to lớn, đó chính là sự phát triển bền vững trong tương lai.

Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tập trung xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh hướng đến tăng trưởng xanh.

Tăng trưởng xanh sẽ giúp các DN phát triển bền vững
Tăng trưởng xanh sẽ giúp các DN phát triển bền vững

Tích hợp phát triển và tăng trưởng xanh

Tại hội thảo “Thương mại và đầu tư: Đổi mới để tăng trưởng” do Bộ KHĐT, VCCI phối hợp với Bộ Công Thương Na Uy tổ chức vừa qua, đa số các đại biểu và chuyên gia cho rằng, thực hiện tăng trưởng xanh, lợi nhuận không xuất hiện ngay, nhưng các DN sẽ có những lợi ích to lớn, đó chính là sự phát triển bền vững trong tương lai. Khi đó, lợi nhuận sẽ được nhân lên gấp nhiều lần cùng với những lợi ích quốc gia và cộng đồng khác.

Đã đến lúc, cộng đồng các DN Việt Nam phải ý thức được cần thay đổi nhanh chóng, tích cực triển khai những giải pháp thực hiện chiến lược phát triển xanh.

Theo ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KHĐT), tích hợp tăng trưởng xanh với sự phát triển DN không chỉ là sự tồn tại của mỗi DN, mà còn là sự tồn tại của mỗi chúng ta, của Trái đất. Chính phủ là nhà đầu tư quan trọng cho tăng trưởng xanh từ hai góc độ. Một là đề ra những quy định đối với các hoạt động kinh doanh xanh, hai là trở thành những khách hàng lớn.

Theo bà Vibeke H. Madsen, Giám đốc điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Na Uy (VIRKE), trong quá trình tăng trưởng kinh tế, các DN phải ít tác động tới môi trường, tất cả các giai đoạn sản xuất, tiêu dùng dịch vụ đều phải không gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng hóa chất độc hại, tiết kiệm nguồn nguyên liệu… Để tạo ra một sản phẩm tốt, có giá trị xuất khẩu cao, các DN Việt Nam cần phải chú trọng xây dựng ngay từ đầu chiến lược phát triển DN hướng đến tăng trưởng xanh.

Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng để Việt Nam vượt qua các vòng đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA), gia nhập thị trường châu Âu.

Giám đốc điều hành thương mại VIRKE, Chủ tịch Ủy ban tư vấn của EFTA (Na Uy) Thomas Angell cho biết, châu Âu là một thị trường đòi hỏi sự khắt khe về các sản phẩm xanh, sạch và vệ sinh an toàn, vì vậy, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt là một tin vui không chỉ cho các DN Việt Nam, mà cả với thị trường EU.

Hành động của các DN Việt

Trong thực tế, nhiều DN Việt Nam đã triển khai chiến lược tăng trưởng xanh.

Ông Nguyễn Công Minh Bảo, Giám đốc Phát triển bền vững Holcim Việt Nam, cho biết Holcim Việt Nam luôn nhận thức việc đầu tư vào chiến lược tăng trưởng xanh là quá trình mang lại lợi ích về kinh tế xã hội, môi trường và cộng đồng, chi phí thấp. Vì vậy, Holcim Việt Nam đã xây dựng hệ thống thu hồi rác thải, dùng rác thải để tái chế, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm được 60.000 tấn rác thải ra môi trường hằng năm.

Theo ông Bảo, khi Chính phủ đã phê chuẩn chương trình hành động quốc gia về tăng trưởng xanh sẽ khuyến khích và tạo động lực cho các DN mạnh dạn đầu tư vào phát triển xanh nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về vốn, quỹ đất cùng với các chính sách xã hội khác.

CTCP Đầu tư Thái Bình cũng đã áp dụng chiến lược tăng trưởng xanh và đạt được kết quả tốt.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thái Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Giày da Việt Nam cho biết, khi mới triển khai chiến lược này, không phải tất cả mọi người đều hài lòng. Tuy nhiên CTCP Thái Bình vẫn mạnh dạn đầu tư và thực hiện chiến lược phát triển xanh. Hiện tại, được làm việc trong môi trường thân thiện, tất cả nhân viên của công ty đều hài lòng và năng suất làm việc nâng cao.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, đây là một chương trình mới và hiện tại các DN Việt Nam áp dụng chưa nhiều nên việc học tập những kinh nghiệm từ các nước đi trước như Na Uy là bài học quý để DN Việt tham khảo.

Chinhphu

Các tin khác