Kinh tế xã hội
Mối nguy từ việc lạm dụng thuốc diệt cỏ
(Congannghean.vn)-Gần đây, không ít nông dân ở nhiều nơi trong tỉnh, thay vì làm đất theo phương pháp thủ công thì nhiều hộ dân đã chuyển sang sử dụng thuốc diệt cỏ trước khi làm đất. Việc lạm dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nói chung và thuốc trừ cỏ nói riêng trong sản xuất nông nghiệp đang tác động xấu đến con người và gây ngộ độc gia súc, gia cầm…
Lạm dụng thuốc trừ cỏ
Hiện nay, thuốc trừ cỏ đã và đang được sử dụng khá phổ biến tại Nghệ An để trừ cỏ trên ruộng, nương, trong vườn, ven đường, trên cây lâm nghiệp… Trong đó, sử dụng nhiều nhất là thuốc Mizin, Mazine, Forxone, Atranex… của Công ty Vật tư Thuốc bảo vệ thực vật Nghệ An. Thực tế cho thấy, các loại thuốc trừ cỏ đều có tác dụng diệt cỏ triệt để, tiết kiệm công lao động. Chính vì sự tiện lợi này mà ngày càng nhiều nông dân đã và đang lạm dụng thuốc trừ cỏ trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, tại địa bàn các xã, bản vùng cao, tình trạng sử dụng việc phun diệt cỏ trên đồi núi đang trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tác hại của nó thì chưa ai bàn tới.
Thuốc diệt cỏ được bày bán tràn lan xen lẫn các mặt hàng |
Tại khu vực chợ Trung tâm huyện Đô Lương, thuốc BVTV nói chung và thuốc trừ cỏ nói riêng được bày bán tràn lan, xen lẫn các mặt hàng nông cụ sản xuất, vật dụng tiêu dùng, trong đó nhiều nhất là thuốc trừ cỏ và thuốc kích thích tăng trưởng. Người mua, người bán đều theo kinh nghiệm chứ không có bất cứ chỉ định nào. Trao đổi với các chủ quầy hàng ở đây mới biết, nhận thức của họ về vấn đề này hết sức đơn giản: “Tôi chỉ bán mấy loại thuốc trừ cỏ thông dụng thôi. Người dân có nhu cầu dùng loại nào thì chúng tôi nhập loại đó về bán, chủ yếu bán kèm thêm cho đủ mặt hàng chứ không có lời nhiều”.
Phải khẳng định rằng, có đến trên 90% số người làm nông nghiệp hiện nay đã và đang sử dụng thuốc trừ cỏ. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về tác hại của loại thuốc này chưa cao nên việc sử dụng thuốc còn tràn lan và chưa đúng cách. Đó là một trong những nguyên nhân chính tăng thêm tác hại của thuốc trừ cỏ tới sức khỏe và môi trường sống. Vì là loại thuốc không mùi, nên khi sử dụng bà con rất chủ quan trong việc bảo hộ, ảnh hưởng tới sức khỏe. Bên cạnh đó, vì tâm lí “chắc ăn”, sợ cỏ không chết nên nhiều người thường phun quá liều chỉ dẫn. Điều này không chỉ làm tăng lượng thuốc thừa tích đọng trong đất và nước, mà còn khiến khu đất đó trở nên khô cằn, bạc màu và chai cứng.
Lợi, hại thuốc trừ cỏ
Không chỉ buôn bán, việc sử dụng thuốc trừ cỏ bừa bãi cũng đang có hại nhiều hơn lợi. Hiện nay, trên khắp các cánh đồng ngô, lúa, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các loại bao bì, chai lọ đựng thuốc trừ cỏ đã qua sử dụng, thậm chí ngay gần các bờ kênh mương, khe suối. Trong khi ở nhiều nơi, đây lại là nguồn nước sinh hoạt chính của bà con.
Đem vấn đề này trao đổi với bà Nguyễn Thị Đào - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An, bà Đào khẳng định: Thuốc trừ cỏ là sự tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Muốn làm nông nghiệp hiện đại không thể không dùng thuốc trừ cỏ. Song thuốc trừ cỏ là con dao hai lưỡi. Cũng theo bà Đào, nếu sử dụng đúng cách, đúng liều lượng, đúng chỉ dẫn thì dưới tác động của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, thuốc tự phân hủy trong không khí, ít gây ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, hiện nay bà con nông dân hầu hết sử dụng không đúng với hướng dẫn in trên bao bì sản phẩm. Vì thế mà cách đây không lâu, tại các xã Nghi Lộc, Nghi Long, Nghi Trung (huyện Nghi Lộc) và ở huyện Diễn Châu, do bà con sử dụng thuốc trừ cỏ quá liều lượng, không đúng thời điểm nên dẫn đến cánh đồng lạc bị khô héo và quăn lá.
Theo tổng hợp của Chi cục BVTV, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 700 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV và thuốc trừ cỏ. Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã bán ra thị trường hàng nghìn lít thuốc trừ cỏ. Ước tính tỷ lệ hàng năm tăng khoảng 20%. Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là tình trạng sử dụng thuốc trừ cỏ không rõ nguồn gốc đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Những loại thuốc này được người dân tự ý mua về sử dụng. Chính vì vậy, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý của lực lượng chức năng là hết sức khó khăn. Giá thành rẻ cùng với hiệu quả diệt cỏ “tức thì” khiến nhu cầu sử dụng thuốc trừ cỏ không rõ nguồn gốc ngày càng tăng cao.
Như vậy, với thói quen sử dụng và lạm dụng thuốc trừ cỏ hiện nay đã và đang phát sinh các tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường sống, song hầu hết người dân đều không nhận thức được điều này.
Trường Khuyên