(Congannghean.vn)-Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 3.598 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó 3.185 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 69.150 lao động làm việc. Tính đến ngày 31/12/2013, trên địa bàn tỉnh này có 54 cơ sở, tổ chức sử dụng 3.250 lao động nước ngoài, chủ yếu tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng (Kỳ Anh) với 3.217 lao động. Điều đáng nói, trong số này chỉ có 1.340 lao động đã được cấp giấy phép lao động theo quy định, số còn lại làm việc trái phép hoặc lao động “chui” tại các nhà thầu (12.675 người làm việc cho các nhà thầu nhưng chỉ có 567 người được cấp phép và số lao động không phép chủ yếu là người Trung Quốc).
Gần 2.000 lao động nước ngoài làm việc trái phép
Số lượng người lao động nước ngoài không phép tăng rất nhanh trong thời gian gần đây. Trước đó, vào tháng 9/2013, khi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, rà soát lao động thuộc một số nhà thầu, doanh nghiệp nước ngoài ở KKT Vũng Áng chỉ mới phát hiện hơn 570 người Trung Quốc không có giấy phép lao động thì đến nay con số này đã lên đến 1.910 lao động “chui”. Theo một vị lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, trong thời gian tới, dự tính lao động nước ngoài tại Vũng Áng tiếp tục tăng, trong năm 2014 tại đây sẽ có khoảng 6.000 người. Việc quá đông lao động nước ngoài hoạt động tại Kỳ Anh nhưng không có giấy phép quản lý đã dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý hành chính.
Thực tế, trong những năm qua, từ khi có người nước ngoài đến làm việc tại Khu liên hiệp Formosa (Đài Loan), đã xảy ra nhiều vụ ẩu đả, mất tài sản liên quan đến người nước ngoài. Mới đây nhất, vào tháng 4/2013, Tổ công tác của Đồn Biên phòng Đèo Ngang (Hà Tĩnh) đã bắt quả tang Jiang Su (quốc tịch Trung Quốc) trộm sắt thép tại Công trường Formosa. Tháng 8/2013, một nhóm lao động Trung Quốc ẩu đả với người dân địa phương ở thôn Liên Phú, xã Kỳ Liên. Ngày 6/3, ông Tiết Minh Hồng (SN 1963) người Đài Loan, kế toán, đang làm việc cho Dự án Formosa đã bị đâm trọng thương tại khu nội trú.
Lao động nước ngoài tại Kỳ Anh |
Nguyên nhân của việc không cấp phép được cho người lao động nước ngoài tại Kỳ Anh dẫn đến những hệ lụy trong quản lý là do quy định trước ngày 1/11/2013, các đối tượng không phải cấp giấy phép là lao động làm việc dưới 3 tháng; là thành viên, chủ sở hữu các công ty TNHH một thành viên, hai thành viên, thành viên hội đồng quản trị; một số lao động có giấy phép do các địa phương khác cấp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp. Số còn lại chưa đủ điều kiện cấp phép hoặc đang trong giai đoạn hoàn thiện, bổ sung. Ông Lê Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cho biết, mặc dù thời gian qua, công tác quản lý người lao động nước ngoài đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành liên quan với nhau để tiến hành kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị sử dụng lao động, song số lượng lao động biến động liên tục, các nhà thầu chưa chấp hành tốt chế độ báo cáo và các thủ tục tại các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động theo quy định nên việc quản lý, theo dõi gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2013, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh này cũng đã xử phạt 3 nhà thầu 35 triệu đồng, đề nghị cơ quan Công an buộc xuất cảnh trước thời hạn 102 lao động Trung Quốc làm việc không có giấy phép.
Đùn đẩy trách nhiệm quản lý
Theo ông Dũng, hiện nay người lao động nước ngoài chưa được cấp phép chủ yếu là lao động dưới 3 tháng, sau đó xuất cảnh về nước và tiếp tục xin thị thực nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc. Thậm chí, khi hết hạn không về nước mà gửi hộ chiếu về nước xin thị thực nhập cảnh gửi sang nên không đóng dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh qua biên giới. Một số khác lợi dụng nhập cảnh vào Việt Nam dưới hình thức đi du lịch, sau đó trốn ở lại làm việc mà không khai báo. Nhiều đơn vị sử dụng lao động nước ngoài cố tình che giấu số người thực tế và nhiều lao động người Trung Quốc tại KKT Vũng Áng sống phân tán trong các hộ gia đình, khu dân cư là những khó khăn chủ yếu trong công tác quản lý lao động nước ngoài tại Kỳ Anh.
Việc quản lý người nước ngoài tại đây cũng có những kẽ hở, các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Tại xã Kỳ Liên, có đến 1.130 lao động tạm trú tại đây, nhưng Công an xã này cũng không nắm được liệu con số đó có chính xác hay không, bởi trước đây xã chịu trách nhiệm đăng ký tạm trú, nhưng từ năm 2013 đến nay, việc này do Công an huyện quản lý, thực hiện rồi gửi danh sách về. Vậy nên, Công an huyện Kỳ Anh gửi danh sách bao nhiêu người thì xã chỉ biết có bấy nhiêu, số “ở chui” còn lại, xã không nắm được. Thế nhưng, khi được hỏi về vấn đề này, Đại tá Đặng Hoài Sơn - Trưởng Công an huyện Kỳ Anh lại cho rằng, quản lý người lao động Trung Quốc là trách nhiệm của Ban Quản lý KKT Vũng Áng.
Ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng ban Quản lý KKT Vũng Áng cho biết, trách nhiệm chính trong quản lý người lao động là của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, KKT Vũng Áng chỉ được ủy quyền cấp phép cho người lao động nước ngoài. Nếu phát hiện lao động làm việc chưa được cấp phép, đơn vị cũng chỉ có động thái duy nhất là báo cho các ngành chức năng chứ không có quyền xử phạt, trục xuất đối với người lao động trái phép. Chính sự đùn đẩy trách nhiệm này đã vô hình chung tạo điều kiện cho lao động nước ngoài làm việc trái phép tại Kỳ Anh ngày càng nhiều, gây khó khăn trong công tác quản lý hành chính trên lĩnh vực an ninh chính trị nói riêng và quản lý chung trong việc đảm bảo an toàn lao động trên địa bàn.
.