Kinh tế xã hội

Ra Tết, nông dân tiếp tục bỏ ruộng

09:31, 13/02/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Thông thường, cứ vào khoảng mồng 5 Tết, người dân lại nô nức xuống đồng để chuẩn bị cho vụ hè thu. Thế nhưng sau Tết, tình trạng nông dân bỏ ruộng lại tiếp tục tiếp diễn. Thay vì xuống đồng, một bộ phận lao động ở tỉnh ta đang chuẩn bị đi các tỉnh khác làm ăn trong khi đồng ruộng bị bỏ không. Đáng chú ý, theo nhận định của nhiều địa phương, với tình hình như hiện nay thì đến năm 2015, tình trạng nông dân bỏ ruộng sẽ tiếp tục xảy ra với quy mô lớn hơn. Nguyên nhân thì đã rõ nhưng các ngành chức năng vẫn chưa tìm được giải pháp tối ưu để người dân yên tâm bám ruộng.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, mỗi địa phương trong cả nước trung bình có khoảng 100 ha ruộng lúa bị bỏ hoang, trong đó Nghệ An đứng đầu cả nước. Vụ hè thu vừa qua, Nghệ An là địa phương diễn ra tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả lại ruộng nhiều với trên 1.200 ha, trong đó đứng đầu là Nam Đàn 700 ha, tiếp đó là Hưng Nguyên xấp xỉ 300 ha, còn lại là các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Đô Lương…

Mới đầu vụ hè thu năm nay, tình trạng bỏ ruộng lại tiếp tục tái diễn dù các ngành chức năng đã vận động người dân tiếp tục sản xuất. Ở Nam Đàn, hàng chục ha ruộng lúa đã bị người dân đăng ký trả không tiếp tục cày cấy. Nguyên nhân nông dân bỏ ruộng đã được các ngành chức năng làm rõ, đó là giá lúa, rau màu thấp trong khi đầu vào như: vật tư phân bón, dịch vụ bảo vệ thực vật, công chăm sóc ngày càng tăng cao… Thu nhập thấp lại phải đóng phí theo đầu sào đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý nông dân.

Trước thực trạng đó, phần lớn những lao động trẻ ở các làng quê đã rời bỏ đồng ruộng đi làm ăn xa, những hộ gia đình nhận ruộng cũng chỉ nhận một diện tích rất nhỏ để cày cấy lấy lúa ăn trong gia đình. Bà Nguyễn Thị Thìn ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên cho biết: “Mùa trước nhà tôi cấy 4 sào, mùa này chỉ cấy 2 sào lấy lúa ăn thôi, làm nhiều tốn kém lắm chú ạ, càng làm nhiều càng lỗ thôi. Con trai và con dâu tôi trước ở nhà trồng lúa, chăn nuôi, nhưng nay bỏ vào thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân rồi”. Không chỉ ruộng lúa bị bỏ hoang mà đất màu cũng bị người dân bỏ, không canh tác.

Trên các cánh đồng, su hào, xúp lơ, bắp cải của những người dân vùng bãi Ngang, Quỳnh Lưu vẫn còn rất nhiều, chưa thu hoạch dù đã bắt đầu cho mùa vụ mới. “1 nghìn đồng một bắp cải, 2 nghìn đồng một bắp xúp lơ thì thu hoạch làm gì hả chú, không đủ tiền công thu hoạch và vận chuyển nói gì kiếm lời. Năm nay nhà chị bỏ vụ rau chú ạ”. Đó là lời tâm sự chua chát của chị Hồ Thị Ánh ở xã Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu. Năm nay, chị phải chịu lỗ gần 5 triệu đồng tiền chi phí cho vụ rau nên gia đình chị cũng như rất nhiều gia đình trồng rau khác không có Tết.

Thực tế thì không phải đến bây giờ mới xuất hiện tình trạng người dân bỏ ruộng, trả lại ruộng mà hiện tượng này đã xuất hiện cách đây hơn 10 năm. Ngoài lý do sản xuất nông nghiệp cho thu nhập thấp, có lý do khác là thời tiết bất thuận khiến người nông dân rất khó bám đồng ruộng. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, không phải Nhà nước chưa có chính sách đối với cây lúa. Cách đây gần 3 năm, Chính phủ có quy định hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời có nghị định khuyến khích người dân trồng lúa, mỗi hộ làm lúa sẽ nhận được hỗ trợ 500.000 đồng/sào.

Nhiều hợp tác xã đã làm hồ sơ gửi các cấp có thẩm quyền nhưng đến nay người dân vẫn chưa được nhận. Trong mùa vụ vừa qua, người dân các huyện Yên Thành, Diễn Châu điêu đứng vì giống lúa BC15 nhưng vẫn chưa được hỗ trợ, đền bù dù chính sách bảo hiểm cây trồng đã được ban hành khá lâu.

Chúng ta vẫn đang nói nhiều về an ninh lương thực. Là một trong những nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới nhưng những ưu thế đó đang bị lung lay khi người dân không còn mặn mà với đồng ruộng. Nếu cơ quan chức năng không có các giải pháp hữu hiệu và cơ chế thiết thực hỗ trợ nông dân thì thực trạng nông dân bỏ ruộng sẽ còn diễn biến phức tạp.

Ngọc Hùng

Các tin khác