Ô tô - Xe máy
Không cạnh tranh nổi, ô tô nội 'đòi' 'bảo hộ'
Nhằm "giúp" ôtô sản xuất trong nước cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc, nhiều DN ôtô trong nước đề xuất hỗ trợ giá bán và hạn chế số cảng biển được làm thủ tục xe nhập khẩu.
Trước những lo ngại về thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam giảm xuống còn 0% vào năm 2018, các DN ô tô trong nước mới đây đã kiến nghị như vậy tại Bản Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, do Bộ Công Thương soạn thảo lại.
Văn bản vừa được đưa ra lấy ý kiến các DN ô tô trong nước.
Dòng xe chiến lược: Loại xe 1.5L trở xuống
Nhiều DN ô tô cho biết, xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ khó cạnh tranh và sống nổi nếu thuế ưu đãi dành cho xe nhập khẩu nguyên chiếc giống như xe trong nước. Vì vậy, cần có những ưu đãi khác với xe trong nước như hỗ trợ về giá bán và chỉ cho phép 2-4 cảng biển trên cả nước được phép làm thủ tục xe nhập khẩu, chứ không phải tất cả như hiện nay.
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên, nếu muốn phát triển sản xuất xe cá nhân trong nước, có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống (xe nhỏ) thì cần có chính sách ưu đãi với dòng xe này.
Xe nhập khẩu sẽ phải chịu rất nhiều rào cản. |
Ngoài ra, phí cầu đường với xe nhỏ cũng phải khác xe to. Hiện phí xe nhỏ như Matiz, có dung tích xi lanh 0,8L, cũng bằng chiếc xe 7 chỗ dung tích xi lanh 5.0L - do đó là không công bằng. Xe nhỏ không gây hư hỏng đường và chủ yếu dành cho người có thu nhập trung bình sử dụng, còn xe to, phân khối lớn chủ yếu là người giàu có nên để mức phí ngang bằng nhau như hiện nay. Cùng với đó phí bến bãi, gửi xe cũng phải xây dựng các mức khác nhau, ưu tiên cho xe nhỏ, ở các nước họ đã làm rồi, nhưng ở ta vẫn chưa làm.
Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp (Bộ Công Thương), nhìn nhận, Bản Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, sau khi soạn thảo lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ hướng phát triển các loại xe tải nhẹ dưới 2,5 tấn phục vụ cho nhu cầu vận tải ở khu vực nông thôn, miền núi. Bên cạnh đó là định hướng phát triển các loại xe khách nhỏ dưới 16 chỗ, 26 chỗ mà trong nước có nhu cầu cao nhưng chưa được đáp ứng. Với xe tải nhẹ phục vụ cho nông thôn có thể được hỗ trợ về giá, để giảm chi phí cho nông dân.
Cũng theo ông Giám, trong dự thảo lần này, dòng xe chiến lược có điều chỉnh lại là xe có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống thay vì dưới 2.0L như trước đây. Với dòng xe chiến lược chúng tôi cũng đề xuất được ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, ưu đãi cho xe sản xuất lắp ráp trong nước như thế nào thì cũng ưu đãi tương tự với xe nguyên chiếc nhập khẩu có dung tích xi lanh 1.5L trở xuống, không phân biệt đối xử theo cam kết gia nhập WTO.
Xin nhiều ưu đãi
Với xe chiến lược, ngoài các ưu đãi về thuế ra còn có những ưu đãi về đầu tư cho các dự án cụ thể, chẳng hạn như các dự án sản xuất lắp ráp xe chiến lược và đầu tư sản xuất, lắp ráp động cơ, hộp số, cụm truyền động, dập thân vỏ xe đến 9 chỗ được hưởng các ưu đãi đối với loại dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư (đưa công nghiệp ô tô vào Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ).
Kiến nghị các dự án sản xuất xe chiến lược (dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô) được giảm 50% số thuế thu nhập DN phải nộp trong 2 năm tiếp theo kể từ khi hết thời hạn ưu đãi theo Luật Thuế thu nhập DN (tức là miễn 4 năm và giảm 50% trong 11 năm tiếp theo); Nhà nước hỗ trợ 50% tiền thuê hạ tầng tại các khu công nghiệp cơ khí và ô tô sẽ hình thành ở 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam).
Các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng để sản xuất linh kiện, phụ tùng cho dòng xe chiến lược được xem xét cho vay vốn dài hạn với lãi suất thấp nhất.
Các dự án sản xuất động cơ, hộp số, cụm truyền động, dập thân vỏ xe đến 9 chỗ áp dụng công nghệ tiên tiến, được chuyển giao từ các hãng có thương hiệu mạnh trên thế giới được hưởng các chính sách ưu đãi như sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Để hỗ trợ các nhà sản xuất, Bản dự thảo cũng đề xuất, cần tạo ra các rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế sự cạnh tranh của xe nhập khẩu. Cụ thể, nên quy định tiểu chuẩn ngặt nghèo đối với các đại lý nhập khẩu về năng lực tài chính, kho bãi... từ đó cấp quota nhập khẩu; yêu cầu bắt buộc đại lý nhập phải có hệ thống bảo hành, bảo trì xe nhập khẩu; thủ tục đăng kiểm khắt khe... Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ KH&CN, GTVT đề xuất thêm các rào cản phù hợp.
Ngoài ra, các DN cũng có đề xuất để hạn chế xe nhập khẩu, đó là cần kiểm tra giá ô tô nhập khẩu khai hải quan nhằm tránh hiện tượng khai giá thấp để trốn thuế và gian lận. Tuy nhiên, đề xuất này cũng có thấy hàm ý nữa là có thể nâng giá tính thuế các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc. Trên thực tế, việc này vẫn diễn ra. Mỗi khi cơ quan Hải quan quyết định nâng giá tính thuế ô tô lên thì nhiều mẫu xe nhập khẩu sau khi làm xong thủ tục giá bán đã tăng từ vài trăm đến cả chục nghìn USD/chiếc, tùy loại.
Cùng với đó là chỉ cho 2-4 cảng biển được phép nhập khẩu xe nguyên chiếc, chứ không phải tất cả như hiện nay, như vậy sẽ gây khó cho việc nhập xe về Việt Nam và xe sản xuất lắp ráp trong nước dễ thở hơn.
Nguồn: VNN