(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, dư luận Nghệ An xôn xao xung quanh việc Công ty TNHH rau quả Toàn Thịnh Cảng Liên Vận Thượng Hải (một công ty Trung Quốc) liên kết cùng Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An (LM HTX) đưa giống ớt cay “lạ” vào gieo trồng. LM HTX tỉnh cho rằng, giống ớt này mua từ Công ty Giống cây trồng Trung ương đã được Sở NN&PTNT cho phép gieo trồng. Còn Chi cục BVTV Nghệ An lại khẳng định, đây là giống lần đầu tiên nhập khẩu nhưng chưa có đủ hồ sơ pháp lý nên chưa được tiến hành gieo trồng.
Giống ớt “lạ” nhập khẩu từ Trung Quốc?
Ông Trần Đình Hường - Chủ tịch LM HTX tỉnh Nghệ An cho biết: Mô hình trồng ớt vụ Đông Xuân 2013 - 2014 được triển khai tại xã Khánh Sơn (Nam Đàn) 10 ha, Diễn Lộc (Diễn Châu) 30 ha và Nghi Lâm, Nghi Kiều (Nghi Lộc) 10 ha. Trên thực tế, mô hình này ở Nam Đàn đã được triển khai từ nhiều năm nay (khoảng năm 2008), do Công ty Tuấn Linh có trụ sở tại Bắc Ninh đầu tư, hỗ trợ giống và bao tiêu sản phẩm. Cây ớt phù hợp với đất bãi bồi, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần cây lúa nên được bà con nông dân hồ hởi đón nhận. Sau khi Công ty Tuấn Linh giải thể, một doanh nghiệp khác của Trung Quốc đã đứng ra thực hiện việc ký hợp đồng với các HTX, hướng dẫn người dân gieo trồng và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, việc trồng ớt tại địa bàn 3 huyện trên cũng do công ty này triển khai, hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...
Mặt trước bao bì của 2 giống ớt cay “lạ” |
Ông Hường cũng xác nhận, ban đầu, Công ty TNHH Rau quả Toàn Thịnh Cảng Liên Vận Thượng Hải định lấy giống do Trung Quốc sản xuất để triển khai mô hình nhưng Sở NN&PTNT Nghệ An yêu cầu phải có thẩm định của Cục Thẩm định giống. Vì vậy, công ty này quyết định mua giống của Công ty Giống cây trồng Trung ương để cung ứng cho bà con nông dân. Hiện nay, các địa phương đã triển khai gieo trồng. “Giống ớt sử dụng gieo trồng được mua từ Công ty Giống cây trồng Trung ương, có hóa đơn, được Sở NN&PTNT Nghệ An đồng ý nên LM HTX mới cho triển khai” - Ông Hường khẳng định.
Tuy nhiên, căn cứ theo hồ sơ, thủ tục chưa đầy đủ được LM HTX Nghệ An gửi Chi cục BVTV Nghệ An thì trên bao bì của hai mẫu giống lại mang các chữ tượng hình. Nhiều người hoài nghi, đây là một giống ớt có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Liệu giống ớt “lạ” này đã có đầy đủ thủ tục để được phép gieo trồng trên các đồng đất Nghệ An hay chưa?
Chưa kiểm dịch thực vật đã triển khai gieo trồng
Ông Đặng Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn (Nam Đàn) xác nhận, HTX CPDV Khánh Sơn 1 đã nhận giống để “gieo thử” nhưng hiện vẫn chưa ký hợp đồng với doanh nghiệp. “Nghe nói giống ớt được triển khai là ớt lai số 7. LM HTX Nghệ An và công ty đã trực tiếp về làm việc. Nếu không do dự vì đây là công ty của Trung Quốc thì chúng tôi đã triển khai từ lâu. Thường thì tháng 9 âm lịch đã gieo và đến tháng 11, 12 âm lịch phải hoàn thành việc trồng mới kịp thời vụ” - Ông Việt cho biết.
Khi về các địa phương kiểm tra tình hình giống chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân, tình cờ Chi cục BVTV Nghệ An phát hiện giống ớt “lạ” này đã được ươm tại các xã Khánh Sơn (Nam Đàn) 4 kg giống, Diễn Lộc (Diễn Châu) 6 kg giống, Nghi Kiều (Nghi Lộc) 4 kg giống, một số đã có từ 3 - 4 lá. Ngoài ra, Chi cục BVTV Nghệ An còn nhận được thông tin, tại xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) cũng đã cho ươm giống ớt này. Phía trước bao bì giống ớt đưa vào gieo trồng tại các địa phương trên có in hình nhiều quả ớt chín màu đỏ, nhiều dòng chữ tượng hình. Mặt sau gồm nhiều dòng chữ tượng hình và các dòng chữ số la tinh được cho là kí hiệu sản phẩm gồm: GB16715.3 - 1999 và GB16715.3 - 2010.
Sau khi phát hiện sự việc, Chi cục BVTV Nghệ An đã lập biên bản yêu cầu các địa phương chưa được trồng giống ớt cay này khi chưa có thủ tục kiểm dịch thực vật và chưa có ý kiến chỉ đạo của Sở NN&PTNT Nghệ An; yêu cầu UBND các xã phối hợp với LM HTX, bà Bành Bội Tuấn (đại diện phía Công ty TNHH Rau quả Toàn Thịnh Cảng Liên Vận Thượng Hải) cung cấp hồ sơ kiểm dịch thực vật cho Chi cục BVTV; các địa phương cùng Trạm BVTV tiếp tục theo dõi tình hình sinh vật gây hại trong vườn ươm, nếu phát hiện sinh vật gây hại phải báo ngay cho Chi cục BVTV Nghệ An để có biện pháp xử lý.
Trở lại vấn đề xin cấp các thủ tục để đưa giống ớt “lạ” này vào gieo trồng. Ngày 12/11/2013, Chi cục BVTV Nghệ An nhận được Tờ trình số 414/CV-LMHTX của LM HTX Nghệ An “V/v xin trồng khảo nghiệm giống cà tím và ớt cay” do Sở NN&PTNT Nghệ An chuyển đến. Giống ớt cay GB16715.3 - 2010 xuất xứ từ Công ty TNHH Hạt giống Phú Tứ, TP Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc và giống cà tím BAOLAI xuất xứ Viện Nghiên cứu Thực vật Thiên Tân, Trung Quốc, được LM HTX Nghệ An xin trồng khảo nghiệm. Sau đó 1 ngày, Chi cục BVTV Nghệ An có Công văn số 452/CV-BVTV yêu cầu LM HTX Nghệ An cung cấp hồ sơ kiểm dịch thực vật liên quan đến hai giống cà tím và ớt cay nói trên. Tuy nhiên, Chi cục BVTV Nghệ An đã không được LM HTX Nghệ An cung cấp các hồ sơ theo đúng yêu cầu.
Công văn của Chi cục BVTV Nghệ An đề nghị LM HTX Nghệ An không được trồng khảo nghiệm |
Ngày 27/11/2013, Chi cục BVTV Nghệ An có Công văn số 417/CV-BVTV gửi Sở NN&PTNT Nghệ An, LM HTX Nghệ An, Trạm BVTV Nam Đàn, Diễn Châu, Nghi Lộc. Nội dung có đoạn: Đây là giống lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam... Ngày 26/11/2013, LM HTX Nghệ An vào làm việc với Chi cục BVTV đã không cấp hồ sơ thủ tục kiểm dịch thực vật của 2 giống cà BAOLAI và ớt cay GB16715.3 - 2010... Căn cứ theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Chi cục BVTV Nghệ An đề nghị: LM HTX Nghệ An không được phép gieo trồng các giống cà BAOLAI và ớt cay GB16715.3 - 2010. Trạm BVTV các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu theo dõi, giám sát không cho gieo trồng khảo nghiệm, nếu phát hiện thấy gieo trồng báo cáo chi cục để xử lý theo luật định. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, LM HTX Nghệ An vẫn cho triển khai ươm giống ớt cay “lạ” nói trên?
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Nghệ An cho biết: “Đối với giống nhập khẩu, phải được phép của Cục BVTV, phải có giấy tờ thủ tục khi qua các trạm kiểm dịch cửa khẩu trực thuộc vùng. Khi giống được thông quan, phải báo cáo Chi cục BVTV tỉnh, xuất trình đầy đủ thủ tục nhập khẩu và khai báo địa điểm gieo trồng. Đối với giống lần đầu nhập khẩu, phải được gieo trồng trong khu cách ly và phải được Trung tâm Kiểm định Thực vật thuộc Cục BVTV kết luận về tình trạng nhiễm dịch trên giống đó. Nếu đạt yêu cầu mới đem ra khảo nghiệm, gieo trồng. Chúng tôi đang làm giấy mời Công ty TNHH Rau quả Toàn Thịnh Cảng Liên Vận Thượng Hải đến làm việc. Tuy nhiên, công ty này chỉ có tên công ty và chức danh đại diện chứ không rõ trụ sở ở đâu nên rất khó khăn cho việc liên lạc. Chúng tôi sẽ gửi giấy mời về Trạm BVTV Nam Đàn, địa chỉ thường trú người được coi là thông dịch viên cho bà Bành Bội Tuấn để người này liên lạc với bà Tuấn”.
.