(Congannghean.vn)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện miền núi Quỳ Châu đã được thụ hưởng các chính sách, dự án đầu tư xây dựng các công trình và mô hình kinh tế giúp bà con nông dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, theo đánh giá, một số chương trình, dự án chưa mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội như mong đợi.
Khi kết thúc thời gian hỗ trợ của Nhà nước, nhiều mô hình đã không được người dân quan tâm đầu tư tiếp.Gia đình ông Vi Văn Châm ở bản Thắm 2, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hai ông bà tuổi đã ngoài 70, cuộc sống hoàn toàn trông chờ vào vài ha ruộng nước, rất bấp bênh.
Nhằm chia sẻ với những vất vả của gia đình, cuối năm 2012, ông Châm được hỗ trợ 1 con bê cái địa phương trị giá 7 triệu đồng theo Chương trình 135 của Chính phủ để phát triển kinh tế. Đây được xem là cơ hội thoát nghèo đối với gia đình ông. Tuy nhiên, đến nay, dù đã hơn 9 tháng nuôi dưỡng nhưng do không được chăm sóc tốt nên bê của gia đình ông Châm phát triển rất chậm.
Gần một năm được hỗ trợ nhưng kinh tế gia đình ông vẫn không được cải thiện là bao. Từ năm 2010 đến năm 2013, xã Châu Thuận đã được Chương trình 135 hỗ trợ 120 con bê. Tuy nhiên, trong những đợt hỗ trợ trước, nhiều hộ gia đình đã bán hoặc đổi trâu để chăn nuôi. Đợt hỗ trợ năm 2012, xã Châu Thuận được cấp 25 con nhưng đến nay chỉ còn 10 con.
Ông Cầm Bá Kinh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chương trình đưa vật nuôi hỗ trợ cho bà con nhân dân miền núi Châu Thuận rất phù hợp. Tuy nhiên, quá trình triển khai đang còn nhiều bất cập, tỷ lệ con giống sống và phát triển ít. Kết quả xóa đói giảm nghèo đạt thấp so với yêu cầu đề ra. Nguyên nhân chính là do Chương trình hỗ trợ đúng thời điểm mùa rét, thức ăn cho vật nuôi không có nên hiệu quả kém.
Cấp bò giống cho người nghèo tại huyện Quỳ Châu |
Cũng giống như xã Châu Thuận, xã Châu Bính đã được Chương trình 135 cấp 3 đợt với 150 con giống, trong đó có lợn. Tuy nhiên, theo cán bộ nông nghiệp xã Châu Bính, nhiều hộ sau khi đưa con giống về nuôi, do không nắm được kỹ thuật chăn nuôi nên lợn bị bệnh dịch rồi chết.
Thực tế kiểm tra tại các bản, trong tổng số 26 con lợn giống được hỗ trợ năm 2011 đến nay chỉ còn được vài con. Ông Vi Văn Phiên, cán bộ nông nghiệp xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu cho biết: “Phong tục, tập quán chăn nuôi của địa phương là chỉ chữa khi gia súc mắc bệnh. Các con giống mang về sức đề kháng kém nên rất dễ mắc bệnh và chết”.
Huyện Quỳ Châu hiện có 9 xã và 10 thôn bản đặc biệt khó khăn, hàng năm được thụ hưởng chính sách của Chương trình 135 nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và ổn định cuộc sống. Qua 5 năm thực hiện Chương trình 135 (từ năm 2006 - 2011), huyện Quỳ Châu đã được đầu tư gần 18 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển các mô hình. Ngoài ra, Chương trình còn đầu tư hỗ trợ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp về giống cây trồng, giống cá, hỗ trợ mua máy cày, mua máy tuốt, máy nghiền nông sản…
Tuy nhiên, số mô hình được đồng bào áp dụng hiệu quả, nhân ra diện rộng là không nhiều. Trách nhiệm chính là của chính quyền địa phương, tiếp đó là ý thức của người dân còn hạn chế trong việc hợp tác cùng tham gia xây dựng, phát triển mô kinh tế cho chính gia đình mình để xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Trong thời gian tới, những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước từ các Chương trình 134, 135 trên địa bàn huyện Quỳ Châu sẽ tiếp tục được triển khai nhằm giúp đồng bào các dân tộc nơi đây xoá đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ phát huy được hiệu quả, giúp bà con thoát nghèo một cách bền vững, các cấp chính quyền cần vào cuộc một cách quyết liệt, hướng dẫn người dân về khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chăn nuôi; bên cạnh đó, đồng bào cũng cần nêu cao ý thức vượt khó, thi đua sản xuất, góp phần phát triển kinh tế gia đình, vươn lên xây dựng cuộc sống mới.