Kinh tế xã hội

Hàng hóa phục vụ tết có tín hiệu ổn định

10:10, 21/12/2013 (GMT+7)

(Congannghean.vn)- Bước vào những tháng cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gấp rút thực hiện kế hoạch sản xuất và dự trữ nguồn hàng Tết. Theo đánh giá từ cơ quan chuyên môn, tình hình cung cấp hàng hóa thiết yếu và giá cả thị trường tại tỉnh ta những tháng cuối năm có tín hiệu được đảm bảo ổn định. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nhằm bình ổn giá cả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Trước tình hình chung của nền kinh tế hiện nay, khi người dân ngày càng thắt chặt mọi chi tiêu, hầu hết các doanh nghiệp, tư thương đều phải thận trọng tính toán. Đối với Nghệ An, năm nay sẽ là một năm có nhiều biến động theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, do hậu quả thời tiết mưa bão bất thường đã làm giảm năng suất mùa vụ, khiến đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn. Đây là lý do ảnh hưởng không nhỏ tới mua sắm mùa Tết, mà theo dự báo của nhiều đơn vị kinh doanh, sẽ không mấy khả quan hơn các năm trước.

Hiện nay, để chuẩn bị tung hàng Tết ra thị trường, những người kinh doanh đang cố gắng thanh lý hàng tồn đọng, thu hồi lại vốn. Những ngày này, dạo qua một số chợ trên địa bàn TP Vinh, không khí mua, bán tại đây vẫn đang trầm lắng. Những năm trước, vào thời điểm này, hàng hóa đã được các tiểu thương chuyển về nhộn nhịp nhằm chuẩn bị cho đợt bán hàng cuối năm. Năm nay, do hàng tồn kho vẫn còn nhiều nên các tiểu thương đang cố gắng đẩy hàng tồn rồi mới tính chuyện nhập hàng mới về bán dịp Tết.

Sức mua từ đầu năm đến nay còn ở điểm thấp, khiến thịtrường tiêu thụ cuối năm rất khó dự đoán, do vậy, các cửa hàng đại lý cũng không dám mạo hiểm trữ hàng với số lượng lớn như các năm trước. Đa số đều chọn giải pháp an toàn là luôn duy trì lượng hàng trong kho vừa đủ và chỉ nhập hàng về khi thị trường có nhu cầu, để bảo toàn đồng vốn.

Các cửa hàng, đại lý chuẩn bị nhập hàng phục vụ thị trường Tết

Theo dự kiến, thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng tăng từ 15 - 18% so với các tháng bình thường, tập trung vào một số nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, bánh, mứt, kẹo, nước giải khát... Các mặt hàng thiết yếu từ nay tới Tết Nguyên đán có thể tăng nhẹ ở một số nhóm hàng. Cụ thể, nhóm hàng lương thực (chủ yếu là gạo) đã tăng từ 5 - 10% trong tháng 11 và đầu tháng 12 cho đến nay. Về nhóm hàng thực phẩm, từ tháng 9 đến nay, giá thịt lợn tăng khoảng 5 - 8%. Dự kiến trong dịp Tết, giá thịt lợn, gà có thể tăng từ 5 - 10%...

Để đảm bảo lượng hàng hóa cung cấp đủ và nhằm bình ổn thị trường, phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã chỉ đạo xét đề nghị của liên sở: Công Thương - Tài chính tại Tờ trình số 1116/STTLS-CT-TC ngày 18/11/2013, về việc dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết; tăng cường biện pháp quản lý, bình ổn giá, kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm 2013 và trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Theo đó, UBND tỉnh giao các doanh nghiệp gồm Công ty CP Đầu tư hợp tác kinh tế Việt - Lào; Công ty CP Hữu Nghị; Công ty CP Tổng Công ty Nông sản XNK Tổng hợp; Công ty TNHH Sơn Hải; Công ty CP XNK Lương thực Thành Sang và Công ty TNHH TM&DV Đức Thành, mua dự trữ một số mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn giá thị trường.

Cụ thể: Gạo tẻ 700 tấn, gạo nếp 100 tấn, dầu ăn 350.000 lít..., tổng giá trị các mặt hàng lên tới 20.300 triệu đồng. Thời gian dự trữ hàng hóa là 3 tháng (từ ngày 1/12/2013 - 28/2/2014). Các doanh nghiệp tự vay vốn ngân hàng để mua và dự trữ những mặt hàng được giao, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trên cơ sở hợp đồng vay, khế ước nhận nợ, hóa đơn nhập hàng và số lượng hàng hóa dự trữ được giao.

Như vậy, ngoài việc đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá cả thị trường Tết, các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp đóng trên địa bàn chủ động tính toán kế hoạch sản xuất, kinh doanh để đảm bảo các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán. Có biện pháp đảm bảo đủ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất thiết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, gom hàng, gây sốt giá, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, đến trật tự, an toàn xã hội trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, thực hiện nghiêm các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết. Ngoài ra, tổ chức tốt hệ thống phân phối, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng; có giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn giá, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân, nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng bị thiên tai với giá cả hợp lý và chất lượng tốt.

Với sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc của các ngành, chính quyền các địa phương, có thể thấy, tín hiệu rất khả quan về chuẩn bị đủ lượng hàng hóa và các nhu yếu phẩm cần thiết, đảm bảo cho mọi người dân tổ chức ăn Tết Giáp Ngọ tiết kiệm và phấn khởi đón Xuân mới đầm ấm.

Lê Hoa

Các tin khác