Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201311/31964-vi-dau-nen-noi-414550/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201311/31964-vi-dau-nen-noi-414550/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vì đâu nên nỗi? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 11/11/2013, 17:30 [GMT+7]
31964

Vì đâu nên nỗi?

Theo chân cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương, chúng tôi đến tìm hiểu hoạt động của Xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ Chè Thanh Mai. Đập vào mắt chúng tôi là một quang cảnh hoang tàn, vắng lặng, cảnh tượng nơi đây còn có phần bi đát hơn so với Xí nghiệp Chè Tháng Mười - Anh Sơn. Trụ sở cũ nát, những dãy nhà cấp 4 được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước đã xuống cấp trầm trọng...
 
Khó ai có thể tưởng tượng nơi đây đã có một thời hoàng kim của ngành chế biến chè Nghệ An, nay chỉ còn trơ lại một hệ thống nhà xưởng chế biến tồi tàn với dây chuyền máy móc cũ kỹ, công nghệ lạc hậu sau hơn 40 năm hoạt động đến nay vẫn còn tồn tại. Chính vì vậy, mặc dù đứng chân giữa vùng trọng điểm chè, nhưng Xí nghiệp Chè Thanh Mai với 170 cán bộ, công nhân được giao quản lý gần 700 ha vùng nguyên liệu chè vẫn không có nguyên liệu để sản xuất.
 
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Thiện - Trưởng phòng Kinh tế Kỹ thuật XN Chè Thanh Mai chia sẻ: Cán bộ Xí nghiệp ở đây cái tầm hạn chế nên Xí nghiệp cũng khó mà đổi mới được, giờ mong muốn được Công ty trang bị cho một hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ tiên tiến để sản xuất, kinh doanh thì may ra mới cạnh tranh được với tư nhân. Xí nghiệp chúng tôi giờ đang sống trong cảnh muốn chết cũng không chết được, muốn sống cũng không sống nổi.
 
Xí nghiệp Chè Thanh Mai hoang tàn
 
Một nghịch lý đang diễn ra đó là, trong khi Xí nghiệp Chè Thanh Mai không có việc làm, thì tại các xưởng chế biến mini trên địa bàn xã Thanh Mai cảnh mua, bán, chế biến luôn diễn ra tấp nập. Lý giải về điều này, bà con cho biết, do giá Xí nghiệp thu mua không cao bằng thị trường chợ đen. Như thời điểm này, 1 kg chè búp tươi Xí nghiệp thu mua chỉ 40.000 đồng, trong lúc đó, tư thương mua đến 48.000 - 50.000 đồng/kg.
 
Gặp chúng tôi tại xưởng chế biến của gia đình ông Nguyễn Trung Sơn ở xóm Ngọc Sơn, vừa nhanh tay chuyển những bao tải chè được chất đầy trên ôtô xuống, ông Nguyễn Văn Chín vừa tươi cười nói: Dân nhà tôi thì tiền tươi thóc thật là chúng tôi bán thôi. Chúng tôi nhập cho các xưởng tư nhân được trả tiền mặt ngay, chứ không nợ lên nợ xuống như Xí nghiệp.
 
Trên địa bàn xã Thanh Mai hiện có tới 13 xưởng chế biến chè, trong đó có 5 xưởng có công suất lớn. Đơn cử như Xưởng chế biến Minh Hải của gia đình ông Lương Văn Minh, bình quân mỗi ngày chế biến được 20 tấn chè búp tươi, công suất lớn gấp đôi so với Xí nghiệp Chè Thanh Mai. Thế nhưng, cơ sở chế biến của gia đình ông vẫn luôn có đủ nguyên liệu để hoạt động tối đa công suất. Theo như ông Minh cho biết: Lý do là chúng tôi mua, bán thủ tục thuận lợi, trả tiền liền, không định giá nguyên liệu loại cao, loại thấp như Xí nghiệp. Bà con thì cần tiền nên bán một bì, chúng tôi trả tiền một bì, không bao giờ nợ, giá lại cao, có khi cao hơn 10 giá so với Xí nghiệp.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Thiện - Trưởng phòng Kinh tế Kỹ thuật Xí nghiệp Chè Thanh Mai cho rằng, giá thu mua của Xí nghiệp luôn thấp hơn tư thương là do cơ chế giao khoán. Xí nghiệp chỉ là khâu mua, bán trung gian, dịch vụ nên giá đầu vào thấp là lẽ đương nhiên.
 
Hệ thống nhà xưởng tồi tàn với dây chuyền máy móc cũ kỹ, lạc hậu ở các XN chè
 
Thanh Chương là huyện trọng điểm nguyên liệu chè với trên 4 nghìn ha chè kinh doanh. Trong đó, 3 Xí nghiệp Chè Thanh Mai, Hạnh Lâm và Ngọc Lâm trực thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Chè Nghệ An được giao quản lý khoảng 1.500 ha vùng nguyên liệu chè. Điều đáng nói, ngay từ khi thành lập, chuyển đổi theo Quyết định số 3201 của UBND tỉnh, do không có hợp đồng pháp lý ràng buộc với các hộ nhận giao khoán, nên Xí nghiệp mua giá cao thì bà con bán, mua giá thấp thì người dân nhập cho tư thương.
 
Ngược lại, Xí nghiệp cử cán bộ đến từng hộ dân giám sát, ép bán nguyên liệu, tạo bức xúc trong người dân. Bên cạnh đó, cũng như Xí nghiệp Chè Tháng Mười - Anh Sơn, tại vùng nguyên liệu chè ở Thanh Chương, hiện tượng chuyển nhượng trái phép đất đai, xây dựng nhà ở, công trình kiên cố… đang có chiều hướng gia tăng, thế nhưng, các xí nghiệp không thể xử lý sai phạm. Bởi các xí nghiệp chỉ quản lý trên hình thức, không có chức năng quản lý Nhà nước. Rõ ràng, với cơ chế vận hành không đổi mới cộng với quản lý yếu kém đã làm cho các xí nghiệp lâm vào tình trạng  “sống dở, chết dở”. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, ở hầu khắp các xí nghiệp, thế nhưng, theo như các xí nghiệp cho biết, đến nay, Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Chè Nghệ An vẫn chưa có động thái gì.
 
Về vấn đề này, ông Phan Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Chúng tôi nghĩ rằng, để cây chè đứng vững trên đất Thanh Chương cũng như các xí nghiệp chè trở nên vững mạnh, làm bà đỡ cho người nông dân thì đề nghị Công ty Chè nên nghiên cứu tìm hiểu lý do tại sao tỷ lệ thu hút ở các xí nghiệp này đạt thấp, từ đó có đổi mới về cơ chế vận hành.
 
Để tháo gỡ khó khăn cho các xí nghiệp, thiết nghĩ, ngành chè Nghệ An cần sớm đưa ra các giải pháp đầu tư hữu hiệu nhất, tập trung nội lực để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thực hiện đảm bảo quy hoạch vùng nguyên liệu, quản lý tốt diện tích đất giao khoán. Điều cốt lõi nhất hiện nay, đó là cần phải có sự đổi mới cơ chế vận hành của các xí nghiệp. Về phía người dân cũng đang mong chờ sớm có sự đổi thay về cơ chế chính sách để yên tâm đầu tư lâu dài vào cây chè.

Hiến Chương
.