Báo cáo nêu: “Theo biên bản bàn giao tang vật giữa Trạm CSGT Diễn Châu và Trạm Thú y Diễn Châu lập ngày 21/10/2013: Số lượng bàn giao tang vật là 2 thùng thịt chim và các giấy tờ liên quan; tình trạng chất lượng còn nguyên vẹn như lúc tạm giữ. Số thịt chim này được vận chuyển đi tiêu thụ, không còn để kiểm tra, xác minh chất lượng. Như vậy, việc xác định thịt hôi thối trong trường hợp này rất khó cho Chi cục”.
Báo cáo giải trình của Chi cục Thú y tỉnh liệu có tạo ra tiền lệ xấu?
|
Chi cục Thú y cũng nêu ra 2 biện pháp khắc phục hậu quả: Nếu thịt chim đã hôi thối..., thịt không được chủ hàng chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ, trong thời gian đang có dịch bệnh thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch trên loài động vật đó thì phải tiêu hủy. Nếu thịt còn tươi, bảo quản tốt, có nguồn gốc xuất xứ, được xác định thuộc vùng không có dịch bệnh nguy hiểm thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch trên loài động vật đó thì được phép làm kiểm dịch; sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y thì được tiêu thụ, không đạt thì tùy mức độ xử lý theo quy định.
Trong trường hợp này, Trạm Thú y Diễn Châu, trực tiếp là ông Nguyễn Trọng Bốn - Trưởng trạm cam đoan là đã xác minh được nguồn gốc số thịt chim này xuất phát từ tỉnh Ninh Thuận, hiện không có dịch cúm gia cầm (văn bản xác định nguồn gốc sẽ gửi về sau), thịt còn tươi, không biến màu, không hôi thối nên tiến hành làm kiểm dịch.
Tuy nhiên, nếu làm kiểm dịch trong trường hợp này thì phải lấy mẫu xét nghiệm, nhưng Trạm Thú y Diễn Châu không thực hiện, Chi cục Thú y sẽ kiểm điểm, nhắc nhở những cá nhân liên quan đến sai sót trong quá trình làm nhiệm vụ để công tác kiểm dịch thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn dịch bệnh, ATVSTP cho người và gia súc.
Để rộng đường dư luận, Tòa soạn xin có đôi lời trao đổi. Thứ nhất, biên bản bàn giao tang vật ghi “Chất lượng còn nguyên vẹn như lúc tạm giữ”. Điều đó không có nghĩa là số lượng thịt chim trên đủ điều kiện an toàn vệ sinh thú y, ATVSTP để cấp chứng nhận kiểm dịch. Chi cục Thú y Nghệ An chỉ nghe theo báo cáo từ phía Trạm Thú y Diễn Châu, đơn vị này cố ý “đốt cháy” quy trình kiểm dịch để kết luận sự việc là phiến diện. Thứ hai, việc xác định nguồn gốc 140 kg chim cò trên là điều không thể. Đây là chim hoang dã, không phải là chim nuôi nhốt nên việc xác định nguồn gốc không thể chỉ căn cứ vào địa điểm lô hàng được xuất đi. Vậy mà, ông Nguyễn Trọng Bốn - Trạm trưởng Trạm Thú y Diễn Châu cam đoan là đã xác minh được nguồn gốc lô hàng này và hứa “chữa cháy” bằng cách sẽ gửi văn bản xác định nguồn gốc về sau (?). Thứ ba, theo Công ước Cites (bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp), một số họ cò thuộc nhóm cần được bảo vệ. Vì vậy, dù xác định lô hàng trên không nhiễm dịch bệnh nguy hiểm chưa hẳn đã đủ điều kiện cấp phép cho lưu thông. Đó là chưa kể đến việc, Trạm Thú y Diễn Châu liệu có đủ thẩm quyền để cấp chứng nhận kiểm dịch các sản phẩm động vật hoang dã hay không?
Vì những lẽ trên, việc Chi cục Thú y cho rằng, nếu lô hàng trên được xác định là không nhiễm bệnh thì có thể cho tiêu thụ là đi ngược với Công ước Cites, kết luận về vụ việc cũng phiến diện và thiếu khách quan. Việc Chi cục Thú y Nghệ An “sẽ tiến hành kiểm điểm, nhắc nhở ông Nguyễn Trọng Bốn” chỉ là hành động “giơ cao đánh khẽ”, sẽ tạo nên những tiền lệ xấu cho ngành thú y. Chẳng lẽ, những điều trên, Chi cục Thú y không nhận ra?
Văn Dũng
.