Để thay đổi tập quán canh tác và chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, hiệu quả thấp và tạo sức bật trong sản xuất nông nghiệp về quy mô và chất lượng, trong những năm gần đây, huyện Đô Lương đã tích cực đầu tư, triển khai thí điểm nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao chất lượng mức thu nhập trên đơn vị diện tích.
Tính đến nay, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học, cùng nhiều nguồn vốn của các chương trình, toàn huyện đã triển khai thí điểm hơn 50 mô hình, dự án, đề tài ứng dụng các tiến bộ KHCN cấp tỉnh, cấp huyện về nhiều lĩnh vực. Trong đó, chủ yếu tập trung vào sản xuất nông nghiệp như: chuyển đổi các giống cây trồng mới: sản xuất đậu xanh sử dụng giống DX2008, lúa chất lượng cao AC5, giống lạc mới TB25…; chuyển đổi các giống vật nuôi: nuôi cá rô đầu vuông, lợn rừng, baba thương phẩm, ếch,… hay ứng dụng thâm canh, hạn chế tối thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng và môi trường…
Qua đánh giá, có nhiều mô hình mới được áp dụng đã tạo sức bật cho phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Điển hình như mô hình trồng măng tây xanh xã Thượng Sơn. Bình quân phí ban đầu để trồng 1 ha rau măng tây xanh khoảng 200 triệu đồng. Từ khi trồng đến lúc thu hoạch mầm là 6 tháng. Măng tây xanh có thể lưu gốc từ 7 - 15 năm. Mầm lên khỏi mặt đất từ 20 - 30 cm là có thể thu hoạch. Mầm cây có màu xanh mướt, vị ngọt, mềm. 1 kg măng tây xanh loại 1 lên đến 100.000 đồng, loại 2 là 80.000 đồng nên trong thời gian tới, huyện Đô Lương sẽ nhân rộng thêm tại địa bàn xã Đông Sơn, Mỹ Sơn, Lưu Sơn.
Mô hình sản xuất rau màu cho thu nhập cao
Hay mô hình thâm canh lúa SRI quy mô 3 ha tại xã Thượng Sơn, sau khi thu hoạch năng suất vượt 25% trên 1 ha so với giống lúa nông dân thường canh tác. Mới đây, từ nguồn vốn của Sở KHCN triển khai Dự án Nuôi bò thương phẩm tại xã Thuận Sơn. Trên cơ sở đó, huyện triển khai mô hình nuôi bò cái sinh sản quy mô 10 con cho 10 hộ nông dân nghèo ở xã Nhân Sơn, sau hơn 1 năm thì 1 con bò sinh sản thu lãi hơn 7 triệu đồng, đến nay đã có 50 hộ nuôi.
Ngoài ra, còn nhiều mô hình được triển khai tại các địa phương khác trên địa bàn huyện cũng cho kết quả rất khả quan như: cây lúa nước, cánh đồng mẫu; nuôi gà địa phương tại chuồng, rút ngắn được thời gian nuôi, tăng hiệu quả kinh tế; sản xuất phân hữu cơ sinh học, đem lại năng suất và sản lượng cao hơn sử dụng các loại phân bón hữu cơ khác. Mô hình đang được nhân rộng ra các xã như Đô Sơn, Giang Sơn Đông…
Có thể nói, hiệu quả từ các chương trình, đề án, dự án áp dụng KHCN đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho nhân dân huyện Đô Lương là rất lớn. Thông qua việc triển khai các chương trình KHCN trên địa bàn huyện đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con trong việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giúp họ tăng giá trị thu nhập, nâng cao đời sống. Đây còn là nguồn động lực để nông dân thoát nghèo, khi áp dụng thành công các mô hình sản xuất tiên tiến.
Dù vậy, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc triển khai các đề án KHCN tuy được đẩy mạnh và nhân rộng nhưng lại chưa thật sự đồng đều, một số mô hình sau khi triển khai thí điểm đã không được triển khai đại trà. Thậm chí, có mô hình khi triển khai thí điểm thì thành công nhưng chỉ sau một thời gian lại đi vào im lặng.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Công Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Mặc dù có hạn chế nhất định, tuy nhiên, trong thời gian tới, huyện Đô Lương vẫn xác định đẩy mạnh các ứng dụng KHCN vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bởi đây là bước chuyển khá quan trọng, giúp nông dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê mình.
Trường Khuyên
.