Kinh tế xã hội
31595
Giải quyết đầu ra cho sản phẩm của ngư dân
08:00, 25/10/2013 (GMT+7)
Lâu nay, việc giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm cùng các dịch vụ hậu cần nghề cá, giúp ngư dân yên tâm bám biển vẫn là bài toán đầy gian nan.
Bến cá Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai một ngày cuối tháng 10, trời yên biển lặng, bến cá rộn rã tiếng tàu thuyền ra vào cập bến. Những chuyến tàu đầy ắp tôm cá sau hải trình dài tấp nập vào cảng, mang theo nhiều kỳ vọng của ngư dân trở về từ biển khơi. Bởi sản phẩm đánh bắt được nhiều thì bữa cơm gia đình trở nên đầm ấm hơn. Những đứa trẻ xóm chài ven biển cũng lành lặn chiếc áo để tới trường hơn... Nhưng kỳ vọng đó có đạt được hay không, lại gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, đầu nậu thu mua hải sản.
Ngồi dựa vào mạn tàu, lặng lẽ quan sát, anh Lê Bá Tuấn - Chủ tàu cá NA 42540 ở thôn Đồng Lực, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, không giấu được sự buồn bã cho chúng tôi biết: Anh và 9 thuyền viên vừa trở về sau 15 ngày lênh đênh trên biển, đánh bắt được hơn 10 tấn cá nục, vừa cập bến thì các chủ thu mua ép giá khiến tàu anh bị lỗ đến 40 triệu đồng. Cực chẳng đã, nhưng cũng phải chịu vì ai cũng muốn bán cá nhanh để giải phóng con tàu, đi chuyến tiếp theo.
Anh Tuấn chia sẻ thêm: “ Thu mua người ta ép giá, đáng lẽ bình thường tôi về là phải giá 12 - 13, nhưng nhiều quá người ta ép giá còn 7 đồng, 8 đồng thôi. Không làm thế nào được bởi, Nhà nước không đứng ra, mà tư nhân người ta tự thu mua, cho nên người ta ép giá mình thì mình phải chịu”.
Tại bến cá Quỳnh Lập có trên 200 tàu thường xuyên ra vào, nhưng hiện chỉ có 2 cơ sở chế biến tiêu thụ cá cho ngư dân, nên hầu như toàn bộ sản phẩm được bán cho các thương lái nơi khác đến. Đánh bắt trên biển không phải lúc nào ngư dân cũng gặp may mắn, có những chuyến đi về không đủ trang trải cuộc sống, chủ tàu và bạn chài đều đói. Thế nhưng, nỗi buồn lớn nhất là mỗi chuyến vươn khơi, công sức, mồ hôi mà họ làm ra lại bị chính những tư thương, đầu nậu chiếm đoạt.
Những chuyến ra khơi bám biển, dù cập bến cá đầy khoang thì
ngư dân vẫn lo lắng vì bị ép giá
Chi phí đi biển của mỗi chiếc tàu loại 90 CV khoảng 130 triệu đồng, nếu đánh bắt gần bờ chủ tàu cũng phải bỏ ra chi phí ít nhất 50 triệu đồng. Một thực tế lâu nay ở các vùng ven biển huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, đó là khi giá xăng dầu tăng nhanh, phí tổn cao, nhiều ngư dân thiếu vốn, buộc phải tìm đến các đầu nậu để vay. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc, sau mỗi chuyến đi biển về, sản phẩm không thể bán cho ai khác ngoài những đầu nậu đó. Vì lợi nhuận, họ ép cân, rồi ép phẩm cấp cá, đó là chưa kể các đối tượng móc nối với nhau để thao túng chính những người trực tiếp lao động. Bởi thế, vì cần tiền, cần phương tiện, chính các ngư dân đành phải bán cho thương lái với bất cứ giá nào.
Ông Phan Đình Đức - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Thủy sản II Nghệ An, đóng chân trên địa bàn thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu thừa nhận thực trạng đó: “Cơ chế thu mua qua các đầu nậu có mặt lợi và mặt không lợi. Mặt lợi là càng có nhiều người mua bán, giá cả càng cao thì người khai thác càng có lợi, nhưng trong một chừng mực nào đó người ta vẫn gìm giá, chỉ có đầu nậu được ăn thôi. Bây giờ nếu Nhà nước quản lý theo kiểu này thì dân có khi bán được giá cao, có khi thua lỗ, có khi hàng tồn kho, cũng không ai chịu trách nhiệm”.
Huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai có tất cả 5 bến cá. Trong đó, cảng Lạch Quèn là lớn nhất với gần 1.000 tàu thuyền đánh bắt xa bờ của các xã Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long, Quỳnh Thuận. Nhưng ở đây cũng chỉ có 4 đại lý và gần 30 cơ sở chuyên thu gom hải sản. Trung bình mỗi đầu nậu có từ 30 đến 40 tàu thuyền chuyên cung cấp hải sản. Tính ra một chủ đầu nậu mỗi ngày thu mua hàng chục tấn cá, tiền chênh lệch thu về sau khi bán cho doanh nghiệp chế biến thủy sản lên đến cả chục triệu đồng. Trong khi chủ tàu lẫn bạn thuyền lênh đênh trên biển cả tháng trời, may mắn chỉ kiếm được vài triệu, còn lại nhiều chuyến sau khi trừ chi phí, tiền công cho bạn thuyền, chủ tàu phải chịu lỗ.
Với sản lượng đánh bắt mỗi năm hơn 45.000 tấn, huyện Quỳnh Lưu luôn đứng đầu toàn tỉnh về sản lượng khai thác. Tuy nhiên, do chi phí cao, thời gian bám biển dài ngày, việc bảo quản sản phẩm sau khai thác chưa được đảm bảo, từ đó dẫn đến giá thu mua bao giờ cũng thấp hơn từ 20 - 30%. Các cơ sở thu mua hải sản hiện nay đều không xuất khẩu trực tiếp, mà bán sản phẩm hoặc làm đại lý cho các đơn vị xuất khẩu ở ngoài tỉnh, nên việc cạnh tranh giá cả, chất lượng bị hạn chế. Ngoài ra, công tác chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Trao đổi về việc làm thế nào để tăng giá trị đánh bắt, giảm thiệt thòi cho ngư dân trong thời gian tới, ông Đặng Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho chúng tôi biết: “Thứ nhất là, tập trung phát triển các làng nghề chế biến thủy, hải sản trên địa bàn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Thứ hai là, chỉ đạo quy hoạch, xây dựng khu vực chế biến thủy, hải sản gắn với khu neo đậu ở cảng cá Lạch Quèn. Thứ ba là, phối kết hợp với các công ty để nâng cao năng lực chế biến, tập trung cho mũi nhọn xuất khẩu các loại thủy, hải sản trên địa bàn”.
Với ngư dân, đây là những lối ra giúp họ tự tin để bám biển. Nhưng nó có thực sự đi vào cuộc sống để gỡ khó cho ngư dân hay không, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng. Ngư dân cần lắm những dịch vụ hậu cần trên biển để bảo quản và tiêu thụ hải sản, xây dựng một chợ cá để ngư dân tiêu thụ sản phẩm, hình thành các HTX kinh doanh hải sản, xuất khẩu sản phẩm... Chỉ như vậy, ngư dân mới yên tâm hăng hái bám biển mưu sinh, phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thanh Toàn