Đây là chính sách đột phá, kích cầu, hợp lòng dân nên đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị và các doanh nghiệp vào cuộc, huy động được sức dân một cách mạnh mẽ. Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Tính đến trung tuần tháng 4/2013, toàn tỉnh đã thi công xong 443/549,2 km, đạt 80,66% kế hoạch, trong đó đường cấp A 272 km; cấp B 171 km. Riêng huyện miền núi Con Cuông đã làm được 47,19/38 km, vượt chỉ tiêu 9,19 km. Lượng xi măng các địa phương đã nhận gần 82.600 tấn với kinh phí thực hiện gần 100 tỷ đồng. Hiện nay, các huyện đang tiếp tục hoàn thành 106,2 km còn lại trong tháng 4/2013. Bên cạnh đó, nhân dân các địa phương đã xây dựng mới được 527 km kênh mương các loại, nâng cấp trên 10 công trình hồ đập, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu...
Để đảm bảo cơ chế hỗ trợ phát huy kết quả cao nhất, đảm bảo nguồn xi măng hỗ trợ sử dụng đúng mục đích, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành kiểm tra tình hình thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn nhằm kịp thời chấn chỉnh những hạn chế đối với việc tiếp nhận và sử dụng nguồn xi măng do tỉnh hỗ trợ.
Qua kiểm tra, nhìn chung các tuyến đường đều đảm bảo đúng thiết kế, mỹ quan đẹp như tuyến đường ở các xã: Sơn Thành, Phúc Thành (Yên Thành); Thịnh Sơn (Đô Lương); Nam Anh (Nam Đàn); Nghi Liên (thành phố Vinh)…, mặt đường rộng từ 3 - 3,5 m, độ dày bê tông từ 18 - 20 cm, không đọng nước, chất lượng tốt, đảm bảo đúng với thiết kế.
Ngoài diện hỗ trợ của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã còn hỗ trợ các xã, phường, thị trấn xây dựng các tuyến đường thôn, xóm, đường ra đồng. Đồng thời, khuyến khích nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tự nguyện đầu tư xây dựng các công trình đường thôn, xóm, đường ra đồng. Nhờ vậy, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được nâng cấp, mở rộng đã góp phần tạo điều kiện cho việc đi lại, sản xuất, giao lưu của người dân được thuận lợi và bộ mặt nông thôn ngày một khang trang hơn.
Nghệ An phấn đấu đến năm 2015, từ 70 - 100% các tuyến đường từ xã đến trung tâm thôn được bê tông hóa; 90 xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương ưu tiên huy động lồng ghép nguồn lực cho 5 xã: Sơn Thành, Phúc Thành (Yên Thành); Thịnh Sơn (Đô Lương); Nam Anh (Nam Đàn); Nghi Liên (thành phố Vinh) đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2013.
Viết Hùng
.