Hiện nay, trên thị trường có 3 loại thuốc được lưu thông bao gồm tân dược, đông dược và dược liệu. Tại địa bàn tỉnh Nghệ An, thuốc tân dược được phân phối bởi 45 chi nhánh, gần 200 nhà thuốc và gần 1.000 quầy bán thuốc. Các loại thuốc tân dược được bán cả trên thị trường tự do và tại các quầy thuốc trong bệnh viện.
Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng của ngành y tế cũng như lực lượng Công an đã phát hiện rất nhiều vụ sản xuất, vận chuyển, buôn bán và sử dụng các loại thuốc tân dược chuyên dụng giả nhãn mác, hết hạn sử dụng và kém chất lượng.
Những loại thuốc này khi trôi nổi trên thị trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng như: Phát sinh bệnh tật khi dùng, kháng thuốc…, thậm chí sẽ dẫn đến tử vong. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng đã phối hợp triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược phẩm.
Người tiêu dùng không thể nhận biết được đâu là thuốc tân dược thật
khi mua thuốc ở cửa hàng thuốc tư nhân
khi mua thuốc ở cửa hàng thuốc tư nhân
Song, thực tiễn cho thấy, các vụ việc vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại hơn, các loại thuốc nhãn mác giả, kém chất lượng không chỉ tập trung vào một số loại mà rất đa dạng, phức tạp, với số lượng rất lớn, từ thuốc nhập ngoại cho tới thuốc được sản xuất trong nước.
Theo số liệu do Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm Nghệ An cung cấp, chỉ riêng trong năm 2012, qua kiểm tra, xét nghiệm mẫu thuốc, đã phát hiện 100 mẫu thuốc không đạt chất lượng, thuốc quá hạn, kém chất lượng không được phép lưu hành. Đặc biệt, qua kiểm tra đã phát hiện ra một số thuốc tân dược, nhất là thuốc nhập ngoại không đạt chất lượng.
Cụ thể như viên nang giảm đau chống viêm Diclophenac do Ấn Độ sản xuất, viên Piroxicam do Hàn Quốc sản xuất, thuốc có thành phần Cefalexim được làm giả nhãn mác, thuốc kháng sinh Zinnat… Cơ quan chức năng còn phát hiện một số nhà thuốc bán các loại thuốc đã quá hạn sử dụng không được phép lưu hành, như thuốc bổ Dodecavit, thuốc viêm khớp Colchicine, ho long đờm, Strychnin Sulfat…
Không chỉ thuốc thông thường như cảm cúm, hạ sốt bị quá hạn, kém chất lượng mà nhiều loại thuốc đặc trị các bệnh như tim mạch, thần kinh, sốt rét cũng bị giả nhãn mác, thậm chí không ít thuốc đông dược, dược liệu cũng bị nhái. Trong đó, bị làm giả, làm nhái nhiều nhất phải kể đến các vị thuốc như Liên nhục, Hoàn kỳ, Hồng kỳ, Ý dĩ…, trình độ làm thuốc giả ngày càng phức tạp và tinh vi hơn.
Dược sỹ Đinh Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm Nghệ An cho biết: Để chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng, các hãng thuốc cũng phải tự bảo vệ cho sản phẩm của mình, ví dụ anh bán thuốc Zinat thì phải phổ biến cho khách hàng đặc điểm mẫu mã như thế nào, còn để người tiêu dùng phân biệt bằng cảm quan 1 vỉ Zinat thật và giả rất khó, vì nó làm giả rất tinh vi…
Để ngăn ngừa nạn thuốc giả và kém chất lượng ra ngoài thị trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng, thì cần phải có các chế tài xử lý nghiêm khắc các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc giả, thuốc nhập lậu ở bất kỳ mức độ và phạm vi nào.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dược cũng cần chủ động đưa ra chính sách, quy trình nội bộ về bảo vệ quyền sở hữu, chống hàng giả... Về vấn đề này, Dược sỹ Hoàng Văn Hảo - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An trao đổi: “Chúng tôi sẽ củng cố các cơ quan chức năng liên quan đến chất lượng thuốc, cụ thể ở đây là Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, dược phẩm của tỉnh cũng như các Labo kiểm nghiệm chất lượng thuốc của các đơn vị, tăng cường bổ sung nguồn nhân lực về kiểm tra chất lượng thuốc, lưu ý đến việc trong quá trình lấy mẫu phải quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, những nơi mà thuốc kém chất lượng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các đơn vị lưu thông phân phối thuốc, cũng như các cơ sở khám chữa bệnh”.
Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng bác sỹ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, thậm chí là tử vong. Trong đó, nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc. Các phản ứng dị ứng có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc 15 - 30 phút hoặc một vài ngày.
Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ nhất là sự kích ứng, các tác dụng phụ ở mức độ nhẹ như: Buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng, chẳng hạn shock phản vệ… Vì vậy, người dân khi dùng thuốc cũng phải hết sức đề cao cảnh giác về nguồn gốc xuất xứ của thuốc mình đang sử dụng, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra đối với sức khỏe và tính mạng.
Dược sỹ Hoàng Văn Hảo - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An khuyến cáo: “Khi dùng thuốc phải có hướng dẫn của thầy thuốc, có các bác sỹ chuyên ngành kê đơn và hướng dẫn dùng thuốc theo đợt, khi mua thuốc nên đến các cơ sở bán thuốc hợp pháp, có biển hiệu đầy đủ, có quy mô, có cơ sở đàng hoàng thì yên tâm, khi mua thuốc bằng cảm quan của mình kiểm tra các nhãn mác, ví dụ tên thuốc, tên hãng sử dụng… thì nếu người dân bình thường để ý, quan tâm đến vẫn có thể thực hiện được”.
Mặc dù, cho đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa phát hiện thấy các loại thuốc giả, song con số 2,6% mẫu thuốc qua kiểm nghiệm bị phát hiện quá hạn sử dụng, kém chất lượng phần nào cũng đã phản ánh được phần nổi của tảng băng chìm. Sử dụng thuốc kém chất lượng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ, các ngành chức năng cần sớm vào cuộc, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, ổn định đời sống người dân.
Hiến Chương
.