Nhưng ít ai biết chất lượng của xe đạp điện như thế nào khi việc thẩm định chất lượng của cơ quan chức năng vẫn còn nhiều hạn chế nên xe giả, xe nhái tràn ngập thị trường.
Trước điệp khúc xăng tăng, vợ đòi mua xe đạp điện để đi chợ thay xe ga, tôi có buổi xâm nhập thị trường xe đạp điện ở khu vực lân cận chợ Vinh. Phải nói thị trường xe đạp điện khá nhộn nhịp, hàng chục mẫu mã, chủng loại được bày bán, đắt nhất là 13 triệu đồng, rẻ nhất cũng phải trên 7 triệu đồng/chiếc.
Nhãn hiệu thì vô kể, từ Honda, Yamaha, Giant, Bridgestone… nhưng có cái thì nhãn đóng nổi, cái thì đóng chìm, cái thì tìm mãi mới thấy. Hỏi về xuất xứ thì các chủ cửa hàng đều khẳng định nhập từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và cam kết bảo hành tùy độ đắt, rẻ của xe. Nhưng khi hỏi mua xe Trung Quốc giá rẻ thì cửa hàng cũng sẵn sàng cung cấp.
Một chủ cửa hàng kinh doanh xe đạp điện trên đường Trần Phú khuyên tôi mua xe hãng Giant là chất lượng nhất vì độ bền của ắc quy, động cơ, bộ điều khiển… với giá 13,5 triệu đồng, bảo hành 1,5 năm. Nhưng khi hỏi chiếc xe đó với cùng kích cỡ, kiểu dáng trên đường Quang Trung thì chủ cửa hàng ra giá 12 triệu đồng, bảo hành 1 năm.
Khó phân biệt đâu là xe thật, xe kém chất lượng
Vì chưa có hãng xe đạp điện nào mở đại lý chính thức tại Việt Nam nên các cửa hàng kinh doanh đều phải nhập khẩu xe và chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Có những sản phẩm do các nhà máy của hãng Honda, Yamaha… đặt tại Trung Quốc sản xuất, nhưng chủ yếu là sản phẩm của các cơ sở tư nhân làm giả.
Hãng Honda đặt tại Trung Quốc chỉ sản xuất 3 mẫu, Yamaha thì sản xuất 13 mẫu xe đạp điện nhưng chỉ riêng ở TP Vinh đã có tới trên chục mẫu xe dán mác Honda, hàng chục mẫu khác dán mác Yamaha. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay có tới 60% xe đạp điện trên thị trường Việt Nam là xe giả, nhái nhãn mác.
Hiện nay có hai loại xe giả, đó là giả về kiểu dáng của xe có đăng ký bản quyền và kiểu dáng thì tự thiết kế nhưng làm giả nhãn hiệu. Chính vì bị giả nên chất lượng xe rất thấp, tuổi thọ chỉ được vài năm, ắc quy thì phải thay liên tục. Theo thông số thì xe có thể đạt vật tốc 45 km/h, mỗi lần xạc pin đi được quãng đường trên 50 km nhưng ít xe đảm bảo được thông số đó.
Bác Nguyễn Hải, hàng xóm tôi có mua chiếc xe đạp điện giá gần 10 triệu đồng cho con đi học nhưng mới chỉ hơn một năm đã phải thay ắc quy hai lần, cứ mỗi lần xe đi dưới trời mưa là phải sửa do ngấm nước dẫn đến động cơ không hoạt động, đèn lúc có lúc không. Do lúc thỏa thuận bảo hành chỉ một năm nên hỏng đều phải tự đem đến cửa hàng sửa, thay thế phụ tùng với giá cắt cổ.
Điều khá kỳ lạ là các cửa hàng kinh doanh xe đạp điện trên địa bàn thành phố có giá bán và bảo hành khác nhau cho cùng một loại xe, giá cao hơn thì bảo hành lâu hơn, mà bảo hành chủ yếu do chính cửa hàng sửa chữa, thay thế phụ tùng. Phiếu bảo hành có thể cũng bị làm giả giống y như phiếu của các hãng xe nhưng cũng có nơi bảo hành bằng chính hóa đơn mua bán.
Được biết, giá xe đạp điện nhái nhập vào chỉ bằng 2/3, thậm chí là 1/2 giá xe chính hãng và vô số phụ từng thay thế giá bèo, nhưng khi về Việt Nam được bán với giá xe chính hãng. Các cửa hàng kinh doanh vẫn có chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ cho khách như những xe chính hãng để lấy niềm tin vì việc bảo hành, thay thế phụ tùng không đáng là bao khi họ thu lợi nhuận rất lớn từ việc bán xe giả.
Mặt khác, xe giả thường rất nhanh hỏng các phụ tùng, khi đã hết bảo hành thì phải đến cửa hàng thay thế với giá cao cho phụ tùng kém chất lượng. Mới đây, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra một kho hàng phát hiện 70 chiếc xe đạp điện giả mạo nhãn hiệu Honda và 230 tem giả. Chủ cửa hàng khai nhận, nhập lô hàng từ Trung Quốc với giá 4 triệu đồng một xe nhưng bán ra thị trường với giá trên 10 triệu đồng/xe.
Hiện nay, nhu cầu của người dân đối với xe đạp điện rất cao, trong khi thị trường đang hoạt động bát nháo, thật giả lẫn lộn nên người mua cần có sự tham khảo, tìm hiểu kỹ để tránh trả giá thật mua hàng giả. Các cơ quan chức năng nên có những đợt kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để các cửa hàng vi phạm.
Quang Quân
.